A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Một lần vượt đỉnh Chư Yang Sin

09:55 | 05/02/2014

Từ rất lâu, tôi đã ấp ủ ý định một lần đặt chân lên dãy núi Chư Yang Sin, dãy núi cao nhất nhì của Tây Nguyên để tận mắt nhìn thấy những cánh rừng nổi tiếng là còn giữ được nét nguyên sinh của núi rừng.

Và sau rất nhiều lần “hẹn hò”, mãi đến cuối năm 2013 tôi mới thực hiện được chuyến đi này khi được Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đồng ý cho “đeo bám” một tổ tuần tra thường xuyên của vườn.

Các kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đang lên kế hoạch cho chuyến tuần tra.
Các kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đang lên kế hoạch cho chuyến tuần tra.

Trụ sở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đóng tại xã Yang Tao (Lak) cách TP. Buôn Ma Thuột gần 60 km. Thông thường, đây cũng là một trong những điểm xuất phát của các đợt tuần tra, nhưng để thuận lợi hơn trong hành trình lên đỉnh Chư Yang Sin, chúng tôi phải đi xe thêm 40 km nữa để vào xã Yang Mao (huyện Krông Bông), rồi “tăng bo” tiếp 5 km mới đến cửa rừng. Tại cửa rừng, cán bộ Phòng Quản lý - Bảo vệ rừng tổ trưởng tổ tuần tra Lương Văn Khuở hướng tay chỉ về phía một lối mòn, nơi hằng ngày anh và các đồng nghiệp vào rừng và cho biết, rừng quốc gia Chư Yang Sin nằm ở phía nam của dãy Trường Sơn, chủ yếu là đồi núi nên phải đi bộ vào rừng tuần tra. “Có nhiều hướng lên đỉnh núi Chư Yang Sin, nhưng chưa biết khả năng leo núi của nhà báo thế nào, nên anh em đã chọn lộ trình tuần tra nhẹ nhàng nhất, thuận lợi nhất để đi”, anh Khuở cười nói. Nói là “nhẹ nhàng”, nhưng “đích ngắm” đầu tiên của ngày thứ nhất sẽ có độ dài khoảng 10km đường rừng. Đặt quyết tâm từ trước, vả lại đang nôn nóng được tận mắt chứng kiến một trong các khu rừng nguyên sinh cổ xưa còn lại ở Việt Nam nên tôi hối thúc các anh khởi hành. Tất cả các thành viên trong đoàn lập tức vác ba lô lên đường, nhưng ai cũng tủm tỉm cười và nhìn tôi đầy ẩn ý. Ánh nhìn đầy ẩn ý ấy đã ngay lập tức được giải thích. Chỉ cần đi khoảng nửa tiếng, đoàn chúng tôi đã bị cả rừng le ở bìa rừng bao lấy. Muốn qua được bìa rừng này, mọi người phải len lỏi giữa những bụi le đan sít vào nhau, nhiều đoạn le dày đặc và sà thấp quá nên phải bò sát mặt đất mới có thể vượt qua được. Gai góc đã đành, rừng le cũng là “thiên đường” của muỗi. Chỉ cần dừng chân uống nước, lập tức muỗi đã kéo đến từng đàn, vo ve bên tai. Đoàn tuần tra đang lầm lũi luồn lách trong rừng le thì cơn mưa rừng bất chợt trút xuống khiến đường đi đã trơn trượt nay lại còn nhóp nhép bùn rất khó đi. Cứ như thế đến quá trưa, phần vì đói, phần vì mưa mỗi lúc lại thêm nặng hạt, chúng tôi phải dừng lại bên một con suối để nấu mì tôm ăn lót dạ. Sau bữa ăn nhanh, anh Khuở lập tức ra lệnh lên đường. Nhìn những bước chân bắt đầu có phần nặng nề của tôi, vừa đi anh vừa động viên. Sau 11 lần băng qua, băng lại con suối Ea Tông bắt nguồn từ đỉnh núi Cư Yang Nia (một trong những ngọn núi thuộc dãy Chư Yang Sin), đoàn chúng tôi cũng đến được điểm tập kết. Mọi mệt nhọc của chuyến đi như tan biến khi trước mắt tôi hiện ra cả một cánh rừng nguyên sinh xanh mướt. Hòa trong tiếng ì ầm của dòng nước len lỏi qua những tảng đá lớn là tiếng muôn loài muông thú, côn trùng. Nhìn đồng hồ lúc ấy chỉ mới gần 15 giờ nhưng do không gian bị bao trùm bởi cả cánh rừng giao tán nên trời đã bắt đầu tối dần. 

Đường tuần tra luôn chứa đựng nhiều khó khăn, vất vả.
Đường tuần tra luôn chứa đựng nhiều khó khăn, vất vả.

Vừa đặt ba lô xuống đất, trừ tôi ra, tất cả các thành viên trong đoàn đã bắt tay ngay vào việc dựng lán. Nơi chúng tôi dựng lán là một  khoảnh đất bằng, nằm sát con suối đá. Việc dựng lán như là kỹ năng của các kiểm lâm Vườn nên chỉ trong chốc lát chúng tôi đã có “chỗ chui ra chui vào” khá chắc chắn. Không kịp dừng nghỉ, các anh lại bắt tay ngay vào việc nấu bữa cơm chiều. Không để tôi phải thắc mắc, vừa nhóm lửa anh Khuở vừa giải thích, ở rừng đêm xuống rất nhanh nên phải nấu ăn ngay mới kịp. Khoảng 17 giờ 30 tất cả anh em đã được quây quần bên mâm cơm đặt trên chiếc bàn dã chiến được tạo ra từ những thanh tre. Với tài nấu nướng của các anh, bữa cơm rừng đầu tiên không thiếu thứ gì, nghĩa là có cá, có thịt, có canh và đương nhiên là không thể thiếu rượu. Với sự khéo léo, tỉ mẩn anh Trần Hiếu, Đội Kiểm lâm cơ động, được xem như là “anh nuôi” của đội tuần tra lần này. Anh Hiếu bảo, làm nghề này là phải đi rừng thường xuyên nên để bảo đảm sức khỏe thì bữa ăn trong rừng cũng phải như ở nhà vậy. Bữa cơm rừng do anh em tự đạo diễn tuy đơn sơ nhưng đầm ấm biết bao. Để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau, chúng tôi kết thúc “bữa nhậu” khá sớm để mọi người nghỉ ngơi. Mỗi người một võng, và sau một ngày leo núi, lần đầu tiên tôi mới cảm nhận được giấc ngủ ngon lành đến thế nào.

Nhiều vách núi dựng đứng, trơn trượt
Nhiều vách núi dựng đứng, trơn trượt.

Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi những tiếng vượn hót, tiếng heo rừng ủn ỉn gọi nhau, tiếng những giọt nước lộp độp trên cành lá, rơi xuống ngọn cỏ non còn đọng sương và cả những tiếng chim lạ mà trong đời tôi chưa một lần được nghe và nghe đâu những loài chim này chỉ có ở rừng Chư Yang Sin. Sau bữa điểm tâm đơn sơ với cơm nóng và cá khô nướng, chúng tôi lại chuẩn bị lên đường. Anh Khuở thông báo lộ trình chuyến tuần tra trong ngày cho tất cả các thành viên. Chúng tôi sẽ đi - về ngay trong ngày với chặng đường hơn 6 km và độ cao lên tới 700m. Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây lại là chặng đường vô cùng cam go. Địa hình này dù đã được anh em cảnh báo trước rằng, hôm nay là chặng đường “đất chạm mũi” nhưng vẫn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nhiều nơi vách đá cheo leo, thẳng đứng, cả đoàn phải bám vào rễ cây mà leo. Đôi khi, phải luồn mình dưới những chùm rễ cây rừng được bao bọc bởi một lớp rêu xanh mướt bám lên tận ngọn cây. Vắt rừng ở đây nhiều vô kể. Có hơi người đi qua, chúng búng theo nghe rào rào trên tán lá, đeo bám vào người còn hơn đỉa đói. Mỗi lần rứt được con vắt ra thì da người bị xước theo và máu cứ thế rỉ ra theo vết cắn. Gần đến đỉnh núi, hiện ra trước mắt chúng tôi là một khoảng rừng thông bạt ngàn. Những cây thông cổ thụ vươn mình thẳng đứng, những tán lá như chạm vào làn mây. Cảnh đẹp đến nao lòng. Gần đến đỉnh núi, đường đi càng khó khăn hơn, nhiều đoạn nằm chênh vênh bên vách núi, quanh năm mây mù che phủ, mỗi bước chân đều như đi xuyên trong mây. Đây cũng là “thủ phủ” của ruồi vàng - loài ruồi núi màu vàng, nhỏ, chuyên hút máu người và động vật. Ban ngày, ngồi đâu chúng cũng bám vào hút máu. Ruồi vàng cắn không đau nhưng chỗ chúng hút máu để lại những vết đen nổi lên rất đáng sợ. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ làm “vận động viên leo núi”, chúng tôi cũng đặt chân tại đỉnh núi cao 2.442m so với mực nước biển. Với tôi, đây là giây phút ngây ngất nhất vì đã chính thức chinh phục đỉnh Chư Yang Sin. Đứng trên đỉnh núi mới thấy được sự hùng vĩ của ngọn núi này. Thế nhưng sẽ không thể nào diễn tả được hết vẻ đẹp hùng tráng của dãy Chư Yang Sin bằng ngôn từ, ngay cả những bức ảnh đẹp nhất cũng không thể cho người ta nhìn thấy hết sự hùng vĩ của nó. Mây vẫn bay là là dưới chân lúc mờ lúc tỏ. Tại đây có thể quan sát thấy được toàn bộ thung lũng Lang Biang và thấy rõ toàn cảnh TP. Buôn Ma Thuột như một tấm bản đồ thu nhỏ… Đỉnh núi này quanh năm mây mù che phủ, thỉnh thoảng mới có ánh nắng mặt trời vào lúc giữa trưa. Có những chuyện “thật như đùa”: ở trên đỉnh Chư Yang Sin, kể cả ban ngày khi nấu cơm vẫn “trên sống dưới khê” như thường, dưới đáy nồi gạo cháy thế nhưng bên trên vẫn sống, còn cả lõi gạo. Luộc trứng thì lòng trắng chín, còn lòng đỏ gần như còn nguyên. Ban đêm, nhiệt độ xuống thấp, các anh phải đốt củi sưởi ấm trong lán trại mới ngủ được, quần áo phơi cả tuần… vẫn ướt do mây mù dày đặc. Thả mình trong không gian hùng vĩ chỉ hơn 15 phút, anh Khuở lại thúc giục chúng tôi trở về lán. Bởi với đỉnh núi cao như vậy, sau 3 giờ chiều sẽ rất lạnh và đêm xuống rất nhanh. Anh bảo nếu nán lại lâu quá, chỉ chút nữa thôi thì mọi người sẽ không nhìn thấy nhau từ khoảng cách 3 mét. Hành trình về lán tưởng chừng dễ dàng, nhưng dốc đứng trơn trượt cũng đã thử thách chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi trở về lán khi đồng hồ đã chỉ sang 16 giờ. Bữa cơm chiều cũng đã được anh Hiếu chuẩn bị xong. Ở lại lán thêm một đêm, sáng hôm sau đoàn chúng tôi rút ra khỏi rừng, kết thúc một chuyến tuần tra được xem là nhẹ nhàng nhất trong những chuyến tuần tra của lực lượng kiểm lâm Vườn.

Trở về sau 3 ngày nằm rừng, trên con đường Đông Trường Sơn đang mở xuyên qua Vườn, khi nghe tôi bày tỏ băn khoăn về những tác động lớn đến hệ sinh thái cũng như tài nguyên rừng khi con đường này hoàn thành, anh Khuở cả quyết: “Ở đâu thì có chứ chắc chắn ở Vườn chúng tôi, sự tác động sẽ là rất ít”. Sự tự tin ấy sẽ là hiện thực bởi tâm huyết của anh và những người như anh Hiếu, anh Lam, anh Hùng, anh Hai… sẽ giữ cho những cánh rừng mãi xanh… Như anh Khuở, rắn rỏi với nước da sạm nắng, dạn dày sương gió, nụ cười luôn thường trực trên môi. Nay đã 35 tuổi và có 11 năm gắn bó với núi rừng Chư Yang Sin, vẫn chưa lập gia đình vì những chuyến tuần tra, bảo vệ rừng cứ đưa anh đi triền miên. Hay như anh Hùng, để vợ tận huyện Cư Jut (tỉnh Dak Nông), còn anh ở đây “bám rừng”… Với diện tích lên đến 59 nghìn héc-ta, được bảo vệ bởi 10 trạm, hai tổ (tổ cơ động, tổ kiểm khuyển), mỗi trạm, tổ có từ 8 đến 10 người thì để giữ được màu xanh như hiện nay là cả một quá trình hết sức vất vả. Các “chiến sĩ” kiểm lâm của Vườn đã phải đổ biết bao mồ hôi và cả máu để bảo vệ rừng. Dù nắng gió dãi dầu, gian khổ là vậy, nhưng các anh chưa bao giờ có ý định muốn bỏ rừng.

Chư Yang Sin là một trong những dãy núi cao nhất và hùng vĩ nhất Dak Lak, có nhiều đỉnh núi nối liền nhau với độ cao dao động từ: 850m, 1.700m, 2.405m và đỉnh cao nhất là 2.442m (so với mực nước biển), nằm gọn trong khuôn viên Vườn Quốc gia Chư Yang Sin với tổng diện tích tự nhiên là 59.531,2 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Krông Bông và Lak. Vườn có kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới phân bố tập trung với diện tích rộng lớn tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng thường xanh nhiệt đới còn lại vào loại tốt nhất của vùng Tây Nguyên. Đây cũng là một trong các khu rừng nguyên sinh cổ xưa còn lại ở Việt Nam. Tất cả các nghiên cứu, báo cáo khoa học đều đánh giá cao về tính đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật quý hiếm hiện có của Vườn. Theo số liệu điều tra, có 948 loài thực vật bậc cao có mạch, 473 loài động vật có xương sống (74 loài thú, 220 loài chim, 98 loài bò sát - ếch nhái, 81 loài cá), 248 loài bướm ngày…

Giang Nam

    Nguồn:Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ