A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Bức xúc vì lò mổ gây ô nhiễm trong khu dân cư

13:25 | 24/09/2019

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở thôn 3, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) liên tục phản ánh về việc cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại hẻm 76, đường Nguyễn Thái Bình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân.

Tường nhà nằm sát vách với tường rào của lò mổ nên gia đình ông T.V.P. (hẻm 58, đường Nguyễn Thái Bình) luôn bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối và tiếng gia súc kêu la phát ra từ lò mổ. Ông P. bức xúc cho hay, hằng ngày gia đình ông và các hộ xung quanh phải bít kín hết cửa do mùi hôi thối từ lò mổ và khu nhốt gia súc bốc lên.

Nhìn từ cửa sổ nhà ông P. xuống khu vực lò mổ thấy nước thải chảy tràn lan và đọng trên sân, phân thải không được xử lý mà đổ đống sát cạnh hàng rào gần tường nhà ông khiến không khí bị ô nhiễm trầm trọng, chưa kể ruồi muỗi sinh sôi, nảy nở nhanh chóng làm lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm.

Vừa qua trong hẻm 58 có nhiều người bị sốt xuất huyết, trong đó có ông P. Đặc biệt, cứ tầm 2 giờ sáng là cả gia đình ông P. và hàng xóm xung quanh đều mất ngủ vì tiếng lợn kêu, bò rú. Chưa kể khoảng 20 hộ dân ở hẻm 58, đường Nguyễn Thái Bình đều đang sử dụng nước giếng nên nguy cơ nước thải từ lò mổ ngấm xuống mạch nước ngầm làm ô nhiễm nguồn nước là điều khó tránh khỏi, bởi lò mổ nằm ngay trong khu dân cư đông đúc và gần chợ.

Phân gia súc và nước thải tràn lan trong khu vực sân lò mổ.

Theo ghi nhận của phóng viên, không riêng gì gia đình ông P. mà hiện đang có hàng chục hộ dân ở thôn 3, xã Hòa Thắng (cụ thể là ở các con hẻm 58 và 76, đường Nguyễn Thái Bình) bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm từ lò mổ. Nước thải và chất thải rắn từ lò mổ được dẫn xuống một hầm chứa nước thải. Tuy nhiên hầm này không kín và không được xử lý theo kiểu tự phân hủy mà chỉ có tác dụng chứa đựng mà thôi. Trong khu vực sân lò mổ nước đọng đen ngòm, bò được cột trong sân chứ không phải nhốt trong chuồng.

Ông Nguyễn Trọng Hải, chủ lò mổ cho biết, lò mổ hoạt động từ năm 2010 theo hình thức cho thuê địa điểm mổ với giá 35 nghìn đồng/1 con heo và 100 nghìn đồng/1 con bò. Nguồn nước phục vụ hoạt động giết mổ và khâu dọn dẹp, xử lý, vệ sinh lò mổ do gia đình ông Hải thực hiện. Chất thải từ lò mổ được chứa ở hầm, khi hầm đầy ông sẽ bơm nước thải ra đường cống thoát nước của chợ còn chất thải rắn thì đóng bao để tập trung tại bãi rác của chợ chờ thu gom. Mỗi ngày cơ sở của ông Hải mổ khoảng 20 con gia súc. Về phản ánh cơ sở giết mổ gây ô nhiễm khu dân cư thì ông Hải cho rằng, khi lò mổ được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng thì xung quanh chưa có nhiều hộ dân ở. Vả lại mùi hôi gây ô nhiễm không chỉ bốc ra từ lò mổ của ông mà còn từ bãi rác tập trung của chợ Hòa Thắng nằm ngay trước cửa lò mổ.

Nước và chất bẩn đọng trong khu vực sân lò mổ.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng Nguyễn Thị Loan, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, UBND xã đã mời các bên có liên quan lên làm việc, đồng thời kiểm tra và nhắc nhở chủ lò mổ xử lý mùi hôi và tiếng ồn. Xã cũng yêu cầu Ban quản lý chợ Hòa Thắng và đơn vị thu gom rác thải là Công ty Đông Phương thường xuyên dọn rác, vệ sinh nắp cống thoát nước để hạn chế mùi hôi. Mặt khác, xã đã vận động và hỗ trợ 50 triệu đồng cho các hộ kinh doanh có điều kiện đầu tư vốn xây dựng lò mổ mới, đồng thời đề xuất với UBND thành phố xem xét, xây dựng khu giết mổ tập trung để di dời lò mổ đến địa điểm khác cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, do điều kiện của các hộ kinh doanh và chủ lò mổ cũ có hạn, không có ai đăng ký xây dựng lò mổ mới nên chỉ còn cách chờ động thái từ UBND TP. Buôn Ma Thuột.

Trong khi chờ đợi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng TP. Buôn Ma Thuột xử lý thì nhiều hộ dân ở thôn 3, xã Hòa Thắng đang phải ngày đêm “chống chọi” với ô nhiễm do cơ sở giết mổ gia súc này gây ra. Câu hỏi người dân đặt ra lúc này là: Đến bao giờ khu dân cư có lò mổ này mới hết chịu cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay?

Theo Nghị định 123/2018/NĐ-CP, ngày 17-9-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp quy định: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm…

Khả Lê

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ