A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cấp bách khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô

08:14 | 31/12/2019

Sông Krông Nô (sông Bố - một trong hai nhánh của dòng sông chảy ngược Sê rê pốk) chạy dọc theo huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống cư dân lưu vực.

Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra và ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, hoa màu, vật kiến trúc khu vực ven sông.

Sông Krông Nô bắt nguồn từ dãy núi cao Chư Yang Sin cao trên 2.000 m phía Đông Nam tỉnh Đắk Lắk, nơi giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng, chảy qua huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Diện tích lưu vực khoảng 3.920 km2 và có chiều dài dòng chính là 156 km. Lưu lượng nước trung bình nhiều năm là 76,4 m3/s (lưu lượng lớn nhất 228,7 m3/s; lưu lượng nhỏ nhất 18,8 m3/s). Riêng đoạn chảy qua địa phận tỉnh Đắk Nông dài 62,8 km.

Ngoài dòng chính, trên dòng sông Krông Nô còn có nhiều suối lớn, nhỏ khác phân bố khá đều khắp trên địa bàn huyện Krông Nô, Cư Jút như suối Đắk Mâm, Đắk D’rô, Đắk Rí, Đắk Nang, Đắk R’Măng đều là phụ lưu của sông Krông Nô.

Sạt lở nghiêm trọng trên sông Krông Nô, đoạn chảy qua xã Nâm N'đir (Krông Nô). Ảnh: Lê Phước

Sông Krông Nô có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống cư dân tỉnh Đắk Nông. Hiện trên sông Krông Nô có dự án thủy điện Buôn Tua Srah của Công ty cổ phần thủy điện Buôn Kuốp  và 11 dự án khai thác cát (bờ phía Đắk Nông 6 dự án và bờ phía tỉnh Đắk Lắk 5 dự án), với tổng sản lượng khai thác hàng năm theo giấy phép khai thác được cấp trên sông Krông Nô khoảng 320.000 m3.

Trong thời gian qua, tình trạng sạt lở trên dòng sông Krông Nô đang trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, hoa màu, vật kiến trúc khu vực ven sông, gây nhiều bức xúc cho người dân.

Phản ánh tại buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông mới đây, Ông Nguyễn Thành Sơn, cử tri xã Đức Xuyên huyện Krông Nô (Đắk Nông) cho rằng: Nguyên nhân tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, ngoài việc xả nước của thủy điện Buôn Tua Srah, việc hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk còn cấp phép cho các đơn vị khai thác cát làm cho mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cần có ý kiến với lãnh đạo hai tỉnh rút toàn bộ giấy phép khai thát cát trên toàn tuyến sông Krông Nô. Chính quyền địa phương sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh để giải quyết thiệt hại cho người dân có diện đất đã bị sạt lở trong thời gian vừa qua.

Trả lời ý kiến cử tri, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết: qua số liệu  báo cáo dự án đánh giá tổng thể các tác động đến môi trường, sạt lở từ các hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô, địa bàn tỉnh Đắk Nông có 19 điểm sạt lở xung yếu, với tổng chiều dài khoảng 9.705m, kéo dài trên địa bàn 5 xã (Quảng phú, Đắk Nang, Đức xuyên, Nâm N’Đri). Các điểm sạt lở có bề rộng từ 5 - 30m, chiều sâu khoảng 5 đến 10m. Nguyên nhân của tình trạng sạt lở sông Krông Nô trước hết là do địa chất của bờ sông. Trước đây, dòng sông Krông Nô mang nặng phù sa nên tốc độ dòng chảy chậm, ôn hòa thì nay do thiếu hụt bùn cát và phù sa từ thượng nguồn đổ về khiến dòng chảy gia tăng mạnh hơn và hung dữ hơn, nước dòng sông sẽ ăn dần đất ở hai bên bờ sông và lòng dẫn. Mặt khác, do địa chất bờ sông có kết cấu chủ yếu là phù sa bồi đắp của đất pha cát (chủ yếu tại khu vực Nâm N’Đir, Đức Xuyên, Buôn Choáh) nên rất yếu và dễ bị sạt lở, nhất là tại các điểm sông uốn khúc và những đoạn có dòng chảy lớn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các hoạt động khai thác cát số lượng lớn dọc sông Krông Nô là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thay đổi địa hình lòng sông, tác động trực tiếp đến dòng chảy dẫn đến sạt lờ bờ sông. Cùng với đó, việc vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah dẫn đến lưu lượng nước trên sông xảy ra bất thường, với  mực nước thay đổi trong ngày lớn, không ổn định dẫn đến tác động đột ngột vào bờ sông, nhất là tại những khu vực có kết cấu địa chất yếu, dễ sạt lở. Cụ thể, từ khi nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đi vào hoạt động năm 2010 đến nay đã làm sạt lở, ngập úng ảnh hưởng đến đất sản xuất của hơn 400 hộ dân dọc sông Krông Nô, với tổng diện tích đất khoảng 100 ha. Ngoài ra, do ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu bất thường, dẫn đến tình trạng mưa lớn kéọ dài cũng gây ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông.

Nhiều diện tích cây trồng của người dân xã Đức Xuyên (Krông Nô) đã và đang sạt xuống sông Krông Nô. Ảnh: Lê Phước

Để kịp thời xử lý vấn đề sạt lở dọc bờ sông Krông Nô, đảm bảo tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân cũng như không ảnh hưởng tới môi trường, UBND tỉnh Đắk Nông đã tạm dừng cấp giấy phép mới và tạm đỉnh chỉ hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp ở những khu vực đang sạt lở. Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, nhất là các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân.

Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Đắk Nông đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông 7 giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở hiện nay. Đó là giải pháp công trình kè rọ đá (kè cứng) bằng việc đóng cọc tre bên ngoài tại điểm sạt lở, sau đó gia cố bằng đá bên trong và đắp đất đầm chặt. Tuy nhiên, giải pháp này thường có chi phí cao. 

Giải pháp kè sinh thái 3 lớp (kè mềm) là trồng một loại cỏ chống sạt lở, bảo vệ công trình. Loại cỏ được chọn là cỏ Vetiver. Điều kiện đế áp dụng giải pháp này là không có hoạt động khai thác cát diễn ra. Cỏ Vetiver không có thân ngầm, nhưng bộ rễ đồ sộ của nó phát triển rất nhanh, không bò lan. Trong một số điều kiện, ngay trong năm đầu tiên rễ đã ăn sâu tới 3-4 m. Nhờ đó nó có khả năng chịu hạn đặc biệt và giúp hạn chế xói mòn đất ngay cả khi có dòng nước xiết chảy qua. Tiếp đến là biện pháp phi công trình như tăng cường công tác quản lý, vận hành các hồ chứa, đặc biệt khi các hồ xả lũ; đồng thời xây dựng quy trình quản lý khai thác cho từng khu vực có nguy cơ sạt lở (độ sâu tối đa cho phép, vị trí khai thác cách bờ, khai thác đúng thiết kế)...

Cùng với thực hiện khoanh định các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khai thác cát thì đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát phải thực hiện gắn camera và định vị trên các phương tiện để giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác. Song song đó cần thực hiện các giải pháp quản lý tổng hợp; tăng cường đội ngũ giám sát, thống nhất quản lý giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk trong các hoạt động khai thác cát dọc sông Krông Nô để phát hiện, xử lý các sai phạm theo quy định và các giải pháp khác nhằm hạn chế thấp nhất các tác động gây sạt lở bờ sông.

Lam Giang

http://www.baodaknong.org.vn/chung-tay-phat-trien-ben-vung-song-me-cong/cap-bach-khac-phuc-tinh-trang-sat-lo-bo-song-krong-no-76322.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ