A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Duy trì và bảo tồn đàn voi châu Á ở Đồng Nai: Chậm là mất

16:41 | 04/10/2014

Thời gian gần đây, sinh cảnh sống của đàn voi trên các cánh rừng ở nhiều tỉnh, trong đó có Đồng Nai bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng đàn voi rừng thường xuyên phá hoại hoa màu,...

vườn cây ăn trái của người dân sống ven rừng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng, tinh thần và cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.

 
 
Cá thể đàn voi rừng liên tục giảm
Hiện voi châu Á được Sách Đỏ thế giới xếp vào loại EN - nguy cấp. Trong khi đó, Sách Đỏ Việt Nam đã xếp loài voi này vào loại CR - cực kỳ nguy cấp. Trong Nghị định 32 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm đã xếp voi châu Á vào nhóm IB - loài nguy cấp, quý hiếm cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo điều tra của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện trên cả nước chỉ có 3 địa phương còn các đàn voi châu Á sinh sống đó là Nghệ An, Đắk Lắk và tỉnh Đồng Nai. Đàn voi châu Á ở Việt Nam hiện đang bị đe dọa và số lượng đàn sụt giảm nghiêm trọng.

Riêng tại Đồng Nai, theo báo cáo điều tra tổng thể loài voi châu Á của các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ vào tháng 12-2001, số lượng voi ở khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên và các đơn vị phụ cận Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp La Ngà có từ 15-20 cá thể. Đàn voi ở đây có cấu trúc đàn tốt, có khả năng sinh sản cao, trong đàn có các cá thể voi đực, voi cái và voi con. Đến năm 2009, số lượng cá thể là 17, trong đó có 3 voi đực, 3 voi cái, 4 voi con và các cá thể voi nhỡ. Đến năm 2011 và các năm 2012, 2013, Chi Cục Kiểm lâm Đồng Nai tiếp tục có các cuộc giám sát, điều tra và phát hiện đàn voi rừng trên địa bàn chỉ còn khoảng 10 cá thể.
 
Ngoài số lượng cá thể đàn voi rừng liên tục giảm, thì sinh cảnh và vùng hoạt động của đàn voi cũng ngày càng bị thu hẹp. Theo điều tra của cơ quan Kiểm lâm địa phương, trước năm 2000, vùng hoạt động của đàn voi trên là khoảng 50.000 ha, chủ yếu tập trung ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. 
 
Đến năm 2005, vùng hoạt động của voi chỉ thu hẹp ở diện tích 14.000 ha ở khu vực Tây Nam Vườn Quốc gia Cát Tiên. Từ 2006-2009 các cuộc điều tra cho thấy, vùng hoạt động của voi ở khoảng 34.000ha và có chiều hướng voi đến gần các cánh rừng giáp khu dân cư sinh sống như các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Đến các năm 2012, 2013 và đầu năm 2014, voi lại xuất hiện nhiều ở các khu vực rừng gần khu dân cư ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) và một phần thuộc Công ty lâm nghiệp La Ngà.
 
Gia tăng xung đột 
 
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, voi châu Á có tập tính sinh sống ở vùng rừng thứ sinh, rừng rụng lá, tre nứa và rừng hỗn giao. Voi thường sống theo từng đàn từ 8-20 cá thể và có xu thế phát triển thành từng nhóm nhỏ theo truyền thống gia đình gồm voi bố, voi mẹ và voi con, chúng thường ăn măng tre, cỏ và nhiều loài cây bụi… Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai, vùng phân bố của voi bị thu hẹp, sinh cảnh xuống cấp, thiếu thức ăn và muối khoáng đã dẫn đến tình trạng xung đột giữa người và voi ngày càng gay gắt. Voi kéo về rẫy của dân để tìm thức ăn, khiến cho người dân luôn trong tình trạng hoang mang lo sợ. Khoảng 4 năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai đã chi nhiều tỷ đồng để đền bù, hỗ trợ cho số hoa màu, nhà cửa của dân bị đàn voi rừng phá.
 
Điều đáng nói, mức độ tàn phá hoa màu, cây ăn trái của đàn voi rừng đối với người dân trong vùng ngày càng gia tăng. Chỉ riêng tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, nếu như năm 2007 đàn voi rừng đã quật đổ và phá 14,4ha hoa màu, thì đến năm 2008 đã diện tích bị phá là 19ha. Đến năm 2013 diện tích hoa màu bị voi phá là gần 50ha chưa kể nhiều tài sản khác bị voi quật đổ như cột điện, nhà cửa…
 
Đỉnh điểm của sự xung đột giữa voi và người là trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến nay, là đã có 9 con voi rừng bị chết ở khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và khu vực rừng phòng hộ Tân Phú.
 
Nhiều phương án bảo vệ 
 
Được biết, Dự án khẩn cấp bảo tồn voi đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt và đang chờ thẩm định, đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Theo đó, Dự án bảo tồn đàn voi rừng trên địa bàn Đồng Nai có tổng vốn đầu tư trên 74 tỷ đồng với mong muốn không chỉ góp phần phát triển bền vững quần thể đàn voi hoang dã, mà còn giúp cho các hộ dân cư ở khu vực ven rừng yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống. Dự án sẽ triển khai tại huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán - những địa phương còn diện tích rừng tự nhiên lớn và có đàn voi thường xuất hiện để kiếm ăn.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, khi triển khai Dự án bảo tồn voi rừng sẽ tập trung điều tra, đánh giá số lượng phân bố, hành lang di chuyển và thiết lập chương trình giám sát diễn biến hoạt động của đàn voi; rà soát quy hoạch mở rộng sinh cảnh và hành lang hoạt động của đàn voi; cải thiện sinh cảnh sống tự nhiên để đảm bảo môi trường sống ổn định bền vững cho các quần thể voi; tổ chức thực hiện việc tuần tra để ngăn chặn tình trạng săn bắn, giết hại voi; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã cho cộng đồng; tránh tối đa việc xung đột giữa voi và người.
 
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cũng đang triển khai thực hiện dự án xây dựng hàng rào điện tử để hạn chế sự xung đột giữa voi và người. Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc khu bảo tồn cho biết, dự án này với số tiền đầu tư là 9 tỷ đồng, có chiều dài hàng rào điện tử là 30km gồm 20km hàng rào cố định và 10km hàng rào di động tại những khu vực rừng thuộc xã Phú Lý và xã Mã Đà, là những nơi đàn voi rừng thường xuyên hoạt động trong thời gian qua. Hàng rào điện sử dụng nguồn điện từ hệ thống pin năng lượng mặt trời hoặc mạng lưới điện 220V nhưng chỉ phát ra với cường độ đủ để gây giật và hoảng sợ nhưng không làm chết người và động vật. Dọc hàng rào điện sẽ gắn khoảng 1.500 biển báo nguy hiểm và 8 cửa ra vào để lực lượng kiểm lâm và người dân có thể đi lại được. 
 
Ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm Đồng Nai cho rằng, việc bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, đồng thời khôi phục, bảo vệ nguồn gen động thực vật quý hiếm nguy cấp và đa dạng sinh học vùng sinh cảnh voi sinh sống là việc không thể chậm trễ hơn nữa. Chậm có nghĩa là đàn voi suy thoái.
 
Đắk Nông: Khuyến cáo dân hạn chế xung đột với voi 
 
Trước sự xuất hiện của voi rừng từ Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) trong khu vực địa bàn thôn 20 (xã Đắk Drông, huyện Cư Jut) kiếm ăn từ đầu tháng Chín đến nay, ông Nguyễn Anh Tú - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã khuyến cáo  người dân cần hạn chế đi lại trong rừng, đặc biệt là khu vực có khả năng hoạt động của voi. Đồng thời đề nghị người dân không dùng biện pháp mạnh xua đuổi voi để đảm bảo an toàn, nghiêm cấm các hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của voi.
 
Trong trường hợp thấy voi phá hoại các công trình công cộng, hoa màu, người dân cần sử dụng các vật dụng đơn giản như kẻng, trống, loa phóng thanh, máy nổ... để gây tiếng động lớn xua đuổi voi; dùng lửa, đèn pin chiếu sáng vào mắt voi, đốt các loại ớt bột, hạt tiêu khô tại các chòi, nương rẫy, nhà tạm hoặc khu vực voi thường qua lại để xua đuổi voi.
 
Theo một số hộ dân thôn 20, xã Đắk Drông, voi rừng xuất hiện chủ yếu đi kiếm thức ăn, trên đường di chuyển voi đã gây hư hại nhiều diện tích cây trồng của người dân. Thời gian voi xuất hiện là khoảng 8 giờ đến 9 giờ tối. Có nhiều đêm đàn voi di chuyển gần khu vực người dân sinh sống khiến nhiều hộ dân rất hoang mang, lo lắng.
Minh Hà
 
Ngọc Mai

 

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ