A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngổn ngang Ea Rớt

07:31 | 20/10/2014

Định cư từ năm 1996 nhưng đến nay thôn Ea Rớt, xã Cư Pui (huyện Krông Bông- Đắk Lắk) vẫn chưa được quy hoạch.

Cuộc sống của 264 hộ dân với 1.232 khẩu mà chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Mường, Thái còn ngổn ngang với rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm trên 40%. 

Những ngôi nhà tạm của bà con thôn Ea Rớt

Nằm cách trung tâm xã Cư Pui hơn 20 km với con đường độc đạo qua nhiều đèo dốc. Khi trời mưa, bà con thôn Ea Rớt muốn ra ngoài phải cuốn xích vào hai bánh xe vì đường vừa dốc, vừa trơn. Với bà con, điện, đường, trường, trạm, nước sạch, tivi, sóng điện thoại là những thứ khá xa vời.

Đặc biệt, đã định cư hơn 18 năm nhưng đến nay chưa người nào trong thôn có chứng minh nhân dân vì không gia đình nào có sổ hộ khẩu. Để thuận lợi cho việc quản lý, xã Cư Pui đã cấp sổ tạm trú cho các gia đình. Ông Cư Seo Sà ở đội 3, thôn Ea Rớt cho biết: "Gia đình vào định cư tại thôn Ea Rớt từ năm 1996. Nhà mua 2 chiếc xe máy cách đây hơn 3 năm nhưng đến nay vẫn không làm được bằng lái xe vì không có chứng minh nhân dân; 4 đứa con đi học nhưng chẳng đứa nào được hưởng trợ cấp vì gia đình không có sổ hộ khẩu”.

Giàng Thị Sua chưa đầy 15 tuổi nhưng đã có đứa con 5 tháng tuổi

Do là thôn chưa được quy hoạch nên 8 lớp tiểu học và 2 lớp mẫu giáo với hơn 2 trăm học sinh nhưng chỉ có 5 phòng học tạm do người dân tự làm, không có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% nhà cửa của bà con đều là tạm bợ. Không gia đình nào dám làm nhà kiên cố vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt có hơn 60 ha đất trồng lúa nhưng không có hệ thống thủy lợi. 

Tình hình an ninh- trật tự ở đây khá phức tạp. Thời gian qua nhiều gia đình đã bị mất trộm cà phê, khiến mỗi mùa thu hoạch các hộ gia đình lại phải cắt cử người ra trông rẫy. Tình trạng khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm rẫy cũng xảy ra thường xuyên. Việc quản lý tạm trú, tạm vắng trong thôn rất khó do địa bàn rộng, lại đang trong thời kỳ giải tỏa, đền bù đất vì nhiều hộ nằm trong vùng ngập nước của đập thủy lợi Krông Pắk Thượng…

Tảo hôn, sinh con nhiều đang là vấn nạn phổ biến ở thôn Ea Rớt

Ông Bùi Ngọc Điệp, công an viên thôn Ea Rớt cho biết: "Trong thôn có hơn 50 hộ trong diện được đền bù, giải tỏa. Nhiều hộ đã chuyển và nhập khẩu nơi khác nhưng không báo với thôn. Hiện nay họ vẫn quay về làm rẫy tại thôn nhưng không đăng ký tạm trú nên rất khó cho việc quản lý nhân khẩu”.

Trẻ em thất học, tảo hôn, sinh con nhiều đang là vấn nạn phổ biến ở thôn Ea Rớt. Việc tuyên truyền, vận động ở đây hầu như không mấy khi được thực hiện. Em Giàng Thị Sua chưa đầy 15 tuổi nhưng đã có đứa con trai hơn 5 tháng tuổi. Sua tâm sự: "Học xong lớp 5 là em lấy chồng. Gia đình nhà chồng đông anh em, kinh tế lại rất khó khăn nên bây giờ vừa giữ con vừa phải đi chăn trâu”. 

Ở đây, trưởng thôn và công an viên gánh vác hầu hết công việc. Còn lại, các tổ chức, đoàn thể như Ban Công tác Mặt trận, Chi đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đều hoạt động cầm chừng. Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt tâm sự: "Nhiều công việc hầu như chỉ có Trưởng thôn và Công an viên đảm nhiệm. Các thành viên khác rất ít hoạt động. Phần vì chế độ phụ cấp thấp, địa bàn lại rộng, điều kiện khó khăn, phần vì  năng lực hạn chế nên chất lượng hoạt động không cao”.

Trẻ em ở Ea Rớt

Huyện Krông Bông và xã Cư Pui rất quan tâm đến thôn Ea Rớt. Song vì chưa quy hoạch nên việc đầu tư chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: "Ea Rớt là thôn khó khăn nhất của xã. Địa phương rất muốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho thôn như phòng học, đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng bằng nguồn vốn từ các dự án. Song hiện nay thôn vẫn chưa được quy hoạch nên không thể sắp xếp nguồn vốn được. Địa phương chỉ có thể hỗ trợ một phần kinh phí. Còn lại là huy động bà con góp tiền, góp công để sửa đường giao thông, làm cầu tạm, sửa chữa phòng học”.

Bà con thôn Ea Rớt đang từng ngày mong mỏi đập thủy lợi Krông Pắc Thượng sớm đi vào hoạt động, để cấp trên đưa thôn Ea Rớt vào quy hoạch. Ngoài ra một mong muốn nữa là  sớm có được những quyền lợi tối thiểu như sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; những công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm… để yên tâm định cư lâu dài. 

Tùng Lâm

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ