A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Ngăn chặn tai nạn liên quan đến thanh thiếu niên: Cần sự chung tay từ nhiều phía

11:59 | 12/05/2024

Trong những năm qua, các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em dù đã được quan tâm thực hiện, song tỷ lệ trẻ em bị thương và tử vong do tai nạn giao thông còn rất cao.

Làm thế nào để bảo vệ trẻ trước hiểm họa  tai nạn giao thông (TNGT)  là vấn đề cấp thiết cần được gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến sơ kết bảo đảm  an toàn giao thông (ATGT) quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2024, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, năm 2023 cả nước có khoảng 900 vụ TNGT liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội. Quý I năm nay, tình hình TNGT liên quan đến trẻ em chưa có dấu hiệu giảm và đang diễn biến rất phức tạp.

Một số địa phương dù tình hình TNGT được kiềm chế, song số vụ TNGT liên quan đến trẻ em lại diễn biến phức tạp. Đơn cử như tại tỉnh Lào Cai 3 tháng đầu năm nay là một trong năm địa phương có số người tử vong do TNGT giảm trên 45% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng lại xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến trẻ em. Chẳng hạn vụ bốn thiếu niên chạy xe máy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai va chạm với xe chở rác xảy ra ngày 14/2 khiến cả bốn em (dưới 18 tuổi) tử vong.

Học sinh điều khiển xe đạp điện lưu thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không đội mũ bảo hiểm

Tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 19 vụ TNGT do người dưới 18 tuổi gây ra, thì 3 tháng đầu năm 2024 đã có đến 11 vụ do lứa tuổi này gây ra. Qua đây cho thấy, tình hình TNGT liên quan đến trẻ em đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh.

Tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới nêu rõ, nguyên nhân dẫn đến xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến thanh thiếu niên là do chính quyền một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh chưa được quan tâm đúng mức; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, trách nhiệm từng chủ thể chưa được phát huy đầy đủ; việc xử lý các thông tin tiêu cực trên không gian mạng còn nhiều bất cập, vẫn còn nhiều nội dung thiếu chuẩn mực, cổ súy cho vi phạm, nhất là đua xe, lạng lách, đánh võng… tác động lớn đến lứa tuổi học sinh, nhưng chưa được xử lý kịp thời.

Tại hội nghị trên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Thị Dinh thông tin, từ năm 2009, giáo dục ATGT đã được đưa vào chương trình chính thức của bậc mầm non. Cùng với đó, từ năm 2022, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các cơ sở giáo dục, đồng thời biên soạn các tài liệu hướng dẫn về ATGT để tuyên truyền trong các trường học. Tuy vậy, bà Hoàng Thị Dinh cũng nhìn nhận, để đảm bảo ATGT cho học sinh, việc tuyên truyền chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho các em đóng vai trò rất quan trọng, cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Ea Súp) kiểm tra hành chính kết hợp tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn

Ngoài ý thức của trẻ em trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hệ thống trường học trên phạm vi cả nước, nhất là các cổng trường tiếp giáp với các tuyến quốc lộ cũng là nguyên nhân khách quan khiến TNGT liên quan đến trẻ em ngày càng nhiều. Thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước có hơn 3.900 cổng trường học tiếp giáp với quốc lộ, trong đó chỉ có 685 cổng trường học tương đối an toàn, và có tới 3.200 cổng trường học không đảm bảo an toàn.

Nhắc lại vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, đây là tình huống mà nước ngoài không thể tưởng tượng ra, khi các em xé rào để lưu thông xe máy vào cao tốc, chạy ngược chiều, chạy hết tốc lực vào thời điểm trời nhá nhem tối… khiến cả bốn em tử vong.

Bộ trưởng nhận định, trước diễn biến phức tạp của tình hình TNGT với trẻ em, cần xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của cha mẹ khi giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.

Chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc làm gương cho lớp trẻ khi chấp hành pháp luật về ATGT.

Ngoài ra, các phụ huynh cũng phải dành thời gian để dạy dỗ, rèn luyện cho con em đủ kiến thức và kỹ năng trước khi giao xe. Cơ quan chức năng cũng phải xử lý nghiêm hành vi giao xe cho trẻ em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe…

Hoàng Tuyết

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/phap-luat/an-toan-giao-thong/202405/ngan-chan-tai-nan-lien-quan-den-thanh-thieu-nien-can-su-chung-tay-tu-nhieu-phia-5422057/

 

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ