A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Dùng mạng xã hội: Phải định danh tài khoản

14:35 | 13/11/2024

Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 25-12-2024 (Nghị định 147). Nghị định 147 thay thế cho Nghị định 72/2013 và Nghị định 27/2018 trước đây.

Livestream thương mại phải xác thực định danh

Nghị định 147 quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng đối với: Dịch vụ, tài nguyên internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng.

Đáng chú ý, tại điểm e khoản 3 điều 23 của nghị định, Chính phủ đã chính thức bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội (MXH) bằng số điện thoại di động (ĐTDĐ). Theo đó, những tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong 1 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 6 tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở lên sẽ phải chịu một số trách nhiệm. Cụ thể, các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ MXH bằng số ĐTDĐ tại Việt Nam. Trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số ĐTDĐ tại Việt Nam, phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

TikTok yêu cầu người dùng cập nhật số điện thoại nhưng chưa bắt buộc. Ảnh: NGỌC ÁNH

Trường hợp người dùng MXH sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, DN, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ MXH phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân. Nghị định cũng chỉ rõ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên MXH. Nghị định 147 sẽ có hiệu lực từ ngày 25-12-2024 và theo điều khoản chuyển tiếp, trong vòng 90 ngày kể từ ngày nghị định có hiệu lực, tổ chức, DN, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, DN cung cấp dịch vụ MXH trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ MXH.

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết có 3 hình thức xác thực người dùng MXH: qua email, số ĐTDĐ và số CCCD. Việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực người dùng MXH là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Dưới 18 tuổi chơi game không quá 180 phút/ngày

Một nội dung đáng chú ý khác của Nghị định 147 là bổ sung các điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. DN phải đáp ứng đủ 11 điều kiện, bao gồm các vấn đề về kỹ thuật, tài chính, nhân sự, kết nối. Nhà cung cấp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian chơi trong ngày của người dưới 18 tuổi, không quá 60 phút đối với từng trò chơi, không quá 180 phút với tất cả trò chơi mà DN cung cấp.

Trước đây, Nghị định 27 (năm 2018) chỉ quy định về giới hạn thời gian 180 phút và áp dụng với trò chơi được phân loại G1 - tức có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau qua hệ thống máy chủ của DN. Nghị định mới mở rộng thêm quy định về việc chơi 60 phút một trò chơi, đồng thời áp dụng trong việc cấp phép cho mọi trò chơi G1, G2, G3, G4 - tức bao gồm cả các trò chơi online, offline, có tương tác giữa người chơi với nhau hay người chơi với máy. Ngoài ra, DN cũng phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin người chơi tại Việt Nam, bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số ĐTDĐ. Đồng thời, phải thực hiện việc xác thực tài khoản người chơi bằng số ĐTDĐ tại Việt Nam. Người dưới 16 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký thông tin. Sau khi đã có giấy phép cung cấp dịch vụ, để phát hành một trò chơi nào đó, phải bảo đảm các điều kiện về nội dung của trò chơi, phân loại theo lứa tuổi, bảo đảm các điều kiện về nội dung, như không mô phỏng trò chơi trong casino, sử dụng hình ảnh lá bài, các nội dung miêu tả cụ thể những hành động bạo lực, khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục.

Ngoài ra, Nghị định 147 có riêng một điều quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo và điểm thưởng, trong đó có quy định các vật phẩm ảo không được quy đổi thành tiền, thẻ trả trước, đồng thời không được mua bán giữa những người chơi với nhau

Dùng tin - bài, phải thỏa thuận với cơ quan báo chí

Ngày 12-11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về "sự phát triển bùng nổ của MXH đã kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật, tạo ra những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận, lại cạnh tranh khốc liệt với báo chính thống cả về thông tin và doanh thu", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Nghị định 147 có thêm quy định các nền tảng MXH khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải thỏa thuận với cơ quan báo chí.

Hiện Úc đã yêu cầu các dịch vụ cung cấp MXH phải chia sẻ doanh thu cho báo chí. Nếu như hai bên không đàm phán được, cơ quan nhà nước sẽ vào cuộc.

Ông VŨ NGỌC SƠN, Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS):

Tạo không gian mạng lành mạnh

Khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận. Yêu cầu xác thực giúp hạn chế các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo. Người dùng phải ý thức rõ hơn về hậu quả của việc chia sẻ các thông tin thiếu chính xác, từ đó góp phần tạo nên không gian mạng lành mạnh hơn, giúp các cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trên mạng.

Chị NGUYỄN THỊ HÀ (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM):

Không bị ảnh hưởng nhiều

Từ trước đến nay, với các tài khoản chính trên Facebook, YouTube, Zalo..., tôi đều đăng ký số điện thoại chính chủ để tiện trong việc lấy lại mật khẩu khi quên nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với TikTok, tôi có nhiều tài khoản hơn để mua hàng giá rẻ vì tài khoản mới thường có khuyến mãi nhiều hơn. Hình thức đăng ký tài khoản TikTok phụ bằng tài khoản Facebook hoặc Gmail nhưng gần đây các tài khoản phụ này liên tục bị nền tảng này nhắc cập nhật thêm số điện thoại. Nếu chủ quản MXH yêu cầu cập nhật số điện thoại thì sẽ giảm tài khoản phụ, ai cũng như ai nên không đáng lo trong việc mua hàng giá rẻ.

Ng.Ánh ghi

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ