A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Xây dựng thương hiệu trái cây địa phương: Nhìn từ huyện Krông Pắc

09:16 | 12/11/2024

Với tư duy đột phá trong sản xuất và quảng bá sản phẩm, sầu riêng Krông Pắc đã trở thành thương hiệu nhận diện cho sầu riêng Đắk Lắk.

Đây là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân huyện Krông Pắc trong xây dựng hệ sinh thái ngành hàng sầu riêng.

Thay đổi tư duy

Krông Pắc là một trong số ít địa phương trồng sầu riêng đầu tiên ở Tây Nguyên. Đặc biệt, từ năm 2004, giống sầu riêng Dona được Công ty Cà phê Phước An đưa vào trồng xen trong vườn cà phê tại xã Ea Yông với diện tích khoảng 400 ha đã mở ra hướng đi mới cho vùng đất này khi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn thế, sầu riêng Dona trồng ở Krông Pắc được đánh giá có chất lượng tốt, có độ ngọt và độ béo cao hơn các vùng khác.

Nhận thấy những ưu thế vượt trội của cây sầu riêng, ngày 9/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với nhiều nhiệm vụ đột phá. Và cây sầu riêng được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Krông Pắc.

Kết hợp giữa sản xuất với du lịch canh nông đang tạo ra nhiều giá trị cho vườn cây sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc

Để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 07-NQ/HU, UBND huyện Krông Pắc đã ban hành kế hoạch thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Đồng thời, bố trí dự toán ngân sách hằng năm và chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác để tổ chức những hoạt động hỗ trợ, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, từng bước hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng hệ sinh thái ngành hàng sầu riêng. Trong đó, tập trung xây dựng vùng trồng phục vụ xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu…

 

Trong năm 2025, diện tích sầu riêng toàn huyện Krông Pắc dự kiến khoảng 9.600 ha; sản lượng thu hoạch ước tính 106.700 tấn, trong đó sản lượng sầu riêng thuộc các vùng trồng đã được cấp mã vùng trồng ước tính khoảng 60.500 tấn… Huyện sẽ khuyến khích các cơ sở chế biến liên kết với các vùng trồng đạt tiêu chuẩn để tạo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ bóc tách múi cấp đông xuất khẩu.

Từ những bước đi đột phá, đúng hướng đã biến sầu riêng từ loại cây trồng xen canh trở thành cây hàng hóa xuất khẩu và tạo được thương hiệu "Sầu riêng Krông Pắc". Hiện Krông Pắc được xem là “thủ phủ" sầu riêng, với diện tích lớn nhất Đắk Lắk (8.113 ha, trong đó có 4.037 ha kinh doanh), tổng sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt 92.016 tấn. Đây cũng là địa phương có diện tích được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói xuất khẩu đứng đầu tỉnh Đắk Lắk (37 mã vùng trồng, diện tích gần 2.053 ha; 13 cơ sở đóng gói; 1.158 ha được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP). Phần lớn sản lượng sầu riêng trái sau khi thu hoạch tại vườn được vận chuyển đến các kho của hơn 100 cơ sở đóng gói xuất khẩu để thực hiện theo quy trình phân loại, làm sạch, hong khô, đóng gói và vận chuyển xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Tháng 3/2022 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm sầu riêng Krông Pắc, đây là niềm tự hào đối với huyện và cũng là cơ hội để sản phẩm sầu riêng Krông Pắc đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Nâng tầm sản phẩm thông qua lễ hội

Thực tế cho thấy, phát triển sản phẩm nông nghiệp bền vững không chỉ là câu chuyện làm tốt các khâu: trồng trọt, thu hoạch, chế biến, thị trường… mà cần phải có hệ sinh thái đi kèm như du lịch, lễ hội để thông qua những hoạt động này tạo ra một kênh truyền thông mới cho việc quảng bá hình ảnh sản phẩm, văn hóa, con người của vùng đất đó, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Nhận thức được vấn đề này, huyện đã mạnh dạn tổ chức Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa không chỉ nhằm quảng bá thương hiệu "Sầu riêng Krông Pắc", kết nối giao thương giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, thương mại và người tiêu dùng, mà còn tạo cơ hội kết nối điểm đến du lịch sinh thái vườn với du khách và các đơn vị lữ hành.

Quy trình phân loại, làm sạch, hong khô sầu riêng trước khi đóng gói và vận chuyển xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

Thực tế đã chứng minh, qua hai mùa Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc đã để lại ấn tượng sâu sắc, tạo hiệu ứng tích cực cho nhãn hiệu "Sầu riêng Krông Pắc" vươn xa. Đặc biệt, với hoạt động trải nghiệm và thưởng thức sầu riêng tại vườn đã tạo được cơ sở để kết nối tour, tuyến du lịch trong thời gian tới, góp phần nâng tầm, mở rộng quy mô khai thác du lịch và từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường du lịch sinh thái vườn trên địa bàn huyện, mở ra một hệ sinh thái đa giá trị cho ngành hàng sầu riêng.

Theo chia sẻ của nhà báo Thái Ca – diễn giả tham gia tại Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024, việc truyền thông cho lễ hội sầu riêng là truyền thông cho cả huyện Krông Pắc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không chỉ gói gọn trong những người nông dân, doanh nghiệp liên quan đến sầu riêng mà cả những người dân trong huyện, các cấp lãnh đạo, quản lý cũng phải chung tay. Và nhìn xa hơn, nói đến Krông Pắc, mọi người cũng có thể tìm hiểu về Đắk Lắk, về Tây Nguyên, góp phần quảng bá thương hiệu của tỉnh, của vùng, gián tiếp nâng cao nhận thức, lòng tự hào về địa phương, đất nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2025, huyện tiếp tục thúc đẩy ngành hàng sầu riêng phát triển theo hướng hệ sinh thái. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, quản lý tất cả bằng số hóa để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, công khai minh bạch quy trình sản xuất để tạo uy tín, sự an tâm cho người tiêu dùng.

Minh Thuận

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/kinh-te/202411/xay-dung-thuong-hieu-trai-cay-dia-phuong-nhin-tu-huyen-krong-pac-d091e3a/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ