A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn: Khẩn trương nhưng cần hỗ trợ

13:41 | 05/11/2024

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 có đội ngũ nhân lực mạnh đủ khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Theo chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" (chương trình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học (ĐH) trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Huy động tối đa nguồn lực

Nhằm thực hiện mục tiêu, Chính phủ đã nêu rõ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện về: nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo; tổ chức đào tạo; huy động, đa dạng hóa nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN); nghiên cứu và phát triển; các nhiệm vụ, giải pháp khác.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) làm đầu mối điều phối, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai chương trình. Song, mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn gặp không ít thách thức, như: xây dựng chương trình đào tạo, đầu tư để có các cơ sở viện, trường ĐH đáp ứng yêu cầu đào tạo, vấn đề nguồn lực thực hiện chương trình đào tạo. Đây cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội (QH), được gửi đến Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XV đang diễn ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện mục tiêu đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư bán dẫn, có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước - nhà trường và DN; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo, sử dụng ngân sách trung ương để hỗ trợ trang thiết bị, phần mềm bản quyền, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn...

Một khóa đào tạo nhân sự về bán dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai

Ngoài ra, sử dụng ngân sách trung ương để hỗ trợ đầu tư phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn; tổ chức đào tạo cả ở cấp bậc ĐH, sau ĐH, hệ ngắn hạn, đào tạo giảng viên gắn với xây dựng nội dung, khung chương trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của DN. "Sẽ huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, cả của nhà nước và DN tham gia đào tạo nhân lực cho ngành chip, bán dẫn. Xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển DN" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ KH-ĐT), cho hay thời gian qua để phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn, NIC đã phối hợp với các DN trong và ngoài nước triển khai các khóa, chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. "NIC cũng đã phối hợp tổ chức nhiều khóa đào tạo về thiết kế chip bán dẫn với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qorvo, Cadence, ARM, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Silicon Valley (Mỹ)" - ông Huy nói.

Cần chính sách hỗ trợ

Trong bối cảnh hiện nay, để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa nhà nước - nhà trường - DN. Đại biểu QH Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cũng băn khoăn với nguồn lực có hạn như hiện nay, các trường ĐH sẽ gặp không ít khó khăn trong việc triển khai các chương trình đào tạo về bán dẫn.

Do đó, để tạo "đột phá" trong lĩnh vực quan trọng như ngành bán dẫn hiện nay, ông Vũ Hải Quân cho rằng cần có sự đầu tư nguồn lực mạnh mẽ từ nhà nước làm bệ phóng cho các cơ sở đào tạo. "Với cơ chế tự chủ, các trường ĐH khó có thể bố trí đủ nguồn lực cho đào tạo ngành bán dẫn. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ công tác đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo, nhận sinh viên (SV) thực tập và chuyển giao công nghệ" - đại biểu Quân nói.

Thời gian qua, các trường ĐH "bắt tay" đào tạo nhân lực ngành bán dẫn và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo như cùng xây dựng, định kỳ cập nhật, tổ chức thực hiện chung khung chương trình đào tạo ĐH cho cử nhân, kỹ sư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và chương trình chuyển đổi cho SV, cựu SV các ngành gần và ngành liên quan. Như ĐH Bách khoa Hà Nội, đã mở chương trình chuyên sâu đặc thù Thiết kế vi mạch, hệ kỹ sư, thông qua sự gắn kết chặt chẽ với DN.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội), từ mục tiêu của chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn được Chính phủ phê duyệt, trường đã khẩn trương triển khai việc đào tạo kỹ sư chuyên sâu về thiết kế vi mạch. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao, các chương trình đào tạo sẽ được cải tiến để cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, cập nhật nhất.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, cho biết cơ quan này đã và đang phối hợp với viện, trường ĐH trong khu vực và trên thế giới để hình thành các trung tâm đào tạo thiết kế chip, tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên, SV và hỗ trợ bản quyền phần mềm, chương trình đào tạo, cấp học bổng cho các trường ĐH. "Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Trong đó, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, nhà trường đồng hành, hỗ trợ của DN góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường" - ông Huy nhấn mạnh

Cơ hội đón đầu tư nước ngoài lớn

Ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường CĐ FPT Polytechnic, cho biết các đối tác của FPT luôn bày tỏ đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn lớn của Việt Nam và kỳ vọng lớn nhất của họ là nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhóm ngành công nghệ và bán dẫn. Nếu Việt Nam đào tạo được đội ngũ nhân lực bán dẫn thì cơ hội đón đầu tư nước ngoài lớn hơn nhiều.

G.Nam

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ