A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sách thiếu nhi làm khó người lớn

08:33 | 18/08/2013

Ai cũng biết tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em, nhưng một trong những kênh giáo dục lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, quan trọng là sách văn học thì lại ít nhận được sự quan tâm đúng nghĩa.

Thời gian qua, không ít trường hợp sách thiếu nhi sai về nội dung, phản cảm về cách thể hiện xuất hiện tràn lan gây lo ngại cho phụ huynh. Bên cạnh những lỗi dễ thấy nhất còn có một vấn đề khác, khó nhận ra hơn nhưng cũng không kém phần ảnh hưởng đến bạn đọc nhỏ tuổi.

Câu chuyện “Vua ếch”

Cố nhà văn Thy Ngọc, một trong những nhà văn Việt Nam hiếm hoi dành cả đời sáng tác cho thiếu nhi từng kể một câu chuyện như sau. Vào một ngày hè, ông tình cờ đọc cuốn truyện tranh của con có nhan đề Vua ếch, nội dung đại khái như sau: Trong một cái ao nhỏ có một đàn ếch, một ngày nọ chúng mong muốn có thể hát hay như chim, sâu bọ. Chúng cầu trời và ông trời xuất hiện liền khuyên lũ ếch không nên thay đổi, cứ sống thế này sẽ hạnh phúc hơn. Lũ ếch không chịu, cứ năn nỉ mãi nên ông trời bèn vứt xuống một khúc gỗ và bảo đó là vua ếch. Lũ ếch bèn cầu xin vị vua dạy chúng hát, dĩ nhiên là vua ếch không có phản ứng gì. Lũ ếch lại quay qua xin ông trời cho chúng một vị vua chim để dạy chúng hát. Ông trời lại khuyên nhưng chúng vẫn không chịu. Ông liền trao con cò cho lũ ếch ương bướng. Sau đó ông trời biến mất. Lũ ếch vui mừng và nhảy tới, nhưng chưa kịp nói gì thì từng con ếch bị chiếc mỏ dài của con cò nuốt vào bụng.

Nhà văn Thy Ngọc kể lại, đọc xong truyện, ông tê tái và không thể tin nổi vào những dòng chữ mà mình vừa đọc. Lẽ nào người ta có thể viết ra những câu chuyện như thế cho trẻ con đọc? Có gì sai khi lũ ếch muốn hát bài hát hay của riêng mình? Lẽ nào chúng không có quyền mơ ước? Lẽ nào một mơ ước chính đáng ấy mà chúng phải trả giá bằng chính tính mạng của mình?

Trên các diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh như lamchame, webtretho… luôn có một phần dành cho việc tư vấn phụ huynh cách trả lời những câu hỏi của con trẻ, đặc biệt là những câu hỏi về các câu chuyện cổ tích. Ở đây, người ta có thể thấy những câu hỏi trẻ thơ làm người lớn giật mình. Phụ huynh có nickname Socolar kể khi chị đọc cho con chuyện Sơn Tinh- Thủy tinh, đến đoạn Sơn Tinh chiến thắng, đứa bé con chị năm nay vừa tròn 5 tuổi bĩu môi bảo “Sơn Tinh chơi xấu, ăn gian, tội nghiệp chú Thủy Tinh”. Hỏi lại thì bé bảo Sơn Tinh giả tiếng gà gáy là ăn gian rồi còn gì và chẳng phải mẹ dạy ăn gian là xấu đó sao! 

Một phụ huynh khác có nick là BeSaoMai thì kể con chị nghe đọc truyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn, đến đoạn hoàng tử hôn công chúa, con bé hỏi “Hoàng tử sao lại hôn người chết, hoàng tử có quen Bạch Tuyết đâu ạ!”. 

Rồi chuyện vì sao Thánh Gióng đánh thắng giặc lại bay lên trời, không ở lại với mẹ, rồi vì sao đôi giày của nàng Lọ Lem vẫn còn trong khi xe ngựa, quần áo lại biến mất, rồi vì sao vua lại không thể phân biệt Tấm và Cám dù đây không phải chị em sinh đôi…

Đọc sách là một nhu cầu của thiếu nhi.

  Nhà quản lý bó tay

Vừa qua, người ta nhắc nhiều đến việc chấn chỉnh công tác xuất bản sách cho thiếu nhi sau hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực này. Thế nhưng, những sai phạm đó đều khá cụ thể và dễ nhận thấy như vụ bài toán cắt ngón tay gây xôn xao dư luận, hoặc vụ giao công chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền cho Lý Thường Kiệt, hoặc các lỗi chính tả, lỗi về hình ảnh… Với những sai phạm đó, việc thẩm định, xử lý tương đối đơn giản vì yếu tố sai phạm khá rõ ràng.

Thế nhưng, các vấn đề như nêu trên thì các nhà quản lý đành bó tay, đơn giản vì đó không hẳn là sai phạm mà là một vấn đề khác, vấn đề liên quan đến quan điểm học thuật, giáo dục.

Đơn cử như cuộc tranh cãi về cái kết trong truyện Tấm Cám, đến tận bây giờ việc làm mắm ở cuối truyện vẫn còn là một câu hỏi, việc đó là tàn ác hay là một cái kết phù hợp với tác phẩm? Cái kết đó có lợi hay hại cho thiếu nhi, nếu hại thì bao nhiêu năm nay, bao thế hệ đã học qua mà ảnh hưởng xấu đâu xuất hiện, còn nếu bảo bỏ đi có lợi thì lợi như thế nào? Tất cả những điều đó còn chưa được các nhà học thuật giải quyết thì các nhà quản lý biết dựa vào đâu để quản lý, điều chỉnh?

        Chuyện của phụ huynh

Một bài giảng cho trẻ em về truyện Lọ Lem (Cinderella) tại Mỹ được dịch ra tiếng Việt và để lại nhiều ấn tượng với người đọc trong nước về cách đọc và hiểu truyện thiếu nhi. Chẳng hạn như hình ảnh bà mẹ kế luôn được dạy là xấu xa độc ác, thì ở đây thầy giáo hỏi: “Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Lọ Lem đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy”, học sinh đáp: “Nếu là bà mẹ kế ấy, có lẽ em cũng sẽ ngăn cản Lọ Lem đi dự vũ hội”, thầy: “Vì sao thế?”. “Vì... vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu”. Thầy giáo kết luận: “Đúng. Chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi”.

Ở chi tiết chiếc giày của Lọ Lem, sau khi các em chỉ ra điểm mâu thuẫn, thầy giáo mới kết lại: “Các em thấy đấy, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?”.

Với câu hỏi về chuyện hoàng tử hôn Bạch Tuyết, một vị phụ huynh đã trả lời: “Tôi sống ở nước ngoài và trẻ em ở đây sẽ không hỏi câu đó. Vấn đề là sự khác biệt văn hóa, ở Việt Nam, nụ hôn là thể hiện của tình yêu nam nữ nhưng ở các nước châu Âu, nụ hôn nhiều khi chỉ là xã giao, thể hiện sự quý trọng… Ở đây, hoàng tử thể hiện sự thương tiếc một cô gái xinh đẹp sớm bạc mệnh nên đặt một nụ hôn lên trán nàng, chỉ có thế thôi”. Dĩ nhiên, chúng ta không biết điều này có đúng với thâm ý của nhà văn hay không nhưng ít nhất đó là một câu trả lời phù hợp với lứa tuổi nhi đồng.

Nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể biết điều đó cũng như rất nhiều điều khác trong các tác phẩm cho thiếu nhi. Ở đây, xuất hiện vai trò của các đơn vị xuất bản. Thay vì chỉ cần dịch, vẽ tranh minh họa rồi tung ra thị trường để các em thiếu nhi, các bậc phụ huynh muốn hiểu sao thì hiểu thì lẽ ra người làm sách nên có thêm phần hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh để phụ huynh giúp các em thiếu nhi hiểu được giá trị tích cực thật sự mà các câu truyện thiếu nhi mang lại cho các em.

 

    Nguồn: SGGP Online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ