A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tự chủ đại học, tại sao không?

09:41 | 22/06/2018

Tự chủ đại học (ĐH), vấn đề đã được nêu lên từ hơn 10 năm trước. Nhưng cho đến nay, cơ chế nào để trường ĐH khi tự chủ sẽ hoạt động tốt, và tự chủ là tự chủ thế nào? vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Như một xu thế, tự chủ ĐH được xem là không thể không làm. Theo Bộ GDĐT, hiện Bộ này đang đẩy mạnh việc tự chủ ĐH. 

Trong đó nổi rõ là xác định vai trò quan trọng của hội đồng trường và giảm mạnh sự can thiệp của bộ chủ quản vào trường ĐH.

Sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng.

1. Ngày 2/1/2018, khi thăm và làm việc với ĐH Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tự chủ là lối ra cho ĐH Việt Nam và ĐH Huế; phải giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm, trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và năng lực hành động… phải là một trung tâm đổi mới trong sự phát triển giáo dục ĐH.

Đây là thông điệp rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ về đổi mới ĐH, cũng có nghĩa là đổi mới giáo dục ở bậc học cao.

Phát biểu với ĐH Huế, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tự chủ là lối ra cho ĐH Việt Nam nhưng chúng ta còn lúng túng. Đó là mô hình nào để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và ĐH có thể phát triển, có thể phục vụ tốt nhất cho giảng dạy, cho sinh viên. Nhưng không phải vì những quan hệ sản xuất ràng buộc mà chúng ta làm ảnh hưởng đến sự phát triển của lực lượng sản xuất mà trước hết là con người. Vai trò của Bộ GDĐT ở mức độ nào đối với trường và mô hình ĐH Huế như thế nào đối với các trường thành viên? Không phải bao cấp, xin - cho, bị động, cứ thủ tục hành chính suốt, từ ĐH thành viên, đến ĐH cấp trên, ĐH khu vực rồi lại xin lên bộ nữa. Cơ chế xin - cho nhiều quá thì không ổn, không phát huy được năng lực con người, nhất là giới trí thức, các giảng viên”.

Từ đó Thủ tướng lưu ý: “Phải tự chủ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, có định hướng Nhà nước làm gì, các đơn vị sự nghiệp làm gì”. Trên thực tế, quản trị đại học đang chuyển dịch từ Nhà nước kiểm soát sang giám sát và tự chủ cho cơ sở giáo dục.

Tự chủ cho ĐH đã đến lúc phải mở rộng hơn và thực chất hơn, đó là xu thế quản trị ĐH trên thế giới. Cụ thể, các trường thành viên phải mạnh dạn đứng ra tự chủ động về hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chủ động về tài chính, cơ chế, nhân sự, chỉ có như vậy ĐH mới đổi mới được.

Thủ tướng cũng lưu ý, các trường ĐH phải kết nối với nhà tuyển dụng trong đào tạo, tổ chức các chương trình hướng nghiệp, các mạng lưới sinh viên rộng rãi, kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương… “Không phải nhà trường chỉ trong bốn bức tường. Nếu như vậy thì chưa phải là thành công” - Thủ tướng nhấn mạnh.

2. Theo Bộ GDĐT, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, đến nay đã có 23 trường ĐH tự chủ.

Đánh giá của Bộ GDĐT, nhìn chung, các trường đã có sự phát triển, chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao năng lực tự chủ, đảm bảo chất lượng, chủ động trong trong tái cấu trúc bộ máy, giảm bớt thủ tục hành chính.

Đặc biệt, các trường đảm bảo được toàn bộ chi thường xuyên và trích lập được các quỹ nhờ việc được tự chủ học phí và tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao. Thu nhập của người lao động tăng lên so với giai đoạn trước khi tự chủ.

Nhưng, trên thực tế, tự chủ ĐH vẫn đang còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Trong đó nổi bật là việc nhiều trường chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo quy định, chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng trường. Đáng chú ý, hoạt động của hội đồng trường chủ yếu thông qua các cuộc họp, trong khi vai trò giám mờ nhạt, nguồn kinh phí cho hoạt động của hội đồng trường phụ thuộc vào kinh phí của nhà trường do hiệu trưởng quyết định.

Nguồn thu của các trường cũng hạn chế khi mà nguồn từ học phí, lệ phí vẫn là chính, chiếm trên 70% tổng thu. Điều này sẽ dẫn tới rủi ro do buộc phải phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh. Với trường thu hút được người học thì có thể “ấm”, nhưng nhiều trường khó tuyển sinh, số người học ít thì đương nhiên “nồi cơm” sẽ vơi. Lúc đó, tính sao?

Nhưng, dù thế thì các trường ĐH nhìn chung là “hào hứng” mong sớm được “thoát” khỏi cơ chế chủ quản, để tự mình “đứng trên đôi chân của mình” khi chủ động hơn, được quyền quyết nhiều hơn.

Cũng chính vì thế mà đây đó đã xuất hiện tình trạng nôn nóng, gấp gáp trong xây dựng cơ  chế xin tự chủ. Không ít chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, những ông chủ doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm đã lên tiếng cảnh báo về điều này.

Tại phiên họp của Ủy ban quốc gia đổi mới GDĐT và Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, chiều 29/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lưu ý, tự chủ ĐH là một chủ trương tốt, tuy nhiên cách làm cần hết sức chặt chẽ.

Giáo dục là lo cho toàn dân nên phải có bước đi tốt để không gây ra sự rối loạn, nhảy từ thái cực này sang thái cực kia. Bộ GDĐT cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng nhiều mặt, trong đó bao gồm tự chủ về học thuật, tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính. 

Vấn đề tự chủ tài chính luôn được xem là “cam go” nhất, tuy rằng nhà trường không phải là thương trường. Nhưng thực tế thì “có thực mới vực được đạo”, nhà trường không có nguồn thu, nguồn thu quá ít thì cũng không thể tổ chức hoạt động hiệu quả. 

Tuy nhiên, theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nếu tự chủ ĐH chỉ hiểu là tự chủ tài chính, thu chi để tận thu của học sinh và nguồn chính của cơ sở giáo dục là học phí thì không ổn. Tự chủ phải gắn với thúc đẩy nghiên cứu trong các trường ĐH. Thực tế cho thấy, khi thực hiện tự chủ, một số trường mới nặng về quy định nguồn thu chủ yếu từ học phí, mà không tạo ra nguồn thu từ nghiên cứu.

3. Đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới giáo dục ĐH, mà một trong những vấn đề cốt lõi là tự chủ ĐH. Càng ngày, vấn đề càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của toàn xã hội.

Có thể nêu ví dụ: Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV được thông qua sáng 15-6 đã dành phần 4 với hơn 800 chữ cho lĩnh vực GDĐT. Liên quan tới việc gây xôn xao dư luận là sửa điều luật từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”, Nghị quyết yêu cầu ngành  GDĐT “khẩn trương ban hành quy định cụ thể về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, đổi mới cơ chế học phí”.

Ở đây, khách quan cho thấy, hệ thống giáo dục vẫn rất trông chờ vào nguồn thu từ người học. Mà như vậy là khó đổi mới, nhất là việc tự chủ của ĐH. Vấn đề “cốt lõi của cốt lõi” là thu tiền từ người học vẫn chưa ngã ngũ. Mà điều này còn vướng thì mọi chuyện sẽ lại vướng theo.

Nhưng mức thu thế nào, sàn thế nào, trần thế nào... không dễ thống nhất trong khi thu nhập của người dân các khu vực rất khác nhau. Không ít ý kiến cho rằng, nếu khi ĐH tự chủ, nâng học phí lên cao thì rất có thể con nhà nghèo sẽ bị “đứng ngoài cuộc chơi”.

Về vai trò của hội đồng trường, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn khi mà thành viên của hội đồng gồm những thành phần nào. Nếu chỉ căn cứ vào cơ cấu thì trước sau gì cũng rơi vào “bẫy hình thức”, có cũng như không, đôi khi lại còn cản trở hoạt động của nhà trường.

Đây chính là vấn đề cá nhân quyết định (hiệu trưởng) hay tập thể quyết định và khi đó hiệu trưởng chỉ có nhiệm vụ thi hành. Một số ý kiến cho rằng, không nên mất quá nhiều thời gian bàn về vai trò hội đồng trường trong trường ĐH, vì chỉ là việc thứ yếu.

Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực giáo dục ĐH thì đây cũng là một mấu chốt. Quyền lực thực sự rơi vào đâu là việc rất quan trọng. Điều đó sẽ đưa tới trình độ và hiệu quả của quản trị một trường ĐH, vấn đề hoàn toàn không hình thức.

Tại hội thảo tham vấn về chiến lược giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 do Bộ GDĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, các chuyên gia quốc tế đã nêu ra các bài học ở quốc gia, qua đó có những góp ý giúp Việt Nam cải thiện tình hình.

Theo ông Ousmane Dione- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn nữa vào giáo dục bậc ĐH, từ Chính phủ cũng như khu vực tư nhân. Để phát triển giáo dục ĐH thì cần phải đa dạng hóa và tăng cường phân bố các nguồn tài chính nhằm có được cơ chế tài chính hiệu quả và công bằng hơn.

Còn với GS Ju-Ho Lee- nguyên Bộ trưởng Giáo dục Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, cần chú trọng đến việc tạo cho sinh viên ý thức học tập suốt đời, thay vì  học chăm chỉ ở bậc phổ thông nhưng vào được ĐH thì không học nhiều nữa. “Việt Nam đã thành công trong mở rộng và nâng tầm hệ thống giáo dục phổ thông. Cần phải thay đổi ở bậc ĐH để có bước đại nhảy vọt và đây là thời điểm phù hợp”- ông Lee khuyến nghị.

    Ngọc Mai

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ