A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần xóa độc quyền

14:17 | 24/08/2018

Tình trạng thiếu SGK đầu cấp trước thềm năm học mới 2018- 2019 đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Cho dù phía NXB Giáo dục Việt Nam lý giải rằng đó chỉ là sự thiếu hụt cục bộ, do lượng học sinh tăng đột biến…, thì nhiều người vẫn không khỏi băn khoă

...Nếu đúng như NXB khẳng định đã phát hành SGK đạt 105% kế hoạch thì tại sao lại có tình trạng khan hiếm sách? Giới chuyên môn thì phân tích đây cũng là hệ quả của việc độc quyền in và phát hành SGK bấy lâu nay.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu hoàn thiện cơ chế xóa độc quyền xuất bản SGK.

Những phụ huynh đồng hoàn cảnh chạy đôn đáo đi tìm mua SGK cho con những ngày qua đều có chung chia sẻ: Lý do thiếu sách được đưa ra vì lượng học sinh năm học 2018- 2019 tăng đột biến là không thuyết phục. Bởi trước năm học mới, các địa phương đều có khảo sát về lượng học sinh trên địa bàn, tại địa phương.

Do đó, căn cứ vào nhu cầu này lẽ ra lượng SGK cũng được dự báo tương đối chuẩn. Ở thời điểm tháng 8/2018 khi rất nhiều trường phổ thông đã tựu trường, chương trình học đã chính thức bắt đầu mà SGK còn thiếu thì NXB Giáo dục Việt Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Nếu NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định đã xuất bản đủ SGK mà các địa phương vẫn thiếu, thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm…

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, SGK là mặt hàng đặc biệt, việc in và phát hành không phải là bài toán kinh doanh thông thường. Chính vì thế, khi chỉ có duy nhất một NXB in SGK như hiện nay thì việc phát hành sách cần tính đến nhiệm vụ chính trị chứ không đơn thuần về kinh tế. Và việc để xảy ra tình trạng thiếu sách rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người học, đến chất lượng của việc dạy và học của giáo viên và học sinh. 

Không phải cho đến năm học này mới có câu chuyện xóa độc quyền SGK mà việc này đã được đặt ra từ rất lâu. Trước đó, từ năm 2007, khi Thanh tra Chính phủ công bố kết quả thanh tra NXB Giáo dục Việt Nam, kết quả chỉ ra: độc quyền sách đã khiến phụ huynh phải cõng các khoản chi vô lý, điển hình là tỉ lệ chiết khấu bán sách bằng 24% giá bìa, cao hơn các nước trong khu vực 4%.

Thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu hoàn thiện cơ chế xóa độc quyền xuất bản SGK. Nếu giữ nguyên cơ chế như hiện nay, Bộ chỉ đạo NXB Giáo dục phải giảm giá bán SGK, cần thiết có thể xây dựng giá bán cho từng năm học.

Vậy xóa bỏ độc quyền theo hướng nào? Khi ấy ông Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội từng cho rằng: nhìn về lâu dài, phá bỏ độc quyền SGK sẽ tạo ra sự cạnh tranh tương đối tốt về giá cả cũng như chất lượng.

Nhưng cạnh tranh cũng là con dao hai lưỡi, có thể dẫn đến chuyện quản lí của Nhà nước về chất lượng, nội dung không được đảm bảo. Không thể giải quyết bài toán này một cách đơn giản, một chiều.

Để xóa bỏ độc quyền, đồng thời đảm bảo quản lí của Nhà nước đối với sản phẩm đặc biệt này về nội dung, chất lượng của chương trình, Nhà nước phải tích cực xây dựng một cơ chế để chuẩn bị, sau đó mới từng bước xóa bỏ độc quyền. Phải xóa từ từ, không phải nhà NXB nào cũng được tham gia.

Có thể mở rộng một số NXB đủ điều kiện, sau đó tiến đến một bước xa hơn là qui định những điều kiện cho các NXB khác tham gia xuất bản SGK. Theo đó phải có lộ trình, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.

Câu chuyện đặt ra từ hơn mười năm trước, đến thời điểm này vẫn còn nguyên tính thời sự. Việc thiếu SGK thời gian qua đang khiến dư luận càng mong muốn sớm xóa bỏ thế độc quyền biên soạn và phát hành. Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng đã nêu rõ: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Theo chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Nghị quyết số 88 của Quốc hội giao: “Bộ GD- ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Thực hiện Nghị quyết, trong thời gian tới, Bộ GD- ĐT sẽ tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK này. Mọi việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho hay, hiện nhiều tổ chức, cá nhân đang sẵn sàng tham gia việc biên soạn SGK . Một số đơn vị đã tiến hành nghiên cứu mô hình SGK của nước ngoài và biên soạn thử dưới dạng bản thảo. Những sự chuẩn bị, tập dượt đó nhằm sau khi chương trình mới được thông qua có thể bắt tay vào việc ngay.

Đồng thời, sau khi chương trình mới được ban hành, Bộ GD- ĐT sẽ còn phải tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK để có được những bộ SGK thật tốt.

Phân tích từ các chuyên gia cũng cho thấy, giải pháp hợp lý để nâng cao chất lượng SGK và không bị lệ thuộc quá nhiều vào một đơn vị cung ứng là xóa bỏ độc quyền, cho phép xuất bản nhiều bộ sách, tạo sự cạnh tranh giữa các tác giả, các NXB…, góp phần nâng cao chất lượng sách.

Tuy nhiên, việc phá thế độc quyền biên soạn, phát hành SGK sẽ khó thực hiện được như mong muốn nếu Bộ GD-ĐT vẫn đứng ra tổ chức biên soạn SGK và được cấp kinh phí để làm việc này.

Vì thế, chỉ khi nào thực hiện được nhiều bộ SGK, nhiều đơn vị cung ứng SGK, và các trường được chủ động lựa chọn SGK…như mô hình giáo dục tiên tiến mà các nước đã triển khai, thì mới thực sự có sự cạnh tranh lành mạnh.

    Minh Quang

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ