A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo dục đại học: Không tự chủ, mất cơ hội

09:07 | 22/09/2018

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức diễn đàn khoa học bàn về tự chủ đại học (ĐH).

Trong đó, các đại biểu đã thảo luận về tài chính, tuyển sinh, chương trình đào tạo và cả nhiệm vụ quan trọng của các trường ĐH là sáng tạo khoa học vốn được ít người đề cập đến do phần lớn các trường ĐH ở Việt Nam vẫn coi các hoạt động khoa học là thứ yếu so với đào tạo.

Ảnh minh họa

Rối như mạng nhện

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, những vấn đề tự chủ ĐH đã được đề cập đến từ những năm đầu của thế kỷ XXI nhưng không đi đến kết quả. Sau 5 năm nước ta thực hiện tự chủ ĐH, đến nay mới chỉ có 14/500 ĐH trên toàn quốc tự nguyện tham gia. Như vậy, tự chủ ĐH tại nước ta vẫn chậm xác lập.

Lý giải về điều này, GS Nguyễn Ngọc Phú chỉ rõ: “Ngay từ khi có luật, nhiều vấn đề liên quan đến sự ăn khớp, nhất quán mối liên hệ giữa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH và nhiều văn bản pháp lý khác đã được đặt ra. Riêng với Luật Giáo dục ĐH, cho đến nay đã gần 5 năm luật chính thức thi hành, nhưng Luật có nhiều điểm chưa phù hợp, không theo kịp với tình hình. Bên cạnh đó, có luật rồi nhưng nhiều trường ĐH vẫn không chịu thực hiện theo. Vấn đề tự chủ là vấn đề lớn trong luật nhưng chưa được thể hiện đầy đủ, còn “rối như mạng nhện” cần phải sửa đổi. Nhiều diễn giả cũng đã phát biểu, sau hơn ba mươi năm đổi mới nhưng các lĩnh vực văn xã nói chung và giáo dục nói riêng vẫn còn mang đậm nét của cơ chế quan liêu bao cấp trong quản lý”.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - chuyên gia Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục cho rằng có 4 rào cản tồn tại ở giáo dục ĐH hiện nay: phân kỳ về nhận thức đối với tự chủ ĐH; từ sự phân kỳ về nhận thức dẫn tới sự thiếu nhất quán về thể chế, thiếu nhất quán từ các văn bản luật đến văn bản dưới luật; sự tồn tại và lên ngôi của các tổ chức nhóm ở Viện trường; chưa thấy rõ được cơ chế vận hành của tự chủ ĐH.

Để thực hiện tự chủ thành công, nhà trường phải được kiểm định và công nhận về chất lượng. Thứ hai, nhà trường có một hội đồng trường có năng lực và thực lực. Trong đó, để có mội Hội đồng trường có năng lực, cần phải chú ý về mối quan hệ giữa hội đồng này với Bộ chủ quản và năng lực của Hội đồng phải thực sự mạnh để đưa Nhà trường đạt được đúng mục đích.

“Trao quyền lực quá lớn cho một người hay một Hội đồng có năng lực hạn chế thì lợi bất cập hại”- TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến lưu ý. 

Quan tâm đến sáng tạo  khoa học

Bàn về các nội dung cụ thể trong tự chủ ĐH, PGS.TS Đặng Bá Lãm- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, có 6 phạm vi mà các trường ĐH cần được tự chủ bao gồm tự chủ quản lý; kiểm soát tài chính; nhân sự; tuyển sinh; học thuật; đánh giá và cấp bằng. 

PGS.TS Đặng Bá Lãm cho rằng, khi bàn luận về tự chủ ĐH, giới khoa học trong nước thảo luận sôi nổi về tài chính, tuyển sinh, chương trình đào tạo... chứ ít người quan tâm đến nhiệm vụ trước mắt của các trường ĐH là sáng tạo khoa học. Điều đó theo ông là dễ hiểu bởi so với đào tạo thì các hoạt động khoa học tại trường ĐH ở nước ta vẫn là thứ yếu. 

Khẳng định cần phải quan tâm đến vấn đề tự chủ học thuật thay vì chỉ bàn chủ yếu đến tự chủ tài chính, GS.TSKH Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, đây là nhiệm vụ cơ bản nhất và quan trọng nhất của giáo dục ĐH. Chỉ khi thực sự tự chủ được các vấn đề nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ... nguồn thu của trường sẽ tăng lên, trường ĐH sẽ tự trả lương cho giảng viên, tự bổ nhiệm hiệu trưởng, tự lập Hội đồng nhà trường sao cho hoạt động hiệu quả. GS Vũ Minh Giang cũng kể một câu chuyện: Năm 2006, một GS gốc Hungary về tế bào gốc đã từng đề nghị khoản lương 40.000 USD/tháng và đầu tư phòng thí nghiệm 10 triệu USD để tiếp tục công tác tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên nhưng không thành công. Cuối cùng vị GS đó đã sang Hàn Quốc - nơi đạt được điều kiện tài chính và hiện nay, nhiều người Việt Nam đã sang Hàn Quốc để tiêm tế bào gốc – là kết quả nghiên cứu của vị GS đó. 

Câu chuyện ở ĐH Khoa học tự nhiên chính là một trong những minh chứng cho việc ĐH thiếu tự chủ sẽ đánh mất những người tài, những cơ hội phát triển. Vì vậy, tự chủ ĐH không dễ nhưng cần phải thực hiện. 

Hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung đã đề cập đến nội dung tự chủ ĐH. Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, thực tiễn triển khai cũng đã cho thấy một số bất cập của Luật Giáo dục ĐH trong việc xây dựng hành lang pháp lý có hiệu lực và hiệu quả để tự chủ ĐH thực sự đi vào cuộc sống. Trước hết, nhận thức liên quan đến cách hiểu về tự chủ ĐH cùng các điều kiện cần thiết để tự chủ ĐH thực sự phát huy tác dụng có sự phân kỳ.

Tiếp đó, chúng ta thiếu nhất quán về thể chế liên quan đến các quy định về vai trò của hội đồng trường và về các điều kiện để cơ sở giáo dục ĐH được giao quyền tự chủ. Một nguyên nhân đáng quan tâm nữa là sự phân mảng trong quản lý cùng sự thao túng của các lợi ích ngành, lợi ích nhóm, khiến cho sự phân định giữa quản lý nhà nước về giáo dục ĐH và quản trị cơ sở giáo dục ĐH rất khó thực hiện. Và cuối cùng, cho đến nay, vẫn chưa hình thành trong giáo dục ĐH nước ta một cơ chế tổ chức thực hiện hữu hiệu trong tự chủ ĐH. Những vấn đề này cần được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới để tạo hành lang pháp lý cho các trường thực hiện tự chủ ĐH.     

Thu Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ