A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đổi mới chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Đòi hỏi bức thiết

09:02 | 01/10/2018

Việt Nam có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao phủ cả nước nhưng lại thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao và doanh nghiệp còn gặp khó trong tuyển dụng...

 Vì thế, theo các chuyên gia giáo dục, cần thiết phải gấp rút đổi mới giáo dục nghề nghiệp. 

Dạy nghề cho giới trẻ hiện vẫn bị đánh giá nặng tính hình thức.

Chỉ 10% học sinh chọn học nghề

Phân luồng sau THCS là vấn đề được bàn thảo nhiều trong những năm gần đây, nhưng dường như hướng đi thích hợp vẫn chưa tìm ra. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học quốc gia TP HCM, bài toán phân luồng sau THCS không còn là vấn đề của một địa phương mà đã trở thành vấn đề lớn trong cả hệ thống giáo dục.

Hàng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nói chung được định hướng vào 4 luồng chính gồm: học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề (TCN); vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống.

Từ năm 2016 trở về trước, hệ thống các trường TCCN đặt dưới sự quản lý của Bộ GDĐT, còn các trường TCN thuộc quản lý của Bộ LĐTBXH. Đến năm 2017, hệ TCCN được Bộ GDĐT chuyển giao cho Bộ LĐTBXH quản lý. Khi đó, số liệu của Bộ GDĐT cho thấy số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN chỉ vào khoảng hơn 10%.

Trong khi đó, số liệu từ Bộ LĐTBXH cho thấy trong năm học 2015-2016, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCN và TCCN là 116.222 (khoảng gần 10%) và có đến vài chục trường TCCN không tuyển được học sinh. Như vậy, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa dù lạc quan thì trong 2 năm tới (năm 2020) cũng khó lòng đạt mục tiêu 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề.

Cũng có cái nhìn tương tự, TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GDĐT cho rằng mục tiêu phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, TC; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ… theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2018-2025” là những con số không dễ đạt được với thực tế hiện nay. Tính riêng tại TPHCM trong năm 2017, có khoảng 70.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng số lượng vào học các trường TC,CĐ cũng chỉ khoảng gần 10%.

Năm 2018, có khoảng 87.000 học sinh thi vào lớp 10. Với tổng chỉ tiêu tại các trường THPT công lập là 65.000, thì có 22.000 học sinh không trúng tuyển sẽ được hàng trăm trường THPT ngoài công lập chào đón và rất nhiều trung tâm GDTX cũng sẵn sàng tiếp nhận. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng chắc chắn số lượng học sinh còn lại vào các trường TCN là không nhiều. Trong năm 2017, có 860.000 học sinh tốt nghiệp THPT thì chỉ có hơn 200.000 học sinh vào học CĐ, đạt hơn 20%, chưa bằng ½ chỉ tiêu trong đề án (45%). 

Quy hoạch lại 

Cả nước hiện có khoảng 12.000 trường THPT. Như vậy, để đáp ứng đòi hỏi thì từ nay đến 2020 phải nỗ lực đào tạo thêm 12.000 giáo viên hướng nghiệp. Để làm tốt công tác phân luồng, Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, chúng ta cũng cần quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực học sinh chuẩn xác, từ đó đưa ra các khuyến cáo.

Trong đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường.

Bên cạnh đó, đề án cần có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong GDPT. 

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2018 được Bộ chọn là năm đột phá trong giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu là tạo bước chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cơ quan chức năng đã xác định 3 giải pháp đột phá, trong đó trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là quan trọng. Tuy nhiên, tự chủ như thế nào là hợp lý trong bối cảnh đời sống, kinh tế, xã hội đất nước và nội lực thực tiễn của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phải là chuyện dễ.

Cả nước ta hiện có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số đó, hơn 1.500 trường trung cấp, cao đẳng nghề thuộc diện công lập. Có 3 trường đã và đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ là Cao đẳng Kỹ nghệ 2 TPHCM, CĐ Lilama 2 Đồng Nai và CĐ Bình Định. Sau 1 thời gian thí điểm, các trường này có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng và chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất được cải thiện, số lượng doanh nghiệp tìm đến hợp tác nhiều hơn.

Tự chủ đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH khẳng định là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Ông Phạm Xuân Khánh- Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội khẳng định: muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và vẫn phải có đầu tư và định hướng của nhà nước. Bởi việc đào tạo vẫn phải đảm bảo nhu cầu nhân lực của địa phương, của xã hội. Bất cập trong tự chủ là các cơ sở đào tạo đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý thực hiện. 

Về băn khoăn này của các trường nghề, ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng khẳng định, Bộ LĐTBXH đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nghị định được hi vọng là bước đột phá với cơ chế thông thoáng, thuận lợi, xóa bỏ lo ngại của các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tự chủ. Tuy nhiên, việc cải tổ hoàn toàn theo xu hướng này, trong bối cảnh thực tế ở nước ta không thể nói là làm ngay mà cần thực hiện từng bước.  

    Lê Vinh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ