A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ai chịu trách nhiệm?

16:02 | 28/09/2018

Thiếu và thừa giáo viên không phải câu chuyện mới, nhưng lại luôn nóng bởi cơ chế tuyển dụng hiện nay đã làm nảy sinh nhiều bất cập. Thời gian qua, có tình trạng nhiều giáo viên hợp đồng ở một số địa phương đã và đang đứng trước nguy cơ mất việc.

Trong khi Bộ GDĐT cho hay, họ không được tự chủ tuyển dụng đầu vào, thì Bộ Nội vụ cho rằng việc tuyển dụng giáo viên đã được phân cấp về cho địa phương.

Ảnh minh họa: Quang Vinh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết năm học 2018-2019, chỉ tiêu biên chế của ngành giáo dục là 1.191.376 người, tăng trên 13.000 người so với năm học trước.

Tuy nhiên, con số đề nghị từ phía địa phương thường lớn hơn nhiều. Chẳng hạn, trong năm 2018, các địa phương đã đề nghị bổ sung 40.447 biên chế cho giáo dục - đào tạo. Về phía ngành giáo dục, sau khi tính toán theo định mức quy định, vẫn còn thiếu một lượng lớn giáo viên sau khi đã có chỉ tiêu biên chế. Trong năm học mới này, con số thiếu lên tới 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS:10.143 người; THPT: 3.161 người).

Thiếu là vậy, nhưng ở riêng cấp THCS lại đang có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố. Vì thế đến thời điểm hiện tại mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS nhưng lại vẫn thừa 12.165 giáo viên của bậc học này. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao, không đúng với quy định hiện hành như ở Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Hà Nội (Thanh Oai), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị… Như vậy, nhu cầu cần giáo viên đứng lớp là có thực, nhưng số lượng biên chế có hạn. Trong cái khó, nhiều địa phương đã phải lách luật để tuyển giáo viên hợp đồng. Câu chuyện ký hợp đồng rồi dừng lại đã khiến cuộc sống và tâm tư của nhiều thày cô giáo không ổn định; tạo ra những hiệu ứng tiêu cực trong dư luận.

Mâu thuẫn về nhân lực của ngành giáo dục cũng được nhìn thấy rõ là chỉ tiêu đào tạo của các trường khối sư phạm rất lớn, nhưng lại không gắn với nhu cầu của địa phương. Mùa tuyển sinh 2018, cơ chế tuyển sinh của khối trường sư phạm thay đổi với mục tiêu thu hút người tài, nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm, gắn với nhu cầu thực tiễn… Nhưng người học cũng không mấy mặn mà với ngành học này.  

Đào tạo, tuyển dụng ngành sư phạm trong thế bùng nhùng đã lâu, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội vừa qua cũng đã chỉ ra rằng, cả 2 Bộ chưa phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề đặt ra với tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Ông Phan Thanh Bình nêu rõ: Mặc dù có khoảng 20 văn bản dưới luật quy định về tuyển dụng, sử dụng giáo viên, nhưng vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, chưa thống nhất với nhau. 

Nhằm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên, về phía Bộ GDĐT đã và đang yêu cầu các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức; điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên; chỉ đạo các địa phương tăng cường các giải pháp nhằm không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học; Nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên; giao chỉ tiêu tuyển sinh sát với nhu cầu sử dụng. Hiện nay, Bộ đang rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên cho phù hợp với yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ trong thời gian tới.

Điều đáng nói, ngay trong mùa tuyển sinh vừa rồi theo đề án tuyển sinh các trường khối ngành sư phạm đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ tại địa chỉ thituyensinh.vn, chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên công khai để thí sinh tham khảo được xác định dựa trên năng lực đào tạo của từng trường chứ không phải theo nhu cầu địa phương như chủ trương của Bộ. Vậy hiện nay, các trường xác định chỉ tiêu theo hướng nào: Nhu cầu địa phương hay năng lực của trường? Nếu theo nhu cầu của địa phương thì các trường phải dựa vào những cơ sở nào? Còn nếu theo năng lực của trường tức là cơ sở đào tạo chỉ có thể cung cấp cho xã hội những sản phẩm mà họ có… Chừng nào mà địa phương và nhà trường, ngành giáo dục còn thiếu sự liên kết, chắc chắn việc thừa- thiếu giáo viên khó có thể giải quyết dứt điểm.

Việc không thống nhất trong tuyển dụng giữa các cơ quan hữu trách đã tạo ra kẽ hở để “chạy” hợp đồng, “chạy” biên chế giáo viên. Hơn thế, lương giáo viên hợp đồng thấp, lương giáo viên biên chế lâu năm rất cao… dẫn đến tâm lý các trường muốn giữ biên chế lại để hợp đồng giáo viên. Bộ Nội vụ lý giải rằng việc tuyển dụng giáo viên đã giao cho địa phương; Địa phương cho hay không được giao biên chế; Bộ GDĐT khẳng định không được tự chủ tuyển dụng. Như vậy là không thể quy trách nhiệm cho ai?

Cuối cùng chịu thiệt thòi nhất vẫn là người lao động - những giáo viên tưởng được cống hiến lâu dài, nhưng sớm bị mất việc nửa chừng. Những câu chuyện xảy ra khi năm học mới vừa bắt đầu ít lâu, cùng những băn khoăn về vị thế của người thầy trong xã hội hôm nay - là những chuyện đáng để suy ngẫm.     

Minh Quang

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ