A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sớm gỡ nút thắt đào tạo đại học

14:01 | 04/10/2018

Từ con số cử nhân thất nghiệp năm 2017 là 200.000 người cùng việc ngày càng có nhiều gia đình đầu tư cho con đi du học nước ngoài, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam,....

....đặt vấn đề quy mô và chất lượng giáo dục ĐH ở Việt Nam cần được đề cập cụ thể hơn tại Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH).

Ảnh mnh họa: Quang Vinh. 

Đầu tư trường ĐH chất lượng cao

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT), trong 2 năm nay, Bộ GDĐT đã yêu cầu các trường ĐH báo cáo và công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp. Số liệu báo cáo từ các trường cho thấy, sau 1 năm tốt nghiệp ĐH, số sinh viên có việc làm đạt 86-87%.

Về con số 200.000 cử nhân thất nghiệp, bà Phụng cho biết đó là số lượng lao động chưa có việc làm ở thời điểm điều tra năm 2017 trong tổng số người đang ở đội tuổi lao động có trình độ ĐH. Nếu như tính 200.000 cử nhân trên hơn 5 triệu lao động có trình độ ĐH thì tỷ lệ này chỉ chiếm 4%.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến, con số 200.000 cử nhân thất nghiệp này cần được xem xét cả dưới góc độ quy hoạch mạng lưới đào tạo, tránh thừa thầy, thiếu thợ. Trên thực tế, thời gian vừa qua xảy ra tình trạng tăng nhanh các trường ĐH về số lượng không theo quy hoạch, trái với quyết định của Chính phủ ban hành năm 2013 về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020. Theo quy định, đến năm 2020 cả nước có 460 trường ĐH, CĐ, trong đó có 224 trường ĐH. Nhưng thống kê từ Vụ GDĐT cho thấy hiện có 235 trường ĐH và học viện, chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh. Không chỉ vượt chỉ tiêu về số lượng trường ĐH, số lượng sinh viên cũng cao so với chỉ tiêu đặt ra dẫn đến tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường. 

Chia sẻ quan điểm này, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, ở Việt Nam hiện nay đang “địa phương hóa ĐH”. Tỉnh nào cũng thành lập 1 trường ĐH nhưng có trường rất ít người đăng ký học. Trong khi đó, xu hướng chung của thế giới là quốc tế hóa ĐH. Nhiều trường ĐH đặt mục tiêu thu hút được nhiều sinh viên ở nước ngoài đến học. Ví dụ ngay ở nước ta, số gia đình đầu tư tiền tỷ cho con đi học ở nước ngoài tăng lên trong thời gian qua, ông Hiểu cho rằng nguyên nhân là vì họ chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng giáo dục ĐH trong nước. 

“Vì vậy, trong Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật GDĐH cần quan tâm đến việc hình thành, đầu tư cho trường ĐH chất lượng cao nhằm thu hút sinh viên từ các nước trên thế giới đến nước ta học tập cũng như giảm thiểu số lượng học sinh, sinh viên ở trong nước ra nước ngoài học tập” – ông Hiểu nêu quan điểm. 

Đổi mới đào tạo

LS Đỗ Minh Sơn (Hội Luật gia TP Hà Nội) cho rằng, giáo dục ĐH là điểm nóng của ngành giáo dục hiện nay. Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ các nút thắt phát triển ĐH, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ ĐH nhằm nâng cao chất lượng GDĐH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Góp ý cho dự thảo, LS Sơn cho rằng trong xu thế quốc tế hóa hiện nay, việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo là cần thiết và phù hợp. Bên cạnh hình thức đào tạo chính quy thì dự thảo Luật cũng quy định các hình thức khác để đào tạo và cấp bằng trình độ GDĐH gồm vừa làm vừa học và học từ xa.

Trong hình thức đào tạo từ xa đã bao gồm các hình thức như học trực tuyến, học qua thư tín hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng khác. Các hình thức tự học, tự học có hướng dẫn trên thực tế cũng đã được sử dụng đan xen với các hình thức đào tạo khác.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo được đề cập tại khoản 25 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 49, Điều 50 vẫn chưa đủ rõ ràng. Bởi vì chất lượng đào tạo liên quan chặt chẽ tới cả người dạy và người học cũng như việc tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ, văn bằng thời gian qua còn lỏng lẻo, tình trạng “học giả bằng thật” còn tràn lan.

Liên quan đến nội dung đổi mới đào tạo, một số đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tự chủ ĐH, trong đó có tự chủ học thuật, cần được quy định chi tiết hơn.  

Cụ thể, việc thực hiện quyền tự chủ của các trường ĐH trong thực tiễn hiện nay còn bị hạn chế bởi rất nhiều luật khác, như luật về viên chức, về ngân sách, về đất đai, về đầu tư công… Bởi vậy, bài toán về tự chủ GDĐH không thể chỉ giải quyết ở trong một đạo luật này mà còn được điều chỉnh bởi cả một hệ thống pháp luật liên quan đến GDĐH… 

Về vấn đề này, tại hội thảo “Giáo dục đại học - chuẩn hoá và hội nhập quốc tế”,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh sứ mệnh quan trọng nhất của trường ĐH là sáng tạo ra tri thức. Muốn vậy, ĐH phải có quyền tự do học thuật, tự chủ về chuyên môn, khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường. Để bảo đảm quyền tự chủ chuyên môn thì trường ĐH phải được tự trị, tự quản về mọi hoạt động, tổ chức, tài chính. Song song với đó là trách nhiệm giải trình của trường ĐH… Những vấn đề này cần được luật hoá trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH và các luật có liên quan. 

Thu Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ