A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục: Lắng nghe phản biện để hoàn thiện

08:30 | 05/10/2018

Trước sự quan tâm của dư luận về hình thức xử phạt theo tinh thần dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi,....

.... ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho hay: Bộ trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý xây dựng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Ông Nguyễn Huy Bằng.

PV: Thưa ông, tại sao chúng ta cần ban hành Nghị định mới về xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong khi những văn bản hiện hành vẫn chưa xử lý được bao nhiêu? 

Ông Nguyễn Huy Bằng: Quản lí nhà nước về giáo dục cần nhiều công cụ trong đó quản lí bằng pháp luật là công cụ cơ bản. Hệ thống pháp luật về giáo dục gần đây ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn có một đặc điểm là thiếu chế tài. Vì vậy, có những hành vi không đúng pháp luật nhưng không có cơ sở để xử lí.

Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được ban hành năm 2013. Sau 5 năm thực hiện qua tổng kết và báo cáo của các địa phương và các cơ sở giáo dục cho thấy, Nghị định 138 bộc lộ nhiều bất cập như: Mức phạt tiền của một số hành vi không có tính răn đe; thiếu một số biện pháp khắc phục hậu quả; thiếu một số hành vi; một số hành vi chưa rõ ràng… 

Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về giáo dục diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục (ví dụ như: Tổ chức hoạt động giáo dục không được cấp phép; xác định chỉ tiêu tuyển và tuyển sinh không đúng quy định; tình trạng lạm thu; dạy thêm học thêm không đúng quy định; bạo hành trẻ em; tư vấn du học, quản lý, cấp phát văn bằng chứng chỉ sai quy định…). Nghị quyết 63 của Quốc hội cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giáo dục và đào tạo.

Thưa ông, nhiều băn khoăn đang được đặt ra đối với những vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là ai sẽ bị xử phạt? Ai có quyền phạt?

 - Mục đích ban hành Nghị định này cũng như nhiều văn bản pháp luật khác trước hết để cho các chủ thể liên quan đến giáo dục thấy việc nào không được làm, nếu làm sẽ có nguy cơ bị phạt thế nào để tránh, chứ không chỉ nhằm để phạt nhiều.

Theo quy định của pháp luật về xử lí vi phạm hành chính, các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể bị xử phạt. Tuy nhiên, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính quy định cán bộ, công chức, viên chức đang thi hành công vụ thì không bị xử phạt hành chính mà áp dụng pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh tổ chức là cơ sở giáo dục, thì một số tổ chức khác liên quan đến giáo dục như tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức tư vấn giáo dục, trung tâm kĩ năng sống, doanh nghiệp sản xuất thiết bị, in và phát hành sách... cũng là đối tượng bị xử phạt nếu có hành vi vi phạm.

Về người có thẩm quyền xử phạt: Ngoài lực lượng thanh tra giáo dục thì chủ tịch UBND các cấp đều có quyền xử phạt và bên cạnh đó, một số quy định cụ thể trong từng lĩnh vực chuyên ngành có thể được xử phạt bởi các lực lượng khác như quản lí thị trường, thanh tra chuyên ngành văn hóa, chuyên ngành thông tin, chuyên ngành tài chính...

Vậy so với những văn bản trước, chế tài xử phạt đưa ra trong dự thảo Nghị định lần này có thực sự đủ mạnh?

- Qua tổng kết, có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt trong Nghị định 138 là thấp, không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nhận thấy việc quy định mức phạt chỉ là một biện pháp tác động, bên cạnh đó còn biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả nên đã cân nhắc thay đổi. Có hành vi thì nâng mức phạt, có hành vi thì giảm mức phạt. Theo Luật xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt cao nhất đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Tuy nhiên trong Dự thảo chưa có hành vi nào dự kiến áp dụng mức cao nhất này.

Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục lần này bổ sung nhiều điểm mới: Bổ sung nhiều hành vi quy định đối với tổ chức, về quản lí cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm cho việc tự chủ tốt hơn; tương tự đã bổ sung hành vi in xuất bản SGK không đúng quy định, bảo đảm tương thích với quy định về xuất bản SGK; bổ sung quy định về tư vấn du học…

Nghị định 138/2013/NĐ-CP chỉ quy định về hành vi tổ chức dạy thêm học thêm thì Nghị định này bổ sung cả hành vi về dạy thêm. Dự thảo Nghị định mới đã tách quy định xúc phạm danh dự nhân phẩm và xâm phạm thân thể thành 2 nhóm hành vi khác nhau. Các hành vi về cấp phát văn bằng chứng chỉ, tuyển dụng, thực hiện chế độ với nhà giáo, liên thông liên kết đào tạo cũng được quy định rõ hơn.

Tuy Nghị định này rất quan trọng nhưng không phải là cây gậy vạn năng giải quyết mọi vấn đề mà cần phối hợp sử dụng nhiều công cụ quản lí khác. Mặt khác, do Nghị định chỉ tập trung quy định về hành vi nên khi thực hiện phải áp dụng cả quy định ở Luật xử lí vi phạm hành chính và phải tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu, làm đúng theo tinh thần “Xử đúng thì tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”.

Hiện Bộ GDĐT đã thành lập Ban soạn thảo tổ chức tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến của các Sở GDĐT các cơ sở giáo dục và đưa lên mạng lấy ý kiến rộng rãi theo quy định. Bộ GDĐT trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý xây dựng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

Minh Quang (ghi)

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ