A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khuyến khích xã hội hóa trường chuyên

14:36 | 14/01/2019

Một số vấn đề đào tạo của trường chuyên vừa được đề cập mới đây tại buổi góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi do Bộ GDĐT tổ chức tại Hà Nội.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định trong thời gian tới sẽ thực hiện điều chỉnh định hướng phát triển trường chuyên để thực sự trở thành nơi ươm mầm nhân tài.

Bộ GDĐT đề xuất nhiều chính sách khuyến khích học sinh giỏi.

Đề xuất điều chỉnh quy mô trường chuyên

Thep GS.VS Đào Trọng Thi- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đối với những nước có điều kiện kinh tế khó khăn như Việt Nam, chúng ta chưa có điều kiện để đầu tư, bồi dưỡng cho đông đảo học sinh giỏi, học sinh (HS) có năng khiếu ở tất cả các trường. Vì vậy, cần lựa chọn ra những em đặc biệt xuất sắc, có năng lực học tập nổi trội để tập trung nguồn lực, thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt bồi dưỡng, đào tạo các em trở thành nhân tài.

Trong khuôn khổ trường chuyên với quy mô chặt chẽ như hiện nay, theo ông Đào Trọng Thi có thể không còn đáp ứng được nhu cầu phát hiện, bồi dưỡng những em thực sự có năng khiếu, thực sự có tài. Bởi mỗi tỉnh một trường chuyên, mỗi môn một lớp chuyên thì ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, nhiều em dù có năng khiếu cũng không có điều kiện để vào trường chuyên.

Vì vậy, ông Thi đề xuất cần cân nhắc lại quy mô trường chuyên để đảm bảo tuyển chọn được những em thực sự có tài năng để đầu tư bồi dưỡng. 

Hiện nay, theo thống kê của Bộ GDĐT, đến năm học 2018, tất cả 63 tỉnh/ thành phố đều đã có trường chuyên. Hệ thống trường chuyên gồm: 76 trường chuyên (71 trường trực thuộc Sở GDĐT, 5 trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH); 11 khối chuyên (9 khối chuyên thuộc trường THPT, 2 khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục ĐH). Số HS chuyên năm học 2018 – 2019 là 72.998 HS, tăng 16.736 HS (chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT).

Về chất lượng giáo dục tại các trường chuyên, nhìn từ kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi ĐH, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong các năm qua, có thể nói đã có chuyển biến rõ nét. Trong đó, liên tiếp các năm gần đây ở kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, đội tuyển Việt Nam với phần đông thí sinh đến từ các trường chuyên đã đạt các thành tích cao. Có thể nói, đây là những nhân tài của đất nước, sau này tiếp tục được đào tạo chuyên sâu về Toán, Lý, Hóa, Sinh... có thể trở thành những nhà khoa học, nhà nghiên cứu phục vụ đất nước. 

Sàng lọc học sinh theo từng học kỳ

Không phủ nhận những đóng góp của hệ thống trường chuyên cho mục tiêu bồi dưỡng nhân tài, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, hệ thống trường chuyên đã nảy sinh một số bất cập. Theo Bộ GDĐT, việc xây dựng các trường chuyên có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai ở nhiều địa phương.

Một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục. 

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, mục tiêu trong thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện một loạt kế hoạch để nâng cao chất lượng trường chuyên. Cụ thể, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường chuyên giai đoạn 2018-2020 và các năm tiếp, trong đó ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15 m2/học sinh; đầu tư xây dựng các trường chuyên đảm bảo đạt chuẩn chất lượng mức độ cao nhất, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế.

Một điểm mới trong phương thức tuyển sinh, thi học sinh giỏi được Bộ GDĐT đưa ra đó là sẽ bổ sung, hoàn thiện quy định về sàng lọc học sinh các trường chuyên để hàng năm, từng học kỳ có thể tuyển chọn bổ sung những học sinh có năng khiếu thực sự và chuyển những học sinh không đủ điều kiện học trong các trường chuyên ra các trường THPT khác.

Bổ sung, hoàn thiện các chính sách phù hợp đối với học sinh có năng khiếu nổi bật, đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế như: Chế độ học bổng, học vượt lớp, cử đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục ĐH có uy tín ở nước ngoài.

Về nhân sự, Bộ sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên (GV) và HS các trường chuyên như bổ sung các chính sách ưu tiên đối với GV trực tiếp giảng dạy các môn chuyên, GV có HS đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và tỷ lệ đỗ ĐH cao; chính sách thu hút GV chất lượng cao tham gia giảng dạy trong các trường chuyên, đặc biệt là GV nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ.

Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hợp tác quốc tế giữa các trường chuyên với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường chuyên.    

Không khuyến khích trường công theo mô hình chất lượng cao

Trả lời ý kiến về việc có nên thúc đẩy phát triển mô hình trường chất lượng cao, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết ông không khuyến khích trường công theo mô hình chất lượng cao. Bởi vì, mô hình này sẽ thu phí cao và không đáp ứng nhu cầu học tập của số đông người học, nhất là học sinh khó khăn. Theo đó, mô hình chất lượng cao nên đi theo hướng xã hội hóa (trường tư). Những người có điều kiện có thể đóng học phí cao, cho con theo học. Còn ngân sách nhà nước cần tập trung lo cho giáo dục đại trà, nhất là ưu tiên cho trường công ở các vùng khó khăn.

Thu Hương

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ