A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Miễn học phí bậc trung học cơ sở sẽ theo lộ trình

09:01 | 20/02/2019

Chính phủ vừa có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời nêu quan điểm của Chính phủ về một số vấn đề.

Trong đó Chính phủ đồng ý việc miễn học phí bậc trung học cơ sở (THCS) theo lộ trình.

Việc miễn học phí bậc THCS sẽ theo lộ trình.(Ảnh minh họa). 

Trước đó, trong tháng 1, Bộ GDĐT cho biết, Vụ Pháp chế của Bộ đã tổng hợp góp ý từ các sở giáo dục và đào tạo về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo tổng hợp này, đã có 51 sở có ý kiến với số lượng 790.868 phiếu. Tham gia góp ý vào 31 nội dung được lấy ý kiến gồm cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nhà giáo, cha mẹ học sinh và người học. Số lượng đồng ý với từng nội dung tỷ lệ thấp nhất là 96,5%. Theo đó, tỷ lệ đồng ý với quy định về học phí, không thu học phí, cơ chế thu học phí tại điều 97 là 99,5%.

Khoản 1 điều 97 Dự thảo luật quy định mức thu học phí được xác định theo lộ trình, tính đúng, tính đủ, chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo do Chính phủ quy định. Đồng thời tại khoản 3 điều này xác định chi phí của dịch vụ đào tạo bao gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định, phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo.

Khi thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo luật này, nhiều đại biểu phân tích, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là tiền thuế của nhân dân đóng góp, theo lộ trình dồn hết các khoản chi phí tiền lương, chi phí quản lý và các chi phí khác vào học phí tức là tiền túi của người dân thì có hợp lý không. Nhất là tình trạng lạm thu trong một số nhà trường còn rất phổ biến.

Trong báo cáo của Chính phủ tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), riêng về chính sách học phí, Chính phủ cho biết đồng ý với ý kiến đa số của nhân dân và giữ quy định về học phí của dự thảo luật.

Trong đó có trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo quan điểm của Bộ GDĐT, miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ ở lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.

Trước đó khi Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12/3/2018, nội dung “miễn học phí cho học sinh THCS” bị đưa ra khỏi dự luật. Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không đồng tình với đề xuất này vì ngân sách nhà nước còn khó khăn. Đến tháng 7/2018 chủ trương này được Chính phủ đồng ý thông qua Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Vấn đề miễn học phí bậc THCS đã được đặt ra từ lâu. Việt Nam đã thực hiện phổ cập giáo dục mầm non với trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS (từ lớp 6 đến lớp 9). Tuy nhiên, hiện mới có học sinh tiểu học được miễn học phí. Cho đến thời điểm này, TPHCM là địa phương đầu tiên thực hiện chủ trương giảm học phí THCS và chính thức có quy định giảm học phí bậc học này từ tháng 1/2019.  

 TP Hồ Chí Minh áp dụng giảm học phí từ học kỳ II/2019 

Sở GDĐT TPHCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn các trường thực hiện nghị quyết của HĐND Thành phố về chế độ học phí chính thức áp dụng từ năm 2019.
Theo đó, bắt đầu từ học kỳ II năm học 2018-2019, TPHCM áp dụng mức thu học phí đối với học sinh đang theo học các lớp nhà trẻ tại các trường mầm non công lập trên địa bàn 19 quận nội thành (gồm quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân) là 200.000 đồng/ học sinh/ tháng. Riêng đối với học sinh lớp nhà trẻ ở 5 huyện ngoại thành (gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ), mức thu học phí mới được điều chỉnh là 120.000 đồng/ học sinh/ tháng, giảm 20.000 đồng/ tháng so với trước.
Học sinh bậc THCS và bổ túc THCS tại các trường công lập trên địa bàn cũng được áp dụng giảm học phí, với mức thu mới là 60.000 đồng/ học sinh/ tháng tại 19 quận nội thành (giảm 40.000 đồng) và 30.000 đồng/ học sinh/ tháng đối với 5 huyện ngoại thành (giảm 55.000 đồng).

 Minh Quang

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ