A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bi kịch phá sản trường

19:46 | 29/03/2014

Trước đây ai cũng tin y tế và giáo dục phải được Nhà nước đảm bảo. Bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào muốn tham gia "thị trường” này phải giữ nguyên tắc bất vụ lợi.

 Nay giáo dục vẫn là lĩnh vực đặc thù nhưng báo động việc trường tư kiếm lời, chia chác và… phá sản.

 
 
SV náo động khi trường bên bờ vực
 
"Hàng hóa” giáo dục nhiều rủi ro
 
Hồi đầu giáo dục bị xem là hàng hóa, khoảng 10 năm trước, nhiều người không giấu được phẫn nộ, bởi thực sự các công dân đã đóng thuế, Nhà nước phải chu cấp trở lại bằng cách trao cho các cơ sở giáo dục quyền tự quản lý, tự cân đối chi thu và phải bảo toàn tính chất "vị xã hội”, đảm bảo một mắt xích hoàn hảo trong mạng lưới an sinh xã hội.
 
Nhiều chuyên gia hồi đó dứt khoát chống thương mại hóa giáo dục - các hoạt động kinh doanh giáo dục để thu lợi, chống thị trường hóa giáo dục. Còn Nhà nước chủ trương vận dụng cơ chế thị trường thúc đẩy giáo dục phát triển dù khẳng định không thả giáo dục ra thị trường trôi nổi… 
 
Thực tế không thể nói không có dịch vụ giáo dục ĐH khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực cuối 2001, ta mở cửa cho Mỹ tham gia kinh doanh giáo dục ĐH như nhiều ngành dịch vụ còn lại và hồi đó, giáo dục ĐH của ta yếu về cung, chỉ đạt 20% của cầu. 
 
Nhưng ngay cả khi mặc nhiên xem giáo dục là "hàng hóa”, nhiều chuyên gia đã sớm nhìn ra thương mại hóa ĐH là một quá trình nguy hiểm và có nhiều rủi ro. 
 
"Con nuôi” vẫn nổi trôi 
 
Nay cung vượt quá cầu và đáng lo hơn cả là nguy cơ "trôi nổi”, trường rởm, trường thật rất khó lường. Trước mùa tuyển sinh năm nay không ít trường ĐH, CĐ và TCCN ngoài công lập phải sang tên đổi chủ, chào bán vì khó tuyển sinh, vì nội bộ lủng củng. Đó là bằng chứng dễ thấy nhất của "trôi nổi”, hệ quả tất yếu của việc "con nuôi” – ĐH ngoài công lập - không được nuôi đến nơi đến chốn. 
 
Dù ai có khẳng định không có chuyện phân biệt con nuôi, con đẻ, nhưng một số chính sách xã hội hóa giáo dục, dạy nghề lỗi thời lâu nay hầu như chưa được Bộ tham mưu chỉnh sửa. Đơn cử là việc quy định tất cả các trường ngoài công lập phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp như nhau, theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP, gây khó cho các cơ sở thực chất hoạt động không vì lợi nhuận. 
 
Ngay việc giao đất sạch hay cho các trường ngoài công lập vay vốn ưu đãi cũng gần như không thực hiện ở các TP lớn. Nội bộ lủng củng chủ yếu do Hội đồng quản trị của ĐH tư thục có quyền hạn khá lớn trong quyết định hướng phát triển khi hiệu trưởng và Hội đồng khoa học mờ nhạt, thụ động trong chuyên môn. Mối quan hệ mâu thuẫn từ lợi ích kinh tế tới quyền lực ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường chuyên môn và sư phạm. 
 
Vai trò điều phối của Nhà nước vì vậy rất quan trọng, chỉ cần Nhà nước quá chậm ban hành cơ chế hỗ trợ học phí cho sinh viên những trường này đã gây khó cho tuyển sinh. Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) là một điển hình vì những sai lầm về chính sách đã đẩy một trường những năm đầu phát triển ổn định trở nên bất ổn như hiện nay…
 
Đạo đức thương mại hóa giáo dục xuống cấp
 
Khi tồn tại hai hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập, vấn đề là phải tạo được sự hài hòa trong việc thu phí giáo dục, gộp các nguồn tài chính và phân bổ các nguồn đó sao cho người dân được hỗ trợ công bằng nhất, cũng cần có những đòn bẩy thích hợp để các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động, thay vì cứ "bí cờ” thì bán trường như hiện nay.
 
TS Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận ở nước ta, nhiều ĐH thật ra chưa hẳn là ĐH mà chỉ là những trường dạy nghề, hay trung học cấp 4. Trong tình trạng này, các ĐH chưa phải là môi trường lý tưởng để đầu tư kiếm lời. Có thể nghĩ đến một kịch bản: Khi đầu tư không có lời, người ta sẽ tuyên bố phá sản và bán đất. "Nói gì thì nói, tôi cho rằng cổ phần hóa ĐH, hay biến ĐH công thành công ty kinh doanh lợi nhuận là thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong việc cung cấp giáo dục cơ bản miễn phí và bình đẳng cho mọi công dân VN” – TS Tuấn bày tỏ.
 
TS Giáp Văn Dương thì cho rằng: Trong nhiều yếu tố cấu thành ngôi nhà giáo dục, nếu cố tình thương mại hóa thì chỉ có thể biến báo một phần ở cơ sở vật chất, dưới dạng cho thuê mặt bằng hoặc trang thiết bị nghiên cứu, đào tạo; và một phần ở hệ thống văn bằng, chứng chỉ để thương mại hóa theo đúng nghĩa đen của từ này. "Tiếc thay, sự thương mại hóa này lại là một sự tha hóa của giáo dục, và trên thực tế, là một hành vi phạm pháp”. 
 
Xúc tiến xã hội hóa lĩnh vực giáo dục mà những lan can luật pháp cần thiết kèm theo đầy bất cập ắt sẽ dẫn đến phá sản trường. Bán trường có thể là tất yếu, nhưng hậu quả của đạo đức thương mại hóa giáo dục ĐH xuống cấp dẫn đến chất lượng đào tạo thê thảm, không thể xem là tất yếu.
 
Thanh Như

 

    Nguồn :Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ