A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗi lo “lều trọ học”

16:16 | 26/03/2014

Cái chết của 5 em học sinh trong một hố cát ven sông Krông Bông, đoạn qua xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) được phát hiện hôm 13-3 vừa qua đã gây chấn động dư luận và là nỗi đau tột cùng đối với gia đình, người thân và bè bạn các em.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết tức tưởi của các em bước đầu đã được cơ quan điều tra kết luận là do sau khi đi tắm sông đã vào hầm cát chơi, bị sập hầm dẫn đết chết ngạt. Nỗi đau mất mát tang thương nơi xã nghèo Cư Drăm rồi có thể sẽ nguôi ngoai. Nhưng hãy còn đó nỗi lo đeo đẳng chưa biết đến bao giờ mới cởi bỏ được – đó là nỗi lo từ những căn lều trọ học.

“Lều trọ học” là cụm từ mới xuất hiện cách đây vài năm, được các phương tiện thông tin đại chúng dùng để miêu tả những căn lều xiêu vẹo, tạm bợ được dựng lên gần trường học ở những vùng sâu vùng xa để các em học sinh nghèo xa nhà trọ học. Đã có không ít bài báo khen ngợi việc dựng lều trọ học này bởi ý chí, nghị lực của các em cùng quyết tâm của những người nông dân nghèo ở xa trường muốn cho con mình có được cái chữ để đổi đời. Và, xã Cư Drăm được biết đến như là một “điểm sáng” của phong trào dựng lều trọ học ở Dak Lak.

Dáng vẻ cô đơn, lẻ loi của em Thào Thị Thanh bên căn lều trọ học trước cổng Trường THCS Cư Drăm.

Không đáng khen sao được với khát vọng được cắp sách đến trường của các em học sinh nghèo, không đáng trân trọng sao được khi những ông bố bà mẹ phải chạy ăn từng bữa cho gia đình vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng cho con hằng tuần đến trường “nuôi” chữ!

Nhưng rồi, ai cũng giật mình, thảng thốt, xót xa khi tai họa ập xuống cướp đi sinh mạng của 5 em học sinh ở Cư Drăm. Tất cả các em đều đang là những học sinh trọ học. Trong đó có 2 em ở trọ trong nhà người dân, còn 3 em đang trọ học trong những căn lều tạm bợ do gia đình mượn đất dựng lên. Cái chết của các em đã khiến mọi người phải “giật mình” bởi có lỗ hổng quá lớn trong quản lý những học sinh đang phải xa nhà trọ học.

Có thể trách được ai trong sự việc đau lòng này? Trong nỗi đau tột cùng của sự tang thương, những ông bố, bà mẹ mất con đã tự đấm ngực nhận lỗi về phần mình vì đã cho con rời xa gia đình đi học. Nhưng không! Những bậc sinh thành ấy chắc chắn không hề có lỗi khi đã bằng mọi cách để con mình được cắp sách đến trường với bạn bè cùng trang lứa! Cũng có nhiều người quay sang “quy vấn” trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Đương nhiên, những thầy cô giáo nơi vùng sâu vùng xa ấy không có trách nhiệm quản lý các em học sinh ngoài giờ học cũng như phạm vi bên ngoài trường. Còn chính quyền địa phương, trong điều kiện có thể, cũng đã làm hết khả năng của mình khi tạo điều kiện, vận động người dân ở gần trường cho mượn đất để dựng lều trọ giúp các em có nơi ăn chốn ở - dẫu tạm bợ - để yên tâm học hành.

 Mà nếu có trách được ai đó thì sự việc cũng đã xảy ra, các em đã vĩnh viễn ra đi. Mất mát lớn lao này không gì có thể bù đắp được.

Vậy nên, vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào không để xảy ra những tai nạn thương tâm tương tự, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các em học sinh, trong đó đối tượng cần quan tâm hơn hết là những em đang phải sống tạm bợ trong những căn lều trọ học. Vẫn là câu chuyện của gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn này, anh Ma Văn Sánh (bố của cháu Ma Văn Bình – một trong những học sinh tử nạn) cứ day dứt mãi: “Nếu các cháu đi học rồi về nhà với gia đình thì chắc là không có sự việc đáng tiếc xảy ra…”. Hay như tâm sự của em Thào Thị Thanh, học sinh lớp 7B Trường THCS Cư Drăm, bạn học cùng lớp với nạn nhân Lý Seo Phong: “Vì muốn được học nên chúng em đành phải chịu xa nhà, chứ ở trọ kiểu này buồn lắm, lẻ loi lắm. Chúng em muốn ban ngày đi học, ban đêm về quây quần đầm ấm bên gia đình…”.

Thực ra, các em vẫn có thể đi học rồi về nhà ngay trong ngày bằng phương tiện xe buýt. Nhưng xem ra phương án này quá xa xỉ đối với những cư dân nghèo ở Cư Drăm. Theo như Thào Thị Thanh thì khoảng cách từ trường về đến nhà em ở thôn Yang Hanh là 15km. Nếu mua vé xe buýt nguyên tháng thì phải mất 300.000 đồng – một số tiền không hề nhỏ.

“Sau tai nạn của các bạn, không biết rồi đây bố mẹ có còn cho em đi học nữa không? Nhà em chắc không đủ tiền cho em mua vé xe buýt để đi học về nhà trong ngày rồi”. Đó là lời tâm sự thật đáng để trăn trở của cô bé người dân tộc Mông hiếu học Thào Thị Thanh. Tâm sự của Thanh cũng là nỗi lo của hàng trăm học sinh ở những vùng sâu, vùng xa đang hằng ngày đánh vật với đói nghèo để được đến trường.

Nỗi lo “lều trọ học” thực sự đang là trở lực ngăn bước những chủ nhân tương lai của đất nước trên hành trình đi tìm con chữ với khát vọng đổi đời!

Việt Cường

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ