A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hướng nghiệp trong trường đại học

10:02 | 27/04/2023

Hoạt động hướng nghiệp không chỉ cần thiết đối với học sinh phổ thông mà ngay cả sinh viên ngày nay cũng cần được định hướng nghề nghiệp, để xác định đúng và sớm mục đích, hình thành động cơ học tập đúng đắn.

Sinh viên tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại ngày hội Việc làm - VLU’s Job Fair 2023. Ảnh: Hùng Khoa.

Hiểu sâu về nghề

Tỷ lệ hơn 5-10% sinh viên năm thứ nhất bỏ học vì chọn nhầm ngành học mà các trường đại học (ĐH) thống kê cho thấy cần tiếp tục điều chỉnh các hoạt động tư vấn, dự báo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên để hạn chế đến mức thấp nhất sự lãng phí này.

Ngay cả với những sinh viên đã học đến năm thứ 2, thứ 3, vẫn có những em cảm thấy mông lung với lựa chọn của mình hoặc băn khoăn rằng với ngành học này, em nên chọn công việc gì phù hợp? Đâu là những kỹ năng cần phải có bên cạnh những kiến thức chuyên môn căn bản được đào tạo trong nhà trường? Thấu hiểu những băn khoăn này, hiện các trường ĐH, học viện, cao đẳng… rất chú trọng đến việc tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, các ngày hội việc làm với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp (DN) – đơn vị sẽ đưa ra các tiêu chí tuyển dụng cụ thể để mỗi sinh viên soi chiếu vào đó, hiểu mình đã có gì, cần trang bị thêm những gì.

Ngày hội “Job Fair 2023 - Your Career We Care” do Trường Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức đã thu hút sinh viên trong và ngoài nhà trường tới tham gia. Sinh viên được phỏng vấn trực tiếp bởi các DN, được giải đáp thắc mắc về ngành nghề đang theo học trên thực tế sau khi đi làm sẽ phù hợp với vị trí tuyển dụng nào, cần rèn luyện thêm những kiến thức gì… Nguyễn Vân Anh - sinh viên năm nhất, khoa Kinh doanh Quốc tế của trường cho biết, dù trước đây em đã tìm hiểu về trường, về ngành nghề theo học nhưng khi trực tiếp được nghe các đơn vị tuyển dụng tư vấn, em càng hiểu rõ hơn về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

“Không lo thất nghiệp dù học ngành rất phổ thông hiện nay là điều em đúc kết được sau buổi tham gia ngày hội việc làm này. Trước đó, nghe trên mạng xã hội nói về “những ngành học vô dụng” em cũng thấy lo lắng, nhưng giờ em hiểu, nếu mình chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và một thái độ cầu thị thì cơ hội việc làm luôn rộng mở. Thông qua trao đổi, em hiểu rõ hơn về những điểm mạnh, mặt hạn chế để phấn đấu toàn diện hơn nữa nhằm tăng khả năng thích ứng với môi trường làm việc tương lai” – Vân Anh nói.

TS Lê Thống Nhất - chuyên gia giáo dục trong nhiều cuộc trò chuyện, hướng nghiệp với học sinh, sinh viên đều nhấn mạnh thực tế, cùng học một ngành nhưng mức lương sau khi ra trường của mỗi người là khác nhau. Người tốt nghiệp loại giỏi không chắc có mức lương cao hơn người có bằng tốt nghiệp trung bình… Thậm chí, cùng nộp hồ sơ tuyển dụng vào cùng một vị trí của công ty nhưng mức lương trúng tuyển của các ứng cử viên có thể khác nhau là bình thường.

DN luôn rộng cửa đón nhận những người chưa có kinh nghiệm nhưng sẵn sàng học hỏi, chấp nhận khó khăn, thử thách. Đơn cử, như trước đây quan niệm con gái học ngành kỹ thuật sẽ vất vả và không phù hợp nhưng thực tế chứng minh, các ngành kỹ thuật ngày nay thu hút nhiều học sinh nữ và cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng có rất nhiều vị trí dành cho nữ giới. Vấn đề là ngoài kiến thức chuyên ngành thì cần thêm rất nhiều điều kiện cần và đủ khác để được tuyển dụng cũng như trụ hạng, gắn bó dài lâu với công việc.

Đào tạo gắn với doanh nghiệp

Theo TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, thực tiễn đã chứng minh những nơi làm công tác tư vấn hướng nghiệp tốt sẽ giảm tỷ lệ sinh viên không có việc làm khi ra trường. Do đó, các trường cũng cần tổ chức các cuộc thi tìm hiểu thế giới nghề nghiệp, tư vấn nhóm cho học sinh ra quyết định nghề nghiệp...

Diễn ra và kéo dài đến gần hết tháng 4/2023, Ngày hội Việc làm - VLU’s Job Fair 2023 do Trường Đại học Văn Lang, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM phối hợp tổ chức đã thu hút hàng nghìn lượt sinh viên, cựu sinh viên tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp và trực tuyến. Từ đó, giúp sinh viên và DN kết nối chặt chẽ, tạo nhiều vị trí việc làm, cơ hội thực tập. Về phía nhà trường, đây cũng là cơ hội để hoàn thiện, cập nhật chương trình đào tạo đáp ứng sát với nhu cầu DN, yêu cầu nguồn nhân lực xã hội.

Bên cạnh các hội thảo chuyên đề về nghề nghiệp, các trường hiện nay cũng hỗ trợ thực tập, hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi ra trường… Cụ thể, trường gửi sinh viên tới các DN để thực tập, thực hành là một hình thức đào tạo trực tiếp để gia tăng cơ hội trải nghiệm, cọ sát thực tế, học hỏi từ thực tế DN. Đa dạng các hình thức hướng nghiệp cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ vì mới vào trường, chưa thực sự hiểu rõ về ngành nghề, môn học, công việc. Các câu lạc bộ, đội nhóm phù hợp cũng là hình thức phối hợp tốt giúp sinh viên tăng cường các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp; từ đó tạo điều kiện và cơ hội giúp sinh viên có môi trường học tập tốt, được tiếp cận với không chỉ giảng viên, chuyên gia đầu ngành và các tài liệu chuyên ngành tốt, các cựu sinh viên và sinh viên khóa trên, để sinh viên vững tin hơn với lựa chọn của mình.

PGS Lê Hiếu Học - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ, đối với sinh viên, trình độ kiến thức là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ngoài kiến thức, các em cần phải nâng cao kĩ năng sống của bản thân, kỹ năng thực tế. Đây là điều kiện cần nhưng lại đang rất thiếu đối với sinh viên hiện nay. Thông qua hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp giúp các em sinh viên tiếp thu các kỹ năng, một bước đệm tốt để có hành trang tốt hơn khi ra trường, có cơ hội được làm việc và phát triển trong thị trường lao động đầy cạnh tranh như hiện nay.

HÀN MINH

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ