A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thi đánh giá năng lực: Nỗi lo lộ đề thi

08:33 | 28/04/2023

Bên cạnh việc nở rộ các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại về việc lộ đề thi từ sự giống nhau của một số câu hỏi giữa các lần thi. Điều này sẽ tạo sự bất công giữa các thí sinh.

Thí sinh làm thủ tục dự thi Đánh giá năng lực đợt 3 tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ngày 9/4 Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đề thi trên mạng “na ná” đề thi thật

Ngày 26/4, hình ảnh chụp phần tin nhắn chứa đề thi phần Ngữ văn - Ngôn ngữ trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó có 2 ngữ liệu Văn học cùng 6 câu hỏi liên quan. Người đăng bài chia sẻ lo ngại liệu có xảy ra gian lận hay không, khi đề thi đánh giá năng lực các đợt gần như giống nhau?

Theo bài đăng, với phần Ngữ văn, ngữ liệu đề thi đợt sau y hệt đợt trước, chỉ thay đổi một vài câu hỏi. Sau đó, một số thí sinh cũng xác nhận đã tham gia 2 đợt thi và các ngữ liệu văn học trong bài thi, có khác nhau về câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, lặp ngữ liệu không có nghĩa là các câu hỏi giống nhau. Một tác phẩm văn học là ngữ cảnh, chất liệu xây dựng câu hỏi nên câu hỏi cho mỗi ngữ cảnh sẽ khác nhau, từ tu từ, hình thức, cảm xúc.

Về độ lặp lại của các câu hỏi, ông Thảo cho biết tỷ lệ lặp lại dưới 0,5%. Với hơn 43.700 thí sinh dự thi trong 4 vòng, xác suất tuyệt đối để có câu hỏi trùng nhau “là cực thấp”. Với những câu hỏi được một số nhóm luyện thi nêu, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xác minh và rút khỏi ngân hàng câu hỏi nếu nội dung giống nhau đến hơn 50%.

Trước đó, ngày 26/3 trên mạng xã hội lan truyền nội dung đáp án của toàn bộ 120 câu hỏi chính thức của đợt thi 1 năm 2023 của ĐH Quốc gia TPHCM. Theo các hình ảnh lan truyền, đề thi dài 16 trang với 120 câu hỏi trắc nghiệm. Mã đề được giải đáp án là số 501. Đặc biệt, nội dung đáp án được giải và đóng dấu logo của một Hệ thống giáo dục ở từng câu trả lời. Được biết, đây là đơn vị chuyên tổ chức các khóa luyện thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM cũng như ĐH Quốc gia Hà Nội.

Ngay sau khi đăng tải trên các group hội nhóm về kỳ thi đánh giá năng lực, nội dung này lập tức được lan truyền nhanh chóng, thu hút nhiều sự quan tâm, bày tỏ bức xúc của các thí sinh và cả giáo viên. Nhiều em cho rằng, các câu hỏi trong bài đáp án này đúng với nội dung những câu mà các em đã thi trong đợt 1 vừa qua. Đáng nói, theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM, sau khi làm bài trong 120 phút, thí sinh phải nộp lại tất cả các giấy tờ liên quan, gồm phiếu trả lời trắc nghiệm, đề thi và cả giấy nháp. Và ĐH Quốc gia TPHCM cũng sẽ không công bố đề đã thi và đáp án liên quan.

Không công bằng với thí sinh

Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực, từ ngày 10/3 đến ngày 4/6, dự kiến phục vụ 86.000 thí sinh. Hiện có 74 trường đại học, học viện sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Nhiều trường đã công bố điểm sàn đối với phương thức xét tuyển bằng đánh giá năng lực, đa số vào khoảng 75-85 điểm.

Tuy nhiên, với những sự cố đã xảy ra trong thực tế như trên, nhiều phụ huynh và thí sinh bức xúc cho rằng sẽ là không công bằng với những thí sinh được luyện thi và trúng tủ. Thậm chí, những thí sinh thi 2 lần với đề thi “na ná” nhau cũng sẽ có nhiều lợi thế hơn so với những thí sinh chỉ có điều kiện thi một lần.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM, năm nào cũng có những người đi thi chỉ để lấy thông tin về đề thi chứ không phải thi để mục đích lấy kết quả điểm thi. Thực tế, đã ghi nhận trường hợp các trung tâm luyện thi cử thí sinh đi thi với mục đích để mỗi em nhớ được một vài câu hỏi, sau đó về chắp nối và giải thành bài hoàn chỉnh.

Như vậy, với những thí sinh đăng ký luyện thi tại các trung tâm này, khả năng “trúng tủ” là có thật. Về phía đơn vị tổ chức, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyến cáo thí sinh nên cảnh giác với những lời mời chào của các trung tâm luyện thi. Ông Thảo cho biết một số nhóm lập tài khoản ảo để lôi kéo thí sinh, giả danh người đạt điểm cao, làm học viên của trung tâm để tăng uy tín. Thậm chí, trong vai thí sinh, nhiều người nói thi trúng vào một số câu hỏi nhưng “thực tế ngân hàng câu không có những câu này”.

Cô giáo Nguyễn Mai Hương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, không riêng các kỳ thi đánh giá năng lực mà thi tốt nghiệp THPT hàng năm cũng rộ lên tin đồn lộ đề môn Ngữ văn. Lý do là vì đề thi chỉ xoay quanh một số tác phẩm Ngữ văn thuộc chương trình lớp 12 nên trùng lặp là điều khó tránh. Dù câu hỏi có thay đổi nhưng nhìn chung một số học sinh vẫn mang tâm lý học tủ, ôn tủ. Điều này tạo điều kiện cho một số trung tâm luyện thi lợi dụng để câu kéo thí sinh.

“Để chấm dứt tình trạng này, việc mở rộng ngữ liệu văn học, không chỉ trong chương trình lớp 12 mà có thể toàn bộ chương trình học từ lớp 1 đến lớp 12 và sau này là ngữ liệu bất kỳ được chọn lọc sẽ tránh được việc học tủ, văn mẫu. Điều này cũng phù hợp với chủ trương đổi mới giảng dạy ngữ văn trong nhà trường phổ thông mà ngành giáo dục đang quyết liệt thực hiện” - cô Hương bày tỏ.

GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cần xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ đề thi, cố tình vi phạm quy chế thi, không chỉ là hủy kết quả thi mà cần có các hình thức xử lý nặng hơn để mang tính răn đe.

THU HƯƠNG

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ