A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Rộng cửa việc làm nhưng vẫn vắng thí sinh

09:14 | 13/07/2023

Nhiều năm qua các ngành như chế biến lâm sản, thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, kinh doanh nông nghiệp, cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm...dù có nhu cầu lao động rất lớn nhưng các thí sinh lại thờ ơ.

Không chỉ ở các trường top cuối mà ngay cả những trường top đầu, bên cạnh những ngành hot cũng có những ngành khó tuyển sinh. Lý do là vì thí sinh thiếu thông tin, gia đình nghi ngại về cơ hội việc làm sau khi ra trường…

Tại trường Đại học Mỏ - Địa chất, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học và Kỹ thuật Hóa học trong vài năm gần đây số lượng sinh viên đầu vào có sự sụt giảm nhẹ. Có những thời điểm 2 ngành này có số lượng tuyển sinh lên đến hơn 200 sinh viên thì năm nay, trong đề án tuyển sinh của trường, chỉ tiêu đầu vào đối với cả 2 ngành tổng là 90 sinh viên.

Trong khi đó, có rất nhiều nhà máy, viện nghiên cứu, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sinh viên theo học ngành kỹ thuật hóa học để phục vụ các khâu sản xuất, thiết kế, quản lý dây chuyền,.. Nhà trường thông tin có nhiều doanh nghiệp tới trường để tuyển dụng kỹ sư ngành Kỹ thuật Hóa học vào làm việc, với mức lương khởi điểm 15-20 triệu đồng/tháng mà trường không đủ sinh viên để đáp ứng.

Tương tự, trong Ngày hội việc làm của trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên tổ chức cuối tháng 6/2023, có 42 công ty tham gia tuyển dụng với hơn 2.500 chỉ tiêu cho ngành Chăn nuôi và Thú y, nhưng chỉ có hơn 200 sinh viên dự kiến tốt nghiệp. Cung không đủ cầu là thực tế diễn ra với ngành học này không chỉ ở cơ sở đào tạo này mà là nỗi niềm chung của nhiều đơn vị khác.

Không chỉ trong nước, cơ hội cho nhân sự ngành Chăn nuôi, Thú y ở các quốc gia như Úc, Đan Mạch, Israel, Nhật Bản… cũng rất lớn với mức thu nhập hấp dẫn (40-60 triệu đồng/tháng) nhưng thực tế vẫn không nhiều người học. Thống kê của trường Đại học Nông lâm cho thấy số lượng sinh viên theo học lĩnh vực nông nghiệp trong nhiều năm giảm tới 70% so với giai đoạn năm 2020 trở về trước. Thậm chí có ngành chỉ có vài sinh viên, có ngành không có sinh viên đăng ký học dù nhu cầu tuyển dụng của các công ty doanh nghiệp lại đang rất cao.

Một trong nhiều lý do được các chuyên gia phân tích là do người học chưa cập nhật thông tin đầy đủ về các ngành học hiện nay, vẫn còn tâm lý chạy theo ngành “hot”… Trong khi đó, theo Viện Khoa học lao động và xã hội, trong tương lai những ngành dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển nhanh như: dịch vụ bán lẻ, dịch vụ về tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, bảo hiểm, địa ốc... Bên cạnh đó, những ngành có lợi thế của Việt Nam như điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành... cũng sẽ tiếp tục phát triển. Ngược lại, những ngành đang sử dụng nhiều lao động như xuất khẩu có khả năng sẽ chững lại do khủng hoảng kinh tế và một số yếu tố khác như phải tăng khả năng cạnh tranh về lao động rẻ, chi phí thấp…

Vì vậy, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TPHCM cho rằng người học không nên chạy theo các ngành hot mà cần nghiên cứu kỹ về cơ hội việc làm, sự phù hợp của bản thân với ngành nghề định lựa chọn. “Kinh nghiệm chọn ngành, chọn nghề cho thấy những ngành có phạm vi đào tạo rộng sẽ giúp người lao động dễ có việc làm, còn những ngành phạm vi đào tạo hẹp hoặc chuyên biệt đặc thù sẽ khó xin việc.Thí sinh nên chọn những ngành đào tạo liên thông, phạm vi đào tạo rộng mang tính chất đa ngành, liên ngành sẽ có cơ hội việc làm cao hơn” – TS Trần Đình Lý chia sẻ.

LÂM AN

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/rong-cua-viec-lam-nhung-van-vang-thi-sinh-5722963.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ