A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sức hút ngành học mới

10:07 | 17/07/2023

Mùa tuyển sinh 2023 ghi nhận có nhiều ngành học mới mở ra nhằm đáp ứng xu thế phát triển của xã hội. Mặc dù là những ngành có triển vọng trong tương lai, tuy nhiên không phải thí sinh nào cũng phù hợp để lựa chọn theo học.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Ngành học mới “hút” thí sinh

Nhằm bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, các trường đại học hiện nay mở ra nhiều ngành học mới, thậm chí chưa từng có tiền lệ trước đó.

Đơn cử tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), ở phương thức xét học bạ THPT tổng số hồ sơ khoảng trên 6 nghìn với 14 nghìn nguyên vọng thì nhóm ngành mới như Quản trị, Marketing, Truyền thông và Ngôn ngữ chiếm tỷ lệ trên 60%.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thông tin, số lượng hồ sơ và nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển ở nhóm ngành mới có sự tăng trưởng nhưng không quá đột biến. Cụ thể, các nhóm ngành như Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, số lượng nộp khoảng 250 bộ/ngành. Với những ngành “hot” thuộc về thế mạnh của trường như Công nghệ thực phẩm, Kế toán, Kinh doanh quốc tế… mỗi ngành nhận được từ 250 - 300 nguyện vọng.

Còn tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với những ngành mới mở như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học và cũng thu hút được sự quan tâm của thí sinh so với những ngành học truyền thống vốn là thế mạnh của trường những năm qua.

Với những ngành mới mở tại nhiều trường, nhóm ngành AI, Logistics và chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử nhận được sự quan tâm lớn của thí sinh. Điểm chuẩn dù ở phương thức xét tuyển bằng học bạ hay xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các phương thức xét tuyển kết hợp khác cũng đều cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dự báo điểm chuẩn của phương án xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp sẽ không có nhiều biến động so với các năm, kể cả ở những ngành “hot” nhận được sự quan tâm lớn của thí sinh. Lý do vì điểm chuẩn của những ngành này năm trước đã rất cao trong khi đề thi năm nay phân hóa tốt hơn.

TS. Lê Đình Nam - Phó Trưởng phòng tuyển sinh (Đại học Bách khoa Hà Nội) thông tin, tại Đại học Bách khoa, nhóm ngành Công nghệ thông tin, điểm chuẩn năm nay có khả năng tăng nhẹ. Nhóm ngành tự động hóa, cơ điện tử và toán tin điểm chuẩn có thể giữ nguyên hoặc không thay đổi đáng kể. Đa phần các ngành còn lại dự báo điểm chuẩn có thể giảm.

Không chạy theo ngành “hot”

Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng thí sinh tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 giảm gần 20% so với năm 2021 và giảm 3,4% so với năm 2020. Mặc dù năm 2023 thí sinh chưa thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống song theo nhiều chuyên gia tuyển sinh dự báo, số lượng thí sinh lựa chọn học đại học tiếp tục có xu hướng giảm.

Xu hướng lựa chọn học các trường cao đẳng, trung cấp được nhiều thí sinh và gia đình quan tâm những năm gần đây do nhận thức về giáo dục nghề nghiệp đang dần thay đổi.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, khi tư vấn tuyển sinh, ông luôn khuyên những em nào tài năng thì hãy học đại học. Còn nếu đi học đại học chỉ vì theo nguyện vọng của bố mẹ, với nhận thức là miễn sao có cái bằng đại học nên dừng lại ước mơ này.

Với quan điểm nhìn nhận mỗi người đều có thế mạnh riêng, ông Ngọc cho rằng, những học sinh có học lực văn hoá ở bậc THPT chưa chắc giỏi, nhưng học nghề ở bậc cao đẳng hoàn toàn có thể giỏi về lĩnh vực nghề nghiệp. Bởi dù ở bậc học nào, đầu tiên là phải phù hợp với năng lực của bản thân, phù hợp với sở trường, nhu cầu, mục tiêu cũng như đam mê của mình.

“Ngày nay học nghề không phải là "chân lấm, tay bùn". Với đặc thù dạy thực hành là chính, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội và một số trường cao đẳng khác có những phòng học không thua kém gì các trường quốc tế, nhiều trường đại học lớn với các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ cao” - ông Ngọc cho biết.

Cũng không phải cứ điểm cao thì chọn ngành “hot”, trường top trên mà quan trọng là sự phù hợp, yêu thích của thí sinh với ngành nghề đăng ký. Ngay cả với những ngành nghề thí sinh thực sự yêu thích cũng cần tìm hiểu thật kỹ. Với niềm yêu thích công việc thì mọi khó khăn cũng trở nên dễ dàng nhưng nếu chọn đại, chọn theo số đông hay chọn theo định hướng của bố mẹ mà không thực sự hiểu về ngành nghề đó thì sẽ rất có thể vỡ mộng khi vào học hoặc khi ra trường. Hàng năm, các trường đại học đều ghi nhận những trường hợp bỏ học giữa chừng vì phát hiện mình không phù hợp với ngành học.

Dẫu vậy, ThS Nguyễn Thái Châu - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng đưa ra lời khuyên dành cho những thí sinh chưa thực sự biết mình phải làm gì, thích gì. “Không phải ai cũng có thể sớm tìm được sở thích của mình đối với ngành nghề nào. Do đó, các bạn trẻ cũng đừng nên quá lo lắng nếu 18 tuổi vẫn chưa hiểu rõ mình thích làm gì. Hãy tự tìm hiểu thông tin về tất cả các ngành mà bạn biết và thử làm một công việc nào đó có liên quan xem mình có cảm thấy thích không. Hãy trải nghiệm và khám phá bản thân” - ThS Nguyễn Thái Châu chia sẻ.

THU HƯƠNG

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/suc-hut-nganh-hoc-moi-5723292.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ