A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Số người chọn học nghề ngày càng tăng

08:29 | 16/09/2023

Năm nay có khoảng 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Ngoài hướng đi du học và trực tiếp ra làm việc, nhiều thí sinh chọn học các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp nghề.

Tân sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh làm thủ tục nhập học năm học 2023-2024.

Rộng cửa trường nghề

Thời điểm này, ghi nhận tại nhiều trường CĐ, trung cấp nghề trên khắp cả nước, hiện đang là đợt cao điểm tuyển sinh.

Thông tin từ Trường CĐ Quảng Nam, năm học 2023-2024, trường dự kiến tuyển sinh trên 2.000 học sinh, sinh viên. PGS.TS Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết hiện các ngành đào tạo nghề đang tuyển sinh tốt thời điểm này gồm: Chăn nuôi thú y; Cơ khí; Điện… Lý do là vì cơ hội việc làm sau khi ra trường cao, thu nhập tốt trong khi đào tạo nghề miễn phí nên nhiều gia đình sau khi tìm hiểu cặn kẽ đã yên tâm gửi gắm con cho nhà trường đào tạo.

Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương I năm học 2023-2024 chào đón 536 tân học sinh, sinh viên nhập học trình độ CĐ và trung cấp. Nhà trường đã và đang đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo học đi đôi với hành, thúc đẩy đầu ra sau khi sinh viên tốt nghiệp. Như năm vừa qua đã có gần 50 doanh nghiệp đến trực tiếp hoặc thông báo tuyển dụng học viên tốt nghiệp của nhà trường. Qua khảo sát, hầu hết sinh viên đều có việc làm ngay sau ra trường với mức lương khởi điểm từ 5,5 - 8 triệu đồng/ tháng.

Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã tuyển được hơn 150.000 học viên, đạt hơn 50% kế hoạch. Tại Hà Nội, thời điểm này nhiều trường nghề cũng tuyển sinh vượt chỉ tiêu đặt ra. Trước đó, năm 2022 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho hay, có 2,45 triệu người học nghề trong năm 2022, cao nhất 5 năm qua.

Đào tạo theo nhu cầu thị trường

Đại diện Trường CĐ Công thương Việt Nam cho biết, trừ 3 ngành: Dịch vụ pháp lý doanh nghiệp; Dịch vụ pháp lý đất đai; Dịch vụ pháp lý về tố tụng là 3 ngành trường chưa tuyển sinh được, còn 31 ngành học đã và đang chào đón hàng trăm tân sinh viên trong số 1.000 chỉ tiêu cho năm học này. Một trong những lý do nhà trường thu hút học viên đó là ngay từ khi nhập học, nhà trường cam kết bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện trường đang liên kết với hơn 200 doanh nghiệp. Dựa vào vị trí việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp, trường lựa chọn sinh viên đến thực tập trong thời gian đào tạo, lương khoảng 4 - 7 triệu đồng/ tháng.

Những năm gần đây vấn đề hợp tác đào tạo giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp đang được đánh giá là một hướng đi mang lại hiệu quả cao cho công tác đào tạo nghề. Việc gắn kết doanh nghiệp hợp tác với cơ sở GDNN là một yếu tố có tính quyết định đến chất lượng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Theo lãnh đạo Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB&XH), xu thế hiện nay, các trường đào tạo nghề dành đến 70% thời gian đào tạo thực hành, rất thực tế. Trong quá trình đào tạo, nhà trường mời các doanh nghiệp đến trao đổi, chia sẻ với học sinh, sinh viên. Khi các em ra trường, cơ hội tìm việc làm đúng chuyên ngành, thu nhập tốt sẽ thuận lợi hơn nhiều so với đào tạo theo những gì nhà trường có.

Về phía doanh nghiệp, theo đánh giá của nhiều đơn vị, những năm gần đây kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề của người học sau tốt nghiệp trường nghề ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Xu hướng lựa chọn học nghề

Theo Tổng cục GDNN, lợi thế của GDNN là số lượng ngành, nghề lớn. Hiện bậc trung cấp có khoảng 800 ngành, nghề, CĐ có 400 ngành nghề, chưa tính trình độ sơ cấp và các khóa học ngắn hạn, lấy chứng chỉ. Người học có nhiều cơ hội lựa chọn các trình độ phù hợp để nâng cao kiến thức, kỹ năng trước, trong và sau khi gia nhập thị trường lao động.

Những ngành nghề được đông đảo người học lựa chọn - theo Sở LĐTB&XH TPHCM thống kê có sự thay đổi so với thời gian trước. Cụ thể, số học viên chọn 9 ngành dịch vụ chủ yếu là: Thương mại; Vận tải kho bãi; Du lịch; Bưu chính, Viễn thông và thông tin truyền thông; Tài chính, Tín dụng, Ngân hàng, Bảo hiểm; Kinh doanh bất động sản; Dịch vụ thông tin tư vấn - Khoa học công nghệ; Giáo dục đào tạo; Y tế giảm dần, từ hơn 73% của năm 2020 xuống còn hơn 49% vào năm 2022.

Ngược lại, 4 ngành công nghiệp trọng điểm gồm: Cơ khí; Điện tử - Công nghệ thông tin; Chế biến tinh lương thực thực phẩm; Hóa dược - Cao su thu hút người học, chiếm tỷ lệ hơn 41% trong năm 2021 và 2022.

ThS Nguyễn Văn Chương - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ giới và Thủy lợi (Đồng Nai) cho biết, đến thời điểm hiện tại trường đã tuyển được trên 1.800 thí sinh, trong đó, 60% chỉ tiêu dành cho hệ tốt nghiệp THCS và 40% là học sinh tốt nghiệp THPT. Các ngành được nhiều thí sinh lựa chọn bao gồm: Điện; Kinh tế; May mặc; Logistics; Công nghệ thông tin...

Như vậy, có thể thấy xu hướng lựa chọn ngành học đã có thay đổi theo sự dịch chuyển của thị trường lao động. Các nhà trường cũng nhanh chóng thay đổi để bám sát với yêu cầu đặt ra từ chính doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cho thấy một tín hiệu tốt trong đào tạo nguồn nhân lực chắc tay nghề cho tương lai.

Gỡ khó học văn hóa trong trường nghề

Ông Phạm Vũ Quốc Bình.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB&XH) chỉ ra một trong những khó khăn hiện nay đối với việc hướng nghiệp, phân luồng và thu hút học sinh vào học nghề, nhất là với đối tượng tốt nghiệp THCS vào học GDNN liên quan đến việc dạy văn hóa trong trường nghề. Ông Bình bày tỏ mong muốn các cơ sở GDNN đáp ứng các điều kiện đảm bảo giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT thì được tổ chức giảng dạy các môn văn hóa này tại trường, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh không phải đi xuống Trung tâm GDTX để học, đảm bảo lợi ích của học sinh cả về mặt an toàn đi lại, sức khỏe và kinh tế.

Đại diện Tổng cục GDNN đề nghị Bộ GDĐT sớm có hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông khi cho phép các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo Chương trình GDTX cấp THPT tại trường. Bên cạnh đó, phân cấp cho các Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các Sở LĐTB&XH ở địa phương thẩm định hồ sơ của các trường đảm bảo giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT theo quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT. Cùng với đó là hướng dẫn về kinh phí tổ chức Chương trình GDTX cấp THPT và cấp THCS đối với các cơ sở GDNN.

THU HƯƠNG

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ