A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Nên điều chỉnh thế nào với môn tích hợp ở bậc THCS?

10:51 | 05/10/2023

Câu chuyện các môn học Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Giáo dục địa phương được sách giáo khoa tích hợp nhưng trong sách lại chia rõ từng phần, giáo viên thì phần của ai nấy dạy đang làm “nóng” các diễn đàn giáo dục.

Câu chuyện này khiến tôi nghĩ đến môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở trường đại học – môn học bắt buộc thuộc khối kiến thức lý luận chính trị (LLCT) dành cho sinh viên của tất cả các chuyên ngành đào tạo.

Xin phép không dùng từ “tích hợp” mà chỉ dùng từ “gộp” để nói về môn học sau hơn 10 năm thực hiện “gộp” thì lại được tách như cũ.

Tiết học môn tích hợp của học sinh lớp 9 Trường THCS Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh minh họa: Gia Huy

Những ai tốt nghiệp đại học trước năm 2008 hẳn còn nhớ 5 môn kiến thức LLCT là: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh. 5 môn học riêng lẻ tương ứng với 5 quyển sách giáo trình và 5 điểm học phần. Tuy nhiên, đến năm học 2008 - 2009, một sự thay đổi lớn đã diễn ra: Bộ GD-ĐT quyết định các môn LLCT được tổ chức giảng dạy cho đối tượng là sinh viên không chuyên về LLCT bao gồm: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin (5 tín chỉ); Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (3 tín chỉ); Tư tưởng Hồ Chí Minh (2 tín chỉ).

Theo đó, môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin gồm 3 phần: Phần thứ nhất bao quát những nội dung cơ bản về thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; phần thứ hai trình bày ba nội dung trọng tâm thuộc học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; phần thứ ba khái quát những nội dung cơ bản thuộc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội và khái quát chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng. Như vậy, có thể hiểu môn học: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là gộp từ 3 môn đơn lẻ là Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học.

Lúc đó các giáo viên vốn trước đây dạy một trong ba môn đơn lẻ được tập huấn trong 1 tháng, cấp chứng chỉ và đủ điều kiện lên lớp môn “gộp”. Có trường đại học mạnh dạn thực hiện một giáo viên dạy hết môn gộp song cũng có trường thì vẫn phần ai nấy dạy, sách giáo trình gộp nhưng con người thì "không gộp", “hồn ai nấy giữ”. Sau 10 năm, đến năm học 2019 - 2020, môn học này được “trả lại tên cho em”, tách trở lại thành 3 môn đơn như cũ: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học.

Bài học từ chuyện nhập vào rồi lại tách ra nói trên rất đáng để suy ngẫm cho việc dạy tích hợp ở bậc THCS hiện nay.

Qua 2 năm thực hiện dạy tích hợp ở bậc THCS, nhiều giáo viên nhận thấy lẽ ra nội dung sách giáo khoa phải trình bày theo đúng tinh thần tích hợp nhưng thực tế lại chưa có phần kiến thức nào thực sự tích hợp giữa các phân môn với nhau. Mặc dù sách giáo khoa trình bày theo các chủ đề, nhưng cơ bản vẫn riêng rẽ. Giáo viên được đào tạo đơn môn và sách giáo khoa cũng trình bày theo kiểu đơn môn nhưng lại dạy tích hợp.

Lắng nghe tất cả những ý kiến phản hồi từ thực tế triển khai dạy tích hợp, ngày 15/8/2023, trong sự kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ giáo viên trên cả nước (hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến), Bộ trưởng đã trao đổi khả năng cao sẽ có điều chỉnh chương trình ở các môn tổ hợp. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ cụ thể điều chỉnh như thế nào? Năm học mới đã bắt đầu, liệu thay đổi ngay có ổn không, có thể làm được không? Việc viết lại chương trình, sách giáo khoa để thực sự là "tích hợp" hoặc làm lại chương trình, sách giáo khoa theo từng đơn môn không dễ thực hiện trong ngày một, ngày hai.

Thiết nghĩ, về lâu dài, nếu có thể sửa chương trình, sách giáo khoa để thực sự đạt được mục tiêu như đề ra thì đó là phương án tối ưu, phù hợp với xu thế như nhiều quốc gia tiến bộ. Nhưng với thực tế hiện nay, trước mắt nên tách ra theo đơn môn để giải quyết các khó khăn trong việc thực hiện, đảm bảo chất lượng tối thiểu.

Bình An

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/giao-duc/202310/nen-dieu-chinh-the-nao-voi-mon-tich-hop-o-bac-thcs-d261d3c/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ