A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗi lo tai nạn giao thông học đường (kỳ 3)

08:49 | 14/12/2023

Kỳ cuối: Cần siết chặt pháp luật giao thông

Tai nạn giao thông (TNGT) ở lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh đang là vấn đề đáng báo động. Để phòng ngừa và hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, ngoài việc nâng cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm, đòi hỏi phải siết chặt pháp luật giao thông.

Vẫn còn những “khoảng trống” pháp lý

Hiện nay, quy định hiện hành không bắt buộc nhóm đối tượng sử dụng phương tiện là xe máy điện, xe gắn máy phải học Luật Giao thông đường bộ hoặc phải có chứng chỉ điều khiển mà chỉ cần các em đủ 16 tuổi trở lên; đối với xe đạp điện thì lại không quy định độ tuổi được phép lái. Trong khi đó, chương trình đào tạo kiến thức về an toàn giao thông ở các cấp học cũng chưa được đưa vào chính khóa, chủ yếu là hoạt động lồng ghép qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, hoạt động trải nghiệm. Vì thế, hầu hết các em đều thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, thiếu kỹ năng xử lý các tình huống khi lưu thông, chưa nắm rõ các quy định...

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bùi Văn Ngọc trao mũ bảo hiểm cho học sinh huyện Buôn Đôn nhân dịp khai giảng năm học mới. Ảnh: Hoàng Hồng

Một thực trạng nữa là việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình – lực lượng chức năng để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa hiệu quả, dẫn đến khi học sinh ra khỏi nhà thì gia đình xem là việc của xã hội, nhà trường; khi học sinh ra khỏi trường thì nhà trường xem là việc của xã hội, gia đình. Trong khi đó, việc xử phạt của lực lượng chức năng cũng chưa mạnh tay, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính chiếm tỷ lệ rất ít.

 

“Các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, xem xét đưa nội dung ATGT cho học sinh trở thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành cuối năm của các trường; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát đột xuất, thực chất để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong bảo đảm ATGT cho học sinh…” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Có thể nói, bên cạnh ý thức của học sinh và gia đình thì chính những "khoảng trống" về pháp luật đã dẫn đến thực tế số vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy có chiều hướng tăng cao và diễn biến phức tạp. Do đó, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng, nhận thức cho học sinh, phụ huynh thì việc hoàn thiện, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật cũng cần được quan tâm để phòng ngừa, hạn chế những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra.

Thí điểm sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho học sinh: Tại sao không?

Trước thực trạng trên, đã có nhiều ý kiến đề xuất cơ quan chức năng cần nghiên cứu việc bổ sung quy định về việc bắt buộc học luật đối với người điều khiển các phương tiện xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện.

Mới đây, tại Hội nghị chuyên đề về an toàn giao thông đối với học sinh, nhiều bộ, ngành và địa phương đã kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc học luật đối với người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy nhằm trang bị kiến thức về giao thông và kỹ năng lái xe cho học sinh, phòng ngừa và ngăn chặn TNGT liên quan đến đối tượng này. Một số ý kiến còn mạnh dạn đề xuất phương án thí điểm việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho học sinh. Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Khuất Việt Hùng cũng thẳng thắn nêu quan điểm và xin ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ để Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với một số bộ, ngành thí điểm tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ ATGT đối với học sinh cuối cấp 2 và cấp 3. Sau đó sẽ đánh giá kết quả thực hiện và rút kinh nghiệm.

Nhân viên đại lý xe máy hướng dẫn học sinh tỉnh Đắk Lắk cách đội mũ bảo hiểm đúng quy cách. Ảnh: Hoàng Hồng

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Ngọc đánh giá, khu vực trường học là khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông và xảy ra va chạm, TNGT. Thực tế giao thông khu vực trường học có một số đặc thù cơ bản như: ngoài việc phụ huynh đưa đón học sinh bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô, thì nhiều em học sinh tự đi đến trường bằng phương tiện xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy. Việc sử dụng chung làn đường giữa phương tiện cơ giới và phương tiện thô sơ, sự khác biệt về tốc độ giữa các nhóm phương tiện cơ giới và phương tiện thô sơ cũng tiềm ẩn rủi ro TNGT, ùn tắc giao thông. Là địa phương có số lượng trường học và học sinh khá lớn, tỉnh Đắk Lắk có khoảng hơn 1.000 trường học từ mầm non đến phổ thông, với gần 495.000 học sinh. Do vậy, nhiều mô hình “Cổng trường ATGT” đã và đang được các cấp, ngành, địa phương và lực lượng chức năng phối hợp thực hiện, góp phần bảo đảm trật tự ATGT khu vực trường học.

Trước thực trạng TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn biến phức tạp, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cũng đề xuất giải pháp lắp đặt hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm về trật tự ATGT khu vực trường học để nâng cao ý thức chấp hành quy định về trật tự ATGT của phụ huynh và học sinh. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy, đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, văn hóa giao thông vào trong chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ mầm non đến giáo dục phổ thông theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025. Bên cạnh đó, nhà trường phải triển khai ký cam kết với các phụ huynh của học sinh về việc không giao xe cho các em học sinh khi chưa đủ độ tuổi để điều khiển xe, chưa có giấy phép lái xe…

Hoàng Tuyết – Thúy Hồng

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/phap-luat/an-toan-giao-thong/202312/noi-lo-tai-nan-giao-thong-hoc-duong-ky-3-44b24d4/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ