A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển Trường Đại học Tây Nguyên thành Đại học vùng

16:32 | 20/05/2024

Sáng 20/5, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) do đồng chí Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên về xây dựng Trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP. Buôn Ma Thuột.

Đến dự cùng Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, cùng đại diện các đơn vị hữu quan.

Trường Đại học Tây Nguyên được thành lập năm 1977. Hiện nay trường có 28 đơn vị thuộc và trực thuộc, đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao trình độ. Trường đang đào tạo 37 ngành đại học, 12 ngành cao học và bác sĩ chuyên khoa I; 5 ngành tiến sĩ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại buổi làm việc

Từ nay đến năm 2030, Trường Đại học Tây Nguyên sẽ sắp xếp, chuẩn bị các điều kiện để thành lập trường trong trường, tiến đến thành lập Đại học vùng. Cụ thể là thành lập Trường tiểu học, THCS và THPT thực hành Cao Nguyên trên cơ sở Trường THPT Thực hành Cao Nguyên; thành lập các Trường đại học Y Dược, Nông nghiệp, Sư phạm, Kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, trong đó có trên 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ; tăng quy mô đào tạo ngành trọng điểm (sư phạm, y khoa, kinh tế, chăn nuôi thú y); mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác trong và ngoài nước; kiện toàn cơ sở vật chất…

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Đến năm 2045, Trường Đại học Tây Nguyên phấn đấu phát triển thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề mũi nhọn của Tây Nguyên và các nước khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trình bày, thảo luận, góp ý về các nội dung liên quan để phát triển Trường Đại học Tây Nguyên thành Đại học vùng. Theo đó, giải pháp xây dựng Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường đại học Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) phù hợp với chủ trương phát triển của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, Trường Đại học Tây Nguyên cần xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển Trường Đại học Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó lưu ý đến vai trò, vị trí của trường trong hệ thống giáo dục cả nước và giáo dục vùng Tây Nguyên; chú ý đến đặc thù về dân số và nhu cầu về nguồn nhân lực; lợi thế của trường…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị Trường Đại học Tây Nguyên cần phải rà soát, tính toán kỹ lưỡng từ đất đai, cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư và thu hút nguồn nhân lực đến nhu cầu đào tạo chất lượng cao ... Nếu đào tạo chất lượng cao tại Trường Đại học Tây Nguyên với chi phí tốt thì việc tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người dân sẽ tăng lên như thế nào. Các chương trình, nội dung đào tạo cũng phải được tính toán dài hơi nhằm bảo đảm mục tiêu tăng tỷ lệ đầu vào đại học đối với người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên…

Thanh Hường

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202405/phat-trien-truong-dai-hoc-tay-nguyen-thanh-dai-hoc-vung-bf012cb/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ