Tín chỉ carbon là gì?
Theo Luật Bảo vệ môi trường, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí CO2 tương đương.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính để đạt được thỏa thuận chung tại Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận quốc tế khác về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải. Tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là chứng chỉ giảm phát thải/tăng hấp thụ khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính được quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính khác nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi tín chỉ carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại. Ảnh: Ngọc Diệp.
Đối với Việt Nam hiện nay, việc xây dựng và phát triển thị trường này được đánh giá là xu thế tất yếu và là công cụ kinh tế quan trọng góp phần thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua thị trường carbon sẽ tạo thêm dòng tài chính mới, là tiền đề, động lực và phương tiện để các ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tham gia hiệu quả vào các thị trường thế giới.
Thị trường tín chỉ carbon hoạt động như thế nào?
Thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức giao dịch, mua bán, trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ CO2.
Thị trường tín chỉ carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997.
Có hai loại thị trường carbon chính. Một là thị trường carbon nội địa (thị trường bắt buộc): Là thị trường mà các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia mua bán, trao đổi, bù trừ hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon theo quy định của quốc gia/vùng lãnh thổ.
Hai là, thị trường carbon quốc tế tự nguyện: Là thị trường mà các cá nhân, tổ chức, quốc gia tham gia mua bán, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon một cách tự nguyện. Việc vận hành thị trường carbon tự nguyện dựa trên các cơ chế và tiêu chuẩn carbon do bên mua quyết định. Dự báo, thị trường carbon tự nguyện sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi các quốc gia cần phải tuân thủ Thỏa thuận Paris, là cơ hội thúc đẩy các hoạt động kinh tế hướng tới các thông lệ bền vững hơn chẳng hạn như trồng cây mang nhiều giá trị hơn chặt phá rừng.
Lợi ích của thị trường tín chỉ carbon
Trong thời đại môi trường ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon được coi là giải pháp hữu hiệu không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn với lợi ích chung của cả xã hội và toàn thế giới với nhiều lợi ích như: Giúp thúc đẩy phát triển bền vững, tạo ra nguồn thu nhập mới từ các hoạt động giảm phát thải, góp phần lớn trong quá trình giảm thải khí nhà kính và tạo điều kiện tham gia hợp tác quốc tế trong cam kết chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tín chỉ carbon được sử dụng trong chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp giảm phát thải khí ra môi trường. Yếu tố kiếm thêm lợi nhuận từ hoạt động bán tín chỉ/hạn ngạch giúp các doanh nghiệp có động lực thực hiện bảo vệ bầu khí quyển.
Sử dụng tín chỉ carbon giúp tạo dựng hình ảnh, chuyên nghiệp, bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp và tạo ra sự thu hút cũng như nhận lại được những đánh giá cao từ xã hội bởi xu hướng xanh đang diễn ra hiện nay.
Tiềm năng tín chỉ carbon rừng
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tín chỉ carbon rừng là một loại tín chỉ carbon được tạo ra từ thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp. Hiện nay, tín chỉ carbon rừng của Việt Nam đang được giao dịch thí điểm trên thị trường tự nguyện.
Việt Nam hiện có trên 14,86 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ 42,02%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10,1 triệu ha, rừng trồng hơn 4,7 triệu ha. Rừng là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon nên lĩnh vực lâm nghiệp đang phát thải ròng âm (hấp thụ nhiều hơn phát thải nhiều lần), do đó tiềm năng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, thương mại tín chỉ carbon của rừng là rất lớn.
Hiện nay, tín chỉ carbon rừng của Việt Nam đang được giao dịch thí điểm trên thị trường tự nguyện. Ảnh: Ngọc Diệp.
Việc tạo ra tín chỉ carbon cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn cụ thể theo yêu cầu của thị trường carbon và được bên thứ ba, độc lập thẩm định và xác minh.
Cục Lâm nghiệp đang triển khai nghiên cứu, đánh giá tiềm năng tín chỉ carbon rừng để xác định hướng đi cụ thể cho việc tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Thành lập và phát triển thị trường tín chỉ carbon đồng bộ, toàn diện
Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế.
Giai đoạn từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trong năm 2028. Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng Dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam và tham vấn ý kiến các bên liên quan. Hiện nay, dự thảo đã cơ bản được hoàn thiện.
Mục tiêu chung của đề án là phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm 2 loại: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường tín chỉ carbon trong nước.
Chủ thể tham gia thị trường bao gồm các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; các tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon; các tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon theo quy định của pháp luật; các tổ chức hỗ trợ giao dịch.
Chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thị trường carbon hết sức tiềm năng trong thu vốn đầu tư và phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa thống nhất về cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, xác định và phân bổ hạn ngạch carbon trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, đề án xác định lộ trình thực hiện thí điểm thị trường carbon tại Việt Nam trên tinh thần “vừa làm, vừa hoàn thiện” để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.
BÌNH LUẬN