A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thách thức trụ lại thương trường

10:22 | 25/06/2018

Tới thời điểm này, mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khá mong manh. 5 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp tuyên bố phá sản chiếm một tỷ lệ không nhỏ so với số thành lập.

 Để có được con số mơ ước này là rất khó khăn nếu không có sự quyết liệt trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ.

Môi trường kinh doanh phải có sự cải cách đột phá để DN phát triển.

Theo ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì cần phải tìm hiểu, rà soát xem có bao nhiêu doanh nghiệp rời bỏ thương trường vì thủ tục hành chính, vì điều kiện kinh doanh. 

Mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020 khá mong manh, điều này được nhắc đến khá nhiều trong thời gian vừa qua. Nói về mục tiêu này, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại, các chính sách đưa ra cần phải tạo sự “hưng phấn” hơn cho DN, chứ không chỉ dừng lại ở việc tháo rỡ rào cản.

Vẫn còn rào cản

Nói về những nỗ lực để hoàn thành mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, TS Trần Thị Hồng Minh Cục trưởng Cục quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho rằng, chúng ta đang có rất nhiều chính sách nhằm tạo bệ đỡ cho việc phát triển, đơn cử như chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN là một trong những cách để  tăng cường thành viên vào con số 1 triệu. Theo bà Minh, năm 2017 có 127.000 DN đăng ký mới thì đến nay vẫn còn 87% trong số đó hoạt động, như vậy rõ ràng việc cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh để DN hoạt động hiệu quả là rất quan trọng. 

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018, số DN tuyên bố phá sản cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ so với số thành lập mới là vấn đề cần phải xem xét. “Tất nhiên số DN thành lập hay dừng hoạt động là quy luật tất yếu của thị trường, nhưng phải làm thế nào để giữ chân và tạo điều kiện cho những DN đã gia nhập thị trường trước đó tồn tại và phát triển” – bà Minh nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy số DN gia nhập thị trường nhiều nhưng số DN tuyên bố rời thương trường cũng không ít. Nguyên nhân chủ yếu vẫn ở những rào cản thủ tục hành chính, những điều kiện kinh doanh đang kìm chân DN. Đơn cử các thủ tục xin giấy phép kinh doanh, thủ tục tiếp cận vốn, đất đai hay những chi phí ngầm, phí bôi trơn… vẫn đang làm khó DN. 

Nói như ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chúng ta cần phải tìm hiểu, rà soát xem có bao nhiêu DN phải rời bỏ thương trường vì thủ tục hành chính, vì điều kiện kinh doanh. Số DN thành lập rồi phải rời khỏi thương trường vì vướng thủ tục hành chính vẫn là con số lớn. Làm sao chúng ta loại bỏ hết được các rào cản về thủ tục để các chính sách thực sự mang tính chất hỗ trợ khi đó mới tạo động lực hoạt động và phát triển cho DN.

Cần cơ chế hỗ trợ

Nêu ví dụ về việc khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể lớn lên thành DN, ông Tuấn cho rằng, tiềm năng là rất lớn nhưng cái vướng của việc chuyển đổi này là chúng ta vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý phù hợp, thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động. Đơn cử pháp luật về thuế, kế toán… đang có sự đối xử chưa công bằng, quy mô khác nhau. 

Điều này khiến DN cảm thấy phiền hà với gánh nặng hồ sơ, giấy tờ rất lớn. Chưa kể, cứ lên thành DN thì kiểu gì cũng vướng vào thanh kiểm tra rất nhiều. Từ đây ông Tuấn kiến nghị, tháo gỡ rào cản cho những DN siêu nhỏ thì chế độ thuế, kế toán phải rất phù hợp. Bên cạnh đó phải có cơ chế hỗ trợ và để hộ kinh doanh thấy được lợi ích khi chuyển đổi lên thành DN.

Theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), với tốc độ và quy mô từ kết quả cải cách như hiện nay thì rất khó đạt được con số DN gia nhập mới, hoạt động tốt để có thể đạt được 1 triệu DN thời gian tới. Theo quan điểm riêng của ông Hiếu, không nên tính việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành DN để cộng vào thành con số 1 triệu DN. Để có được con số mơ ước này là rất thách thức nếu không có sự quyết liệt trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, mỗi năm có 120.000 DN thành lập, trong khi có trên dưới 50% bị giải thể hoặc dừng hoạt động. Gút lại còn khoảng 60.000 -70.000 DN/năm được thành lập mới, 2,5 năm được khoảng 300.000 là một con số rất thách thức. Môi trường kinh doanh phải có sự cải cách đột phá để số DN này có thể được thành lập mới và giữ ổn định (không có DN rời thương trường) trong hai năm tới, thì lúc đó mục tiêu 1 triệu DN mới có thể đạt được.   

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố, tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 52.322 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 20178. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 2,8%. Nếu tính cả 902,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2018 là 1.419,1 nghìn tỷ đồng.

 Minh Phương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ