A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Thoát nghèo từ trồng rừng

13:34 | 11/12/2018

Là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, với số dân 1.298 hộ, 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, xã Ea Trang, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) đã dần “thay da đổi thịt” nhờ thực hiện chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất.

Trồng rừng giúp cuộc sống người dân đổi thay.

Gia đình anh M’lô, buôn Mduôi, xã Ea Trang bắt đầu trồng keo lai từ năm 2003. Theo anh M’lô, trước đây gia đình có 2ha đất trồng mì (sắn) và cà phê trên đồi cao, nhưng do dất đồi có độ dốc cao, bạc màu, cà phê không ra quả, mì cho năng suất thấp nên thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, thường thiếu đói khi mùa giáp hạt. Năm 2003, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình đã mạnh dạn đầu tư tiền mua cây giống, phân bón chuyển đổi 2 ha đất sang trồng keo lai. Đồng thời, gia đình nhận trồng thêm 2ha keo lai liên kết với Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, huyện M’Đrắk (Dự án 661). 

Trồng liên kết gia đình được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc cây keo năm đầu, đến kỳ thu hoạch chỉ phải trả lại tiền mua cây giống, phân bón cho Ban quản lý dự án. Với 4ha keo lai từ năm 2003 đến nay, gia đình anh M’lô đã thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt đạt gần 300 tấn keo nguyên liệu, trừ chi phí gia đình thu về hơn 200 triệu đồng/đợt.

Gia đình ông Y Thin, buôn Mduôi cũng mạnh dạn chuyển 3ha đất đồi sang trồng keo lai từ năm 2003, đến nay gia đình đã thu hoạch 2 đợt, với sản lượng 100 tấn/ha. Theo ông Y Thin cây keo rất thích hợp với chân đất, điều kiện khí hậu ở Ea Trang, người trồng keo chỉ cần bỏ công chăm sóc năm đầu tiên, các năm sau cây keo tự sinh trưởng, phát triển. Với giá gỗ keo nguyên liệu đạt 900.000đồng/tấn, trừ chi phí mỗi đợt gia đình thu về 150 triệu đồng. Để nâng cao năng suất vườn keo, mùa mưa năm nay ông Y Thin đã sử dụng giống keo dâm hom mua từ Đồng Nai về trồng. 

Chủ tịch UBND xã Ea Trang-Y Đôi Niê cho biết, Ea Trang có diện tích tự nhiên khá lớn gần 27.000ha; trong đó khoảng 80% diện tích là đất lâm nghiệp. Trong chiến tranh, những cánh rừng nguyên sinh ở Ea Trang đã bị rải chất khai quang để đốt trọc, nhằm ngăn chặn tiếp tế lương thực từ miền xuôi lên Tây Nguyên. Trong nhiều năm liền, hàng nghìn hecta đồi trọc ở Ea Trang đã trở thành vùng đất chết, chỉ có cỏ tranh, dây leo là sống được.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, năm 1994, Đảng ủy, UBND xã đã vận động người dân chuyển phần lớn diện tích đất đồi núi trọc sang trồng keo lai. Đến nay, xã đã có trên 3.000 ha rừng trồng với trên 80% số hộ dân gắn với kinh tế rừng; trong đó, có 1.380 ha đất rừng của người dân và 1.720 ha đất rừng nhận khoán của các dự án, công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện. 

Theo ông Y Đôi Niê, thành công lớn nhất từ chủ trương chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả ở các khu vực đồi trọc sang trồng rừng không chỉ góp phần phủ xanh hàng chục ngàn hecta đất trống, đồi trọc mà còn hạn chế rửa trôi do bão, lũ, giữ đất, giữ nước ngầm cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, dọc các chân đồi ở Ea Trang người dân cũng đã phát triển được 400 ha lúa nước 2 vụ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

Hiệu quả từ chủ trương trồng rừng sản xuất, gắn với bảo vệ phát triển rừng cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước qua các chương trình 134, 135, xây dựng nông thôn mới, Ea Trang đã vươn lên tạo một diện mạo mới. Hiện, tỷ lệ đường liên xã được cứng hóa 100%, đường nội thôn, buôn được cứng hóa đạt 68%. Xã đã thực hiện được 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới...    

Phạm Cường

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ