A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giá xăng giảm, giá vận tải vẫn đứng im

09:04 | 12/12/2018

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 4 lần giảm liên tiếp. Trong khi đó, giá cước vận tải vẫn “án binh bất động”. Và tất nhiên, khi giá cước vận tải không giảm thì người tiêu dùng phải chịu thiệt.

Tâm lý chung của các doanh nghiệp vận tải là khi đã tăng thì sẽ không muốn giảm.

Giá vận tải bất động

Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 4 lần liên tiếp. Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu giảm lần đầu trong chuỗi giảm giá lần này (6/10/2018), xăng E5 RON92 có giá 20.906 đồng/lít; xăng RON95-IIIbán mức 22.347 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: không cao hơn 18.611 đồng/lít; dầu hỏa: không cao hơn 17.086 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.694 đồng/kg. Và sau 4 lần giảm liên tiếp, giá xăng đến nay đã giảm khá mạnh. Cụ thể, xăng RON95-III giảm từ 22.000 đồng xuống còn 18.459 đồng/lít xăng A95. Xăng E5 từ mức 20.906 đồng/lít xuống mức 17.181 đồng/lít.

Đáng chú ý, mỗi lần xăng dầu được điều chỉnh tăng giá, ngay lập tức, giá cước vận tải được “té nước theo mưa”, đẩy lên cao với lý do “nếu không tăng thì doanh nghiệp ngành vận tải sẽ lỗ”, và do giá cước vận tải là đầu vào của hàng loạt các mặt hàng thiết yếu nên sự biến động về giá tất nhiên sẽ xảy ra. Bởi vậy, mỗi lần giá xăng được điều chỉnh tăng, trên thị trường lại hình thành ngay một mặt bằng giá mới. Thế nhưng, nghịch lý là, sau 4 lần  giảm liên tiếp, trong đó có 3 đợt giảm ở mức sâu, giá cước các loại hình vận tải vẫn “lặng như tờ”, tuyệt nhiên không có dấu hiệu “ăn theo” giá xăng như lúc xăng tăng giá.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, ở phố Lê Văn Lương (Hà Nội) cho biết, trước đi Grab giá  như thế nào thì nay vẫn như vậy, không thấy giảm đi chút nào. Thậm chí, nếu gọi vào giờ cao điểm, giá còn cao hơn trước. “Tôi đi từ phố Khâm Thiên về đến Lê Văn Lương mà giá Grab lên đến gần 200 nghìn đồng nếu vào giờ tan tầm. Như vậy là không hề giảm giá chút nào. Vậy mà giá xăng đã giảm đến 4 lần rồi” – chị Hạnh cho biết.

Tương tự, các hãng taxi cũng vẫn giữ nguyên giá và không hề có dấu hiệu điều chỉnh theo xu hướng giảm. Đáng chú ý, giá cước vận tải là đầu vào của hầu hết các dịch vụ, hàng hóa khác phục vụ đời sống dân sinh. Bởi vậy, việc giá cước vận tải không giảm cũng đồng nghĩa với việc mặt bằng giá trên thị trường sẽ vẫn giữ nguyên. Bà Phạm Phương Lan, ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) phản ánh: “Người tiêu dùng chúng tôi vẫn phải mưu sinh hàng ngày nên giá cả có thế nào chúng tôi vẫn phải chấp nhận. Bởi vậy mới nói, nếu các “ông đầu vào không giảm giá” thì chỉ khổ người tiêu dùng chúng tôi. Rõ ràng, khi xăng dầu giảm giá mà cước vận tải không giảm, người tiêu dùng chúng tôi bị “móc túi” đến 2 lần”.

Vì sao chưa giảm?

Nêu lý do giá cước vận tải không giảm kể cả khi giá xăng dầu đã giảm sâu, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải cho rằng, việc giảm giá xăng, dầu vừa qua không tác động nhiều đến giá cước vận tải. Theo chia sẻ của một hãng taxi, nếu điều chỉnh giá, DN sẽ mất thêm chi phí và thời gian để thực hiện các thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu... Do đó, các hãng taxi sẽ không điều chỉnh ngay giá cước khi giá xăng dầu giảm.

Mặt khác, nêu nguyên nhân sâu xa của việc cước vận tải giữ nguyên không hạ theo giá xăng, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, thực tế, các DN ngành vận tải hiện nay rất khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều loại hình vận tải mới thâm nhập vào thị trường. Ông Liên đưa ra ví dụ đối với Grab và loại hình xe khách Limosine, đây là hai loại hình mới xuất hiện gần đây trên thị trường vận tải, nhưng ngay lập tức đã tác động rất mạnh mẽ đến hoạt động của các loại hình vận tải truyền thống. Cụ thể, nhiều tuyến xe khách cố định ở Giáp Bát, Mỹ Đình đã bị giảm đáng kể lượng khách từ khi loại hình xe chở khách Limosine tham gia thị trường. Ông Liên cho biết, tuyến xe về Thái Nguyên hiện có đến 300 xe Limosine hoạt động, thành ra lượng khách ở Bến xe Giáp Bát, Gia Lâm đã giảm sút rất nhiều. Đây là khó khăn chung của loại hình xe khách hiện nay. “Khó khăn như vậy, doanh thu giảm sút nên các DN vận tải khó có thể giảm giá ở thời điểm này”– ông Liên lý giải. 

Tuy nhiên, nếu xét về quy luật thị trường, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, chi phí xăng dầu chiếm đến gần 50% đối với các loại hình vận tải, trong đó có taxi, bởi vậy, ở thời điểm này, khi giá xăng đã giảm sâu, thì giá cước taxi phải giảm ít nhất là 700 đồng/km mới là hợp lý và công bằng với người tiêu dùng, phù hợp với quy luật thị trường. Và để tạo sự công bằng cho xã hội, giảm bớt gánh nặng về giá trên vai người tiêu dùng, giới chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát, đưa ra những quy định để các DN thực thi ngay khi có sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào. Tâm lý chung của các DN là khi đã tăng thì sẽ không muốn giảm. Do đó, cần có sự điều tiết của nhà nước để có thể kiểm soát được tình trạng trục lợi, đẩy giá, nhất là đối với vận tải – lĩnh vực đầu vào của hầu hết các loại hình thiết yếu khác phục vụ đời sống dân sinh.

Minh Phương

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ