A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xây dựng giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững

08:37 | 02/01/2019

Nhờ điều kiện tự nhiên phù hợp, cây hồ tiêu được người dân Đắk Nông phát triển với diện tích lớn

Tuy nhiên, hiện nay trồng cây hồ tiêu gặp vô vàn khó khăn do phải đối mặt với dịch bệnh, dư lượng hóa chất và diện tích vượt tầm kiểm soát. Do đó, việc tìm giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững đang được các cấp ngành, các nhà khoa học và nông dân hết sức quan tâm.

Gia đình ông Trần Văn Vịnh ở xã Ea Pô (Chư Jút) sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ giúp vườn tiêu phát triển ổn định

Hồ tiêu là một trong những cây trồng được tỉnh đưa vào Danh mục cây chủ lực trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Những năm trước đây, cây hồ tiêu chứng tỏ được hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác nên người dân mở rộng diện tích.

Năm 2014, diện tích hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông mới chỉ gần 13.900 ha, sản lượng gần 17.700 tấn thì đến hết năm 2018, ước tổng diện tích đã đạt 36.300 ha, sản lượng ước đạt khoảng 45.800 tấn. Diện tích hồ tiêu đã tăng hơn 3 lần so với định hướng quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2020 của tỉnh (quy hoạch là 10.000 ha, sản lượng khoảng 19.000 tấn).

Sự phát triển quá nóng của cây hồ tiêu đang đặt ra hàng loạt những khó khăn, thách thức đối với cả người nông dân và các nhà quản lý, hoạch định chính sách.

Ông Nông Văn Lê, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thuận Phát (Đắk Song) cho biết: “Bản thân tôi rất tâm huyết với sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, sạch, sản xuất hữu cơ. Trong năm 2018, do thời tiết, dịch bệnh lây lan đã làm cho hơn 10 ha tiêu sản xuất tiêu sạch của HTX bị thiệt hại. Trước tình hình này, mặc dù chúng tôi đã sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững nhưng vẫn không khống chế được dịch bệnh”.

Còn ông Đinh Xuân Thu, Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy cho rằng: “Thời tiết những năm gần đây đang tạo ra những yếu tố bất lợi đối với cây tiêu. Mưa liên tục và lớn, thời gian kéo dài nhiều tháng là nguyên nhân chính làm cho hồ tiêu bị chết hàng loạt đối với diện tích tiêu trồng ở vùng trũng, thủy cấp thấp, thoát nước kém, thâm canh hóa học… Vì thế, hồ tiêu Đắk Nông chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường tiêu thụ trên thế giới”.

Mặt khác, việc người dân mở rộng diện tích tự phát, thiếu quy hoạch, sử dụng giống không bảo đảm chất lượng, giống nhiễm sâu bệnh, tái canh hồ tiêu trên những vùng đất đã nhiễm sâu bệnh hại nhưng chưa được xử lý triệt để… đã dẫn đến nguy cơ rất lớn về bệnh hại.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT thì cho đến nay, mặc dù nông dân trồng tiêu đã có nhiều kinh nghiệm trong canh tác hồ tiêu nhưng khả năng áp dụng quy trình kỹ thuật của bà con giữa các hộ, vùng, dân tộc vẫn không đồng đều. Vì vậy, vấn đề quản lý dịch hại nói chung và quản lý bệnh “chết nhanh, chết chậm” do nấm và tuyến trùng mặc dù đã được các nhà khoa học nghiên cứu, chỉ ra nguyên nhân, xây dựng quy trình phòng trừ, nhưng việc áp dụng vào thực tế vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, mối liên hệ giữa các nông hộ với nhau để tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa lớn, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ để bảo đảm thị trường, tạo ra chuỗi ngành hàng chưa phát triển. Hiện nay, phần lớn người nông dân bán sản phẩm hồ tiêu thông qua các đại lý thu mua nông sản trên địa bàn mà chưa có sự liên kết trực tiếp giữa người dân với các công ty chế biến, xuất khẩu. Vì vậy, người nông dân bị thiệt thòi do thương lái làm giá, ép giá…

Xuất phát từ thực tế phát triển cây hồ tiêu và những nguy cơ bất ổn đã được nhận diện, tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển ngành hồ tiêu bền vững. Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, quan điểm của tỉnh Đắk Nông là cương quyết không mở rộng diện tích hồ tiêu, chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, xây dựng quy hoạch và quản lý vùng sản xuất hồ tiêu gắn với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện sản xuất hồ tiêu sinh học, hữu cơ; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến sâu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm được xem là những giải pháp hàng đầu.

Theo Thạc sỹ Đào Thị Lan Hoa, Viện Khoa học Kỹ thuật nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thì ngành Nông nghiệp Đắk Nông cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho các hộ trồng tiêu áp dụng đúng các quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh mà Bộ Nông nghiệp – PTNT đã ban hành. Nhất là các vấn đề liên quan đến sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để giúp cây tiêu sinh trưởng và phát triển bền vững, bảo đảm chất lượng. Cũng theo ông Đinh Xuân Thu, thời gian theo các quy định của NOP (National Organic Plant) thì dù theo tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản đều cần ít nhất 3 năm chuyển đổi từ sản xuất phi hữu cơ sang sản xuất hữu cơ mới đánh giá chứng nhận được. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nông dân nên chuyển đổi sớm quy trình sản xuất sẽ là cơ sở ban đầu rất cần thiết, giúp nông dân thích nghi với việc sản xuất theo tiêu chuẩn, vùng đất canh tác sẽ sạch dần và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ dễ thành công hơn.

Bài, ảnh: Văn Tâm

    "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ