A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nông dân Buôn Hồ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

14:38 | 26/12/2019

Nhờ dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã và đang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giữa năm 2018, qua tìm hiểu trên sách báo, ông Đỗ Ngọc Sơn ( ở thôn 2A, xã Ea Siên) quyết định chặt bỏ 1,5 sào cà phê kém hiệu quả để thí điểm mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Theo ông Sơn, dâu trồng sau 4-5 tháng thì thu hoạch. 1,5 sào dâu sẽ nuôi được 1-1,2 hộp trứng tằm. Và sau khi thu hoạch kén, chờ 15 ngày sẽ tiếp tục nuôi lứa tiếp theo.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên 5 lứa tằm đầu tiên của gia đình ông nuôi bị thất bại, số chết, số không lớn được. Không nản, ông Sơn tiếp tục học hỏi rút kinh nghiệm. Đến lứa tằm thứ 6, gia đình ông đã thành công khi thu được 60 kg, bán cho thương lái ở Lâm Đồng với giá 95.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhận thấy mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, ông Sơn đã phá bỏ thêm 3,5 sào cà phê để trồng dâu nuôi thêm 4 hộp trứng tằm.

Mô hình trồng dâu, nuôi tằm mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Đỗ Ngọc Sơn (thôn 2, xã Ea Siên).

Theo ông Sơn, nghề trồng dâu nuôi tằm không đòi hỏi vốn lớn, lá dâu dễ trồng, tận dụng được công lao động nhàn rỗi. Một chu kỳ nuôi tằm ngắn, chỉ khoảng 15 ngày. Tuy nhiên, để mô hình này thành công, người nuôi tằm cần nắm vững một số “bí quyết” như: Chỗ nuôi tằm phải khô thoáng, sạch sẽ, đảm bảo kín gió; khi cho tằm ăn nên chú ý lượng lá dâu vừa đủ (cho ăn 4 lần/ngày); khi tằm chín đều thì vun thành từng luống để tằm tự động bò lên né; khoảng 4-5 ngày sau có thể đưa vào khuôn dập và thu hoạch kén...

Cũng tích cực chuyển đổi cây trồng, anh Trịnh Hưng Chiến (ở thôn 9, xã Ea Đrông) đang kỳ vọng vào mô hình trồng cây na Thái. Tháng 4-2016, gia đình anh đã phá bỏ gần 2 sào cà phê năng suất kém để chuyển sang trồng 100 cây na Thái.

“Cây na Thái mỗi năm cho ra hoa hai vụ, vụ tháng 6 âm lịch và đặc biệt vụ chính Tết Nguyên đán. Muốn quả đẹp, chín đúng vụ chính thì sau khi thu hoạch xong vụ đầu thì tuốt lá, cắt cành và bỏ phân kali. Sau đó dùng phân hóa mầm hoa để kích nụ. Cứ khoảng 15 ngày thì tưới nước. Khi quả lớn thì phun thuốc trừ sâu bệnh, cẩn thận hơn thì bọc từng trái trong bao ni lông ...” anh Chiến hướng dẫn.

Anh Trịnh Hưng Chiến với vườn na Thái trĩu quả sắp thu hoạch.

Theo anh Chiến, giống na Thái có nhiều ưu điểm như cây phát triển mạnh, chịu hạn tốt, mẫu mã đẹp, quả to, bảo quản được lâu... Đặc biệt, na Thái cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, giá thị trường na Thái cao gấp 2, 3 lần na thường là 40.000 đồng/kg, thậm chí vào những ngày Tết lên đến 60.000 đồng/kg. “Vụ na vừa qua gia đình thu hoạch được 8-10 kg/cây, sau khi trừ chi phí thu lãi được khoảng 33 triệu. Vụ Tết sắp đến, thu nhập từ trồng na Thái chắc chắn sẽ cao nữa”, anh Chiến phấn khởi nói.

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của những hộ dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đang có những hướng đi tích cực theo hướng đa dạng hóa cây trồng, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Thùy Duyên

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ