A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Ea Kar tìm đầu ra cho cây ăn quả

08:08 | 17/03/2021

Cùng với phát triển ổn định vùng nguyên liệu, huyện Ea Kar đã và đang tìm cách chuyển từ trồng, bán thô sang bảo quản, chế biến sâu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhằm giải "bài toán" đầu ra...

... và nâng cao vị thế, giá trị của cây ăn quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.

Phát triển vùng nguyên liệu

Với điều kiện tự nhiên phần lớn là đất xám pha cát, không thích hợp để phát triển đại trà các loại cây công nghiệp dài ngày, thời gian qua, huyện Ea Kar đã khuyến khích nông dân trồng các loại cây ăn quả phù hợp với từng địa bàn. Huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: cây có múi ở các xã Cư Elang, Ea Ô, Cư Prông, Ea Păl; cây vải, nhãn ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih... Đến cuối năm 2020, toàn huyện Ea Kar có 3.247 ha cây ăn quả.

Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Sar, huyện Ea Kar (bìa phải) tìm hiểu quy trình trồng vải chín sớm của gia đình anh Lý Văn Thọ (thôn 2)

Ea Sar là một trong những xã đi đầu của huyện trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả bằng nhiều hoạt động thiết thực như: đầu tư kinh phí xây dựng mô hình trồng vải, tổ chức các lớp tập huấn trồng trọt, khuyến khích nông hộ liên kết trong sản xuất để hình thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết, sau gần 10 năm thực hiện chuyển đổi cây trồng, đến nay, xã Ea Sar đã có trên 550 ha cây ăn quả các loại, trung bình mỗi héc-ta trong thời kỳ kinh doanh cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận cũng cao gấp nhiều lần so với các loại cây dài ngày khác. Nhiều hộ đã vươn lên khá giả nhờ cây ăn quả.

Đơn cử như gia đình anh Lý Văn Thọ (thôn 2, xã Ea Sar) có 1 ha trồng điều, cà phê nhưng nhiều năm liền không có lợi nhuận. Năm 2016, anh phá bỏ, cải tạo đất trồng thử nghiệm 300 cây vải. Sau 4 năm vải cho thu hoạch trung bình 25 kg/cây, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng.

 

Việc tìm đầu ra ổn định cũng chính là nâng cao giá trị gia tăng cho cây ăn quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Định hướng sắp tới, huyện Ea Kar tập trung phát triển chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, gắn kết thị trường tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi đầu tư xây dựng vùng trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao”.

 
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà

Tại xã Ea Tih, nhiều hộ cũng đã phá bỏ diện tích cây điều, cà phê kém hiệu quả chuyển sang trồng vải, nhãn, trung bình mỗi héc-ta cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Theo Chủ tịch UBND xã Ea Tih Phạm Đình Văn, cây ăn quả đã phát triển mạnh trên địa bàn xã từ năm 2010. Đến nay, toàn xã có trên 540 ha, chủ yếu là vải, nhãn, khoảng 60% diện tích đã cho thu hoạch. Nhiều hộ đã biết cách chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật cho cây ra hoa trái vụ đem lại lợi nhuận cao.

Nỗ lực tìm đầu ra ổn định

Cùng với việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, huyện Ea Kar chú trọng thành lập các hợp tác xã (HTX) nhằm tạo sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho trái cây. Nhiều HTX đã hoạt động hiệu quả, góp phần định hình thương hiệu “Cây ăn quả Ea Kar” như: HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (xã Ea Kmút), HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Trường Xuân (xã Ea Tih), HTX Sản xuất và chế biến ca cao Ea Kar, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Thương mại Hợp Nhất (xã Ea Ô)...

Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến Nguyễn Ngọc Thuận giới thiệu các sản phẩm trái cây sấy của đơn vị.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến cho biết: HTX đã liên kết với các nhà máy gia công sản phẩm mít sấy và sầu riêng sấy lạnh, thuê đơn vị thiết kế logo, đăng ký bản quyền cho nhãn hiệu, thành lập website giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm đi kiểm định chất lượng và được cấp tem kiểm định. Bên cạnh đó, HTX cũng đã đầu tư hệ thống cấp đông, trữ đông, kho mát, máy xay, máy cắt, máy hút chân không, máy ép. Trong năm nay sẽ đầu tư mở rộng nhà xưởng, hệ thống chuyên chân không và sấy lạnh với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để nâng công suất từ 3 tấn sản phẩm sấy/năm lên 50 tấn/năm.

Cùng với nỗ lực của huyện và các doanh nghiệp, mỗi địa phương cũng chủ động tìm đầu ra cho cây ăn quả. Các xã có diện tích cây ăn quả lớn đã tổ chức hội nghị gặp gỡ thương lái giới thiệu tiềm năng của địa phương, đưa các đoàn đi tham quan vườn cây tạo cơ hội gặp gỡ nông dân, đăng bài giới thiệu đặc sản địa phương trên mạng xã hội... Các hoạt động đó đã tạo sự kết nối giữa cung và cầu. Chị Trần Thị Thủy, một thương lái ở Đà Nẵng cho biết: Từ sự giới thiệu của chính quyền địa phương, hằng năm, các thương lái đến tận vườn của nông dân trên địa bàn xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih để mua vải. Vải ở đây quả to, mọng nước, ngọt lại chín sớm hơn miền Bắc nên rất “hút” thị trường.

Nguyễn Xuân

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3483/202103/ea-kar-tim-dau-ra-cho-cay-an-qua-5727699/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ