Trong khi các loại trái cây trong nước như sầu riêng, măng cụt, xoài, thơm… chỉ mới bước vào đầu vụ thu hoạch, sản lượng còn khiêm tốn thì những mặt hàng cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc đã tràn ngập thị trường.
Trái cây ngoại tràn ngập
Tại TP HCM, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, năm nay, xoài Trung Quốc xuất hiện sớm so với mọi năm hơn 2 tháng, ngay từ tháng 3 đã có mặt trên thị trường với tên gọi "xoài mút", đụng mùa với xoài trong nước trong khi mọi năm sẽ né mùa. Không chỉ nhập khẩu loại xoài cỡ nhỏ, khoảng 10-20 quả/kg, năm nay thương nhân còn nhập về xoài mút cỡ to, loại 3 quả/kg khiến nhiều người tò mò mua thử.
Trái cây nhập khẩu nổi bật trên các kệ hàng siêu thị
Một tiểu thương kinh doanh sạp trái cây trên đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP HCM) cho hay xoài mút cỡ to không có nhiều, phải tranh nhau ở chợ đầu mối mới có hàng, nguồn từ Lạng Sơn đưa về, giá bán lẻ 65.000 đồng/kg, còn xoài mút cỡ nhỏ chỉ 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Trong khi đó, xoài trong nước cũng đang vào mùa, giá tương đối thấp, ở mức 25.000 - 50.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ khá khó khăn.
Còn tại khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), cùng là cam bán rong nhưng hàng trong nước có giá chỉ 10.000 - 13.000 đồng/kg (cam sành) trong khi cam vàng nhập khẩu có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết trái cây nhập hiện nay rất đa dạng, không chỉ hàng ôn đới mà các loại quả nhiệt đới, đặc trưng của Việt Nam như: sầu riêng, măng cụt, thơm, xoài… cũng được nhập về. "Hàng Thái Lan có sầu riêng, giá sỉ 80.000 - 90.000 đồng/kg, măng cụt giá sỉ 65.000 - 75.000 đồng/kg; còn hàng Trung Quốc về nhiều có cam vàng và xoài mút. Trái cây nhập khẩu được chuẩn hóa về chất lượng, mẫu mã trong khi trái cây Việt Nam về chợ đầu mối không có cải thiện nhiều trong những năm qua. Sự cải thiện của ngành hàng trái cây chủ yếu để dành cho xuất khẩu" - ông Phương nhận xét.
Hàng xuất khẩu khó bán trong nước
Tuy vậy, hầu hết các nhà xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp đều nói để phát triển thị trường trong nước không hề dễ dàng. "Siêu thị đòi hỏi trái cây có đầy đủ các tiêu chuẩn như xuất khẩu nhưng đưa ra mức giá thu mua rất thấp, bài toán này rất khó giải!" - đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chia sẻ.
Tại một tọa đàm mới đây, một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đặt câu hỏi với siêu thị việc khó đưa hàng vào các hệ thống bán lẻ trong nước. Câu trả lời của siêu thị khiến nhiều người trong hội trường bất ngờ. "Trái cây ngoại được nhập theo container, chúng tôi có thể lên các kế hoạch bán hàng, còn trái cây trong nước thường xuyên đứt hàng vì nhà cung cấp thường ưu tiên cho hàng xuất khẩu. Ngoài ra, nếu cùng chủng loại, người tiêu dùng thường chọn trái cây nhập vì mẫu mã bắt mắt hơn. Ví dụ, cùng là dâu tây nhưng dâu tây Hàn Quốc đóng gói đẹp hơn hẳn hàng trong nước. Các nhà cung cấp Việt Nam phải chú ý cải thiện nếu muốn bán được hàng" - đại diện nhà bán lẻ này thẳng thắn.
Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc marketing hệ thống cửa hàng thực phẩm Farmers Market, cho biết người tiêu dùng hiện nay mua trái cây dựa vào chất lượng và giá cả, không vì sính ngoại. Như tại Farmers Market, mặt hàng thơm mini Thái Lan bán khá chạy vì là hàng "độc", lạ, Việt Nam không có; sầu riêng Thái Lan cũng bán chạy hơn vì vừa mức chi tiêu. "Việt Nam đang có sầu riêng Ri 6 khá nhiều nhưng các doanh nghiệp chỉ tập trung cho xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam, mỗi quả từ 2,5 - 5 kg nên giá bán thường hơn 500.000 đồng/quả trong khi sầu riêng Thái Lan mỗi quả chỉ 1,2 - 1,5 kg, giá 350.000 đồng/quả, dễ bán hơn" - ông Lộc phân tích.
Thực tế, nhiều nhà bán lẻ sầu riêng Ri 6 phải tách vỏ để bán cơm sầu riêng với những quả to để vừa với một lần mua sắm của người tiêu dùng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đa số các loại trái cây chủ lực của Việt Nam đang trồng theo gu tiêu dùng của người Trung Quốc - trái to, bóng bẩy - nên mỗi khi xuất khẩu có trục trặc thì khó bán trong nước. "Thị trường trong nước 100 triệu dân rất hấp dẫn, các nhà vườn cần chú trọng đầu tư nghiên cứu các giống, mẫu mã, khẩu vị phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Về kích cỡ cần những cỡ vừa phải, không quá to, vừa với một lần ăn của một gia đình…" - ông Nguyên khuyến cáo.
Nhập khẩu rau quả tăng vọt
Theo số liệu thống kê, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu được 3,551 tỉ USD rau quả, nhập khẩu 1,48 tỉ USD, toàn ngành xuất siêu được 2,079 tỉ USD. Sang năm 2022, xuất khẩu rau quả giảm, còn 3,365 tỉ USD nhưng nhập khẩu lại tăng vọt, tới 2,077 tỉ USD. Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng đó là thực tế phải chấp nhận khi Việt Nam mở cửa thị trường. "Nhìn theo hướng tích cực, đời sống của người dân cao hơn nên có sức chi trả cho trái cây nhập khẩu đắt tiền hơn. Nhìn về nội tại, ngành trái cây cần phải cải thiện nhiều để nâng cao cạnh tranh ngay trên sân nhà" - ông Nguyên nói.
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH
Bài viết gốc: https://nld.com.vn/kinh-te/trai-cay-viet-lep-ve-tren-san-nha-20230412213942656.htm
BÌNH LUẬN