A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

15:07 | 17/11/2023

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nhất trí, thống nhất lùi thời gian trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp tiếp theo

Sáng 16-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trên cơ sở ý kiến đại biểu phát biểu, ý kiến tranh luận tại hội trường QH và góp ý bằng văn bản, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các ủy ban của QH, các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung tại dự luật.

Đáng chú ý, về phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy ý kiến của đại biểu QH còn chưa tập trung, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp; chưa thiết kế được phương án tối ưu đối với một số chính sách quan trọng. Trong đó, có tới 11/22 ý kiến thảo luận tại hội trường đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật một cách thấu đáo; cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án luật khi còn quá nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này.

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan tiếp tục tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý liên quan dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội vào kỳ họp tiếp theo..Ảnh: PHẠM THẮNG

"Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, tránh sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế - xã hội và đời sống của người dân" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH tán thành với đề xuất nêu trên của Thường trực Ủy ban Kinh tế nhằm tiến hành thận trọng, thực hiện theo Kết luận 19/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XV.

Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ đồng tình, nhất trí lùi thời gian trình QH thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất. Chủ tịch QH yêu cầu các cơ quan tiếp tục tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo luật.

Không hợp thức hóa sai phạm của chung cư mini

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay một số nội dung nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu như: quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động thuê; quy định về nhà lưu trú cho công nhân trong KCN; quy định về nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân với tinh thần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở nhưng không hợp thức hóa sai phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết tính đến tháng 11-2022, cả nước có khoảng 5.587 nhà chung cư, trong đó có 85 nhà chung cư có tranh chấp về quỹ bảo trì. Ủy ban Pháp luật đã trao đổi với Bộ Xây dựng về nội dung UBND cấp huyện không đủ năng lực xử lý, cưỡng chế khi xảy ra tranh chấp. Do đó, đề nghị quy định linh hoạt cho phép UBND cấp tỉnh vào cuộc xử lý khi cần thiết; trường hợp chính quyền cơ sở đủ năng lực thì được ủy quyền thực hiện. Riêng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, có thể cho phép chính quyền cấp quận thực hiện vì đủ năng lực.

Về nội dung thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được chỉnh lý theo 2 phương án.

Phương án 1: Nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng. Phần còn lại được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp GCN cho bên mua, bên thuê mua.

Phương án 2: Nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp GCN thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng. Phần còn lại được khách hàng chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại tổ chức tín dụng để quản lý; chủ đầu tư chưa được sử dụng số tiền này, khách hàng được thụ hưởng lợi tức phát sinh. Chủ đầu tư chỉ được sử dụng số tiền này của từng khách hàng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp GCN cho bên mua, bên thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.

Về chính sách nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu lý cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc quy định bắt buộc 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Mặc dù quy định như vậy nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa nhưng cũng phát sinh một số vấn đề bất hợp lý

Thu tiền đặt cọc không quá 5%

Về quy định đặt cọc đối với công trình xây dựng hình thành trong tương lai, để hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua - thường là bên yếu thế, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán; bản thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua. Đồng thời, chỉ được cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng khi đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của luật này.

VĂN DUẨN

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/chua-thong-qua-luat-dat-dai-sua-doi-20231116223824717.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ