A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển mạng lưới đô thị xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên

09:01 | 22/01/2024

Có thể khẳng định, khu vực đô thị đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung.

Do đó, việc hoạch định chính sách, thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị đang được Trung ương và các địa phương quan tâm, triển khai. Đặc biệt, phát triển mạng lưới đô thị là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh).

Đô thị chuyển mình

Thực hiện các nghị quyết, chương trình của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển đô thị, thời gian qua UBND tỉnh đã triển khai lập kế hoạch và thực hiện Chương trình phát triển, phân loại đô thị tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025 theo Kết luận số 426-KL/TU, ngày 27/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 16/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025; triển khai xây dựng, từng bước hoàn thiện, đảm bảo điều kiện để huyện Ea Kar trở thành thị xã Ea Kar với chức năng là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh; đầu tư, nâng cấp thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III vào năm 2025, là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tiến hành lập chương trình phát triển đô thị như: Chương trình phát triển đô thị TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển đô thị thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2017 - 2025; Chương trình phát triển đô thị Ea Kar năm 2023…

Bộ mặt kiến trúc, cảnh quan tại một số đô thị trên địa bàn tỉnh đã đổi thay theo hướng hiện đại hơn. (Trong ảnh: Một góc đô thị Buôn Ma Thuột)

Nhờ nỗ lực triển khai các chương trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị toàn tỉnh đã có sự chuyển mình. Theo đó, số lượng và chất lượng các đô thị ngày càng được nâng lên. Hiện toàn tỉnh đã có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 6 đô thị loại IV và 9 đô thị loại V.

Đặc biệt, những năm gần đây, bộ mặt kiến trúc, cảnh quan tại một số đô thị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay theo hướng hiện đại hơn. Tỉnh cũng đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn theo chương trình đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn nhất là tỷ lệ đô thị hóa tăng chậm (khoảng 0,02%/năm) và quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột.

Hơn nữa, việc thành lập thị xã, thị trấn chưa đi đôi với nâng loại đô thị, điều này ảnh hưởng đến mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, nguồn lực về đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chí loại đô thị chưa đáp ứng yêu cầu đã tác động đến tiêu chí phân loại và phát triển đô thị.

Nhiệm vụ trọng tâm

Từ những kết quả đạt được và thách thức trong quá trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều giải pháp, phương án được đề cập trong thời gian tới.

Tại Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển cho tỉnh đã được đưa ra. Trong đó có nhiệm vụ phát triển mạng lưới đô thị, mà trước hết ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính để TP. Buôn Ma Thuột xứng tầm một đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Đồng thời xây dựng, nâng cấp thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III và đầu tư nâng cấp hạ tầng, phát triển huyện Ea Kar đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã.

Một khu đô thị đang hình thành trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. 

Quy hoạch cũng đưa ra phương án phát triển hệ thống đô thị. Cụ thể: đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh có 31 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là TP. Buôn Ma Thuột; 1 đô thị loại III là thị xã Buôn Hồ; 6 đô thị loại IV là thị xã Ea Kar, thị trấn Phước An, thị trấn Buôn Trấp, thị trấn Ea Đrăng, thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk và 23 đô thị loại V.

Đồng thời, mở rộng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng. Thực hiện chuyển đổi số gắn với ba nội dung chính, bao gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; xây dựng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột theo hướng đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, phát triển thị xã Buôn Hồ là đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của tỉnh. Phát triển thị xã Ea Kar là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh, hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội để trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp của tiểu vùng.

Khả Lê

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202401/phat-trien-mang-luoi-do-thi-xung-tam-trung-tam-vung-tay-nguyen-aec0e88/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ