A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác với giao dịch tài chính trực tuyến

07:53 | 26/01/2024

Tết đã cận kề, nhiều người đang gặp khó khăn tất nhiên sẽ nghĩ đến các dịch vụ cho vay tài chính. Việc đăng ký mở các thẻ ngân hàng, các khoản vay tín dụng giờ đây cũng không còn quá xa lạ, nhiêu khê nữa.

Song chính trong tình thế này, các dạng lừa đảo trực tuyến đã xuất hiện, và làm hại rất nhiều người trong tình cảnh gấp gáp, thiếu thận trọng về giao dịch, giao tiếp qua mạng.

Mở thẻ gặp ngay lừa đảo

Vào vai một người có nhu cầu mở thẻ tín dụng, người viết chọn thông tin quảng cáo của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) trên Facebook. Trang này có mẩu thông tin rất hấp dẫn, nhân dịp Tết Nguyên đán có một đợt hỗ trợ giúp người cần mở thẻ tín dụng, có được tiền trong tài khoản chỉ sau 2 ngày đăng ký mở thẻ. Mẩu quảng cáo này có hình ảnh mờ thể hiện công văn mở thẻ của VCB từ… đầu năm 2023, với phần chữ ký, đóng dấu của ngân hàng bị giấu đi một nửa. Còn những điều kiện mở thẻ trên trang mạng xã hội này rất thuận lợi để người có nhu cầu bị lôi cuốn.

Rất nhanh sau khi người viết bấm vào trao đổi, đã có một nhân viên hỗ trợ giao dịch xuất hiện. Nhân viên này hỏi về thu nhập, việc làm, và đề nghị người mở thẻ đưa ra hạn mức tín dụng muốn có. Sau cùng, đến phần chính đăng ký, nhân viên yêu cầu người mở thẻ chụp ảnh hai mặt thẻ VCB đang dùng.

Người viết đồng ý trả lời mọi đề nghị, nhưng khi chụp ảnh thẻ, đã che đi mã số CVV phía sau thẻ, bởi mã số này sử dụng xác minh chuyển khoản ra ngoài. Lập tức, nhân viên hỗ trợ đề nghị người mở thẻ cung cấp thông tin mã số CVV “để đồng bộ tài khoản”. Đây chính là hành vi cốt lõi làm lộ mặt kẻ lừa đảo.

Ngay khi người viết trả lời, mã số này theo quy định từ ngân hàng không cung cấp cho ai cả, nhân viên hỗ trợ liền nhắc nhở: “Cảnh báo đó là ngân hàng cân nhắc khách hàng, vậy anh nghĩ em là nhân viên ngân hàng sẽ không có thông tin của anh hay sao. Nhưng để mở được thẻ tín dụng, anh cần phải cung cấp để bên em đối chiếu xác thực đồng bộ thẻ mới mở được cho anh”.

Người viết lập tức từ chối việc mở thẻ, và liên lạc với một lãnh đạo tín dụng đang làm việc tại VCB Buôn Ma Thuột. Câu trả lời nhận được rất rõ ràng: Đó là dịch vụ mở thẻ lừa đảo. Để bảo đảm không có sự cố, cán bộ tín dụng VCB yêu cầu người viết lập tức khóa thẻ giao dịch và nhanh chóng ra ngân hàng trực tiếp để làm lại thẻ mới, ngăn chặn mọi nguy cơ bị đánh cắp thông tin từ thẻ đã lộ hình ảnh với bọn lừa đảo.

Một trang giả dạng ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.

Cẩn thận tối đa trong mọi giao dịch

Theo lưu ý của một số chuyên viên tư vấn tài chính, dịp cuối năm, Tết đến là cơ hội để những kẻ lừa đảo cho vay tài chính, ăn cắp các tài khoản ngân hàng, lừa đảo tín dụng ra tay hoành hành. Trên các trang mạng xã hội, người tiêu dùng sẽ gặp rất nhiều trang giới thiệu, thông tin, tự nhận là trang chính thức của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng, kể cả Ngân hàng Nhà nước. Chỉ cần bấm vào các trang này, người tiêu dùng sẽ gặp ngay những mánh khóe lừa đảo, có khi rất tinh vi, nhiều tầng nấc để ăn cắp các thông tin tài khoản, mã số thẻ ngân hàng, thực hiện các hành vi ăn cắp trực tuyến và lừa phỉnh các nạn nhân. Không chỉ giả danh nhân viên hỗ trợ của các ngân hàng, có nhóm lừa đảo còn giả dạng công an, nhân viên ngành thuế… để tham gia xác tín với các giao dịch của người tiêu dùng, tạo niềm tin cho họ rằng đang giao dịch với chính các cơ quan tài chính, từ đó thực hiện thành công những phi vụ lừa đảo và ăn cắp.

Ăn cắp tài khoản người dùng mạng xã hội, ăn cắp email người dùng, để mượn tiền, lừa đảo tài chính, những hành vi đó đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và cảnh giác. Song những hành vi lừa đảo trực tuyến qua nhu cầu giao dịch tài chính, vay mượn tiền, làm thẻ ngân hàng… của các đối tượng phạm tội, thì không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận diện ra. Chỉ cần một chút sơ hở, cả tin là người tiêu dùng đang có nhu cầu, đang bối rối với những vấn đề khó khăn tài chính, sẽ “sập” phải những cái bẫy lừa đảo. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng, cẩn thận cảnh giác với mọi hành vi, lựa chọn của mình khi tiếp xúc, giao dịch, trao đổi thông tin với những nhóm, trang mạng thông tin xã hội.

Theo cán bộ tín dụng tại VCB Buôn Ma Thuột, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng hiện nay đều đã ở mức độ ứng dụng công nghệ số rất tốt, bảo đảm các giao dịch, tiếp xúc đều được kiểm soát. Những điều kiện cho vay vốn, mở các thẻ hay tài khoản ngân hàng đều có điều kiện đối chiếu, kiểm tra kỹ lưỡng trên cả hệ thống ngân hàng quốc gia. Cho nên, sẽ không có hành vi hỗ trợ nào về các khoản vay tín dụng hay mở thẻ ngân hàng là đơn giản, nhanh chóng, hay yêu cầu người có nhu cầu phải thực hiện những hành động làm lộ thông tin cá nhân, thông tin về tài khoản ngân hàng hoặc liên quan.

Chính vì vậy, mọi người đừng vì sốt ruột trước khó khăn tài chính trước mắt, lại càng không nên cẩu thả, thiếu cảnh giác trong những hoạt động giao dịch, tiếp xúc trực tuyến hiện nay. Đó là cách tốt nhất để người tiêu dùng tự bảo vệ được mình trước những hiểm họa lừa đảo, trộm cắp trên mạng.

   Nguyên Đức

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/phap-luat/202401/canh-giac-voi-giao-dich-tai-chinh-truc-tuyen-6d51ca0/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ