A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tìm “lối ra” cho ngành vật liệu xây dựng

08:45 | 23/05/2024

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, một số ngành nghề liên quan khác vẫn “trầm lắng”, nhất là ngành vật liệu xây dựng.

Doanh số giảm sâu

Những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng là một trong những ngành nghề có đóng góp không nhỏ cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm ngành này đóng góp trung bình khoảng 7% GDP của cả nước. Tuy nhiên, sự ảm đạm của thị trường bất động sản, trong suốt năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã khiến sản lượng và doanh số bán ra của các sản phẩm vật liệu xây dựng tiếp tục giảm sâu.

Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng, doanh thu nhiều mặt hàng trong nhóm ngành vật liệu xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là sản phẩm thép và bê tông.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, luyện cán thép chỉ sản xuất hơn 58,2 nghìn tấn, bằng 14,9% kế hoạch năm (390 nghìn tấn) và thấp hơn cùng kỳ năm 2023 gần 25 nghìn tấn. Sản lượng thép sản xuất giảm do tác động từ lượng nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm và xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh.

Đối với chỉ tiêu sản xuất bê tông và các sản phẩm từ bê tông, 4 tháng đầu năm 2024 thực hiện được 27.575 m3, bằng 27,6% kế hoạch năm (100 nghìn m3) và thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 4.526 m3.

Một doanh nghiệp sản xuất thép hoạt động trong Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột

Tại các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng diễn ra khá ảm đạm. Đơn cử như ở một DN đang sản xuất kinh doanh vật liệu chống thấm (hoạt động tại Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), do nhu cầu của khách hàng thấp nên đơn vị phải thu hẹp nguồn cung. Đại diện lãnh đạo công ty này chia sẻ, hiện nay, công ty đã phải ngưng sản xuất, chỉ phân phối các sản phẩm vật liệu chống thấm của đơn vị khác sản xuất.

Ông Nguyễn Kim Tùng, Giám đốc Ban quản lý chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tân An cho biết, hiện nay trong Cụm công nghiệp Tân An có 7 DN sản xuất, kinh doanh nhóm ngành vật liệu xây dựng bao gồm: sản xuất bê tông; cấu kiện đúc sẵn và vật liệu chống thấm. Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN này gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường sụt giảm, đơn hàng khan hiếm.

Ghi nhận tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, trong những tháng đầu năm 2024, đã có không ít những cửa hàng vật liệu xây dựng đóng cửa, thay vào đó là các cửa hàng kinh doanh những mặt hàng khác. Đơn cử như trên đường Trần Quý Cáp (TP. Buôn Ma Thuột), trước đây, các cửa hàng vật liệu xây dựng “mọc” lên san sát nhau. Tuy nhiên, những tháng gần đây, nhiều cửa hàng đã treo biển nghỉ kinh doanh, chuyển giao mặt bằng do không có khách hàng.

Cần thêm “lực đẩy”

Để gỡ khó cho các DN nói chung và DN ngành xây dựng nói riêng, Chính phủ và các bộ, ngành đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ. Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho năm 2024, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất đã “hạ nhiệt” đáng kể. Các DN xây dựng thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, do đó, khi lãi suất giảm, gánh nặng chi phí lãi vay cũng nhẹ bớt, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận tốt.

Hơn nữa, từ những tháng cuối năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng với việc thông qua quy hoạch và đề xuất nhiều dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng có thêm “lực đẩy” trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Tác động của đầu tư công sẽ lan tỏa dần tới các ngành, lĩnh vực, trước tiên thúc đẩy nhóm DN nhà thầu hạ tầng.

Thi công Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành vật liệu xây dựng, nhu cầu vật liệu xây dựng từ đầu tư công chưa thể bù đắp được lượng dư cung vật liệu xây dựng và có thể dư hơn nữa nếu các DN hoạt động tối đa công suất thiết kế. Vì vậy, bản thân DN cũng cần mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm và vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.

Về phía các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, hầu hết các đơn vị đều mong muốn chính quyền tỉnh tiếp tục có các chính sách kích cầu tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy đầu tư xây dựng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở… để tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước như: giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất..., tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất vật liệu xây dựng đảm bảo ổn định sản xuất và hoàn thành được các chỉ tiêu kế hoạch năm.

Khả Lê

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/tin-noi-bat/202405/tim-loi-ra-cho-nganh-vat-lieu-xay-dung-85021d8/

 

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ