Bộ Công Thương vừa có báo cáo trình Chính phủ về thực hiện Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có phương án lựa chọn nhà đầu tư.
Bộ Công Thương cho rằng chưa nên giao tư nhân đầu tư thí điểm điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa
Hiện, Việt Nam chưa có một dự án điện gió ngoài khơi.
Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án giao Tập đoàn kinh tế nhà nước triển khai dự án thí điểm điện gió ngoài khơi.
Phương án 1: Giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo Bộ Công Thương, PVN và các đơn vị thành viên sẽ có những lợi thế nhất định trong triển khai điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng việc giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cũng cần được đánh giá phù hợp với chủ trương của Đảng về định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của PVN.
Hiện nay, Nghị quyết của Đảng chưa cho phép PVN được đầu tư ngoài ngành và đầu tư điện gió ngoài khơi. Điện gió sẽ sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh dạng khí. PVN đã có báo cáo và kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép PVN đầu tư điện gió ngoài khơi nhưng chưa được chấp thuận.
Theo đó, nội dung này cần tiếp tục được làm rõ sau khi nhận được ý kiến góp ý của Bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và PVN.
Phương án 2: Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo Bộ Công Thương, việc giao EVN đầu tư thí điểm cũng có ưu điểm nhất định do không phải tiến hành đàm phán giá điện (do EVN đồng thời là đơn vị mua điện và bán điện). Tuy vậy, nội dung này tiếp tục được làm rõ sau khi nhận được ý kiến của Bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN.
Phương án 3: Giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Phương án này cần được đánh giá về sự phù hợp với chủ trương của Đảng, cũng như việc đánh giá tính khả thi sau khi xem xét năng lực của đơn vị cụ thể thuộc Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện Bộ Quốc phòng, đơn vị này kiến nghị không giao thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi cho đơn vị Bộ Quốc phòng do điều kiện về năng lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có thể tham gia một số khâu phù hợp trong quá trình thực hiện dự án.
Do vậy, phương án này sẽ tiếp tục được làm rõ sau khi Bộ Công Thương nhận được ý kiến góp ý của Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành.
Đáng chú ý, đối với phương án giao tư nhân trong nước đầu tư, Bộ Công Thương cho rằng mặc dù thời gian qua, tư nhân đã tham gia nhiều vào đầu tư trong lĩnh vực điện. Tuy nhiên, các dự án do tư nhân đầu tư thường là các dự án điện truyền thống, các dự án điện mặt trời và điện gió có quy mô không lớn.
Với những vướng mắc về pháp luật hiện nay và điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, có liên quan tới quốc phòng, an ninh, nên Bộ Công Thương cho rằng chưa nên giao tư nhân đầu tư thí điểm trong khi chưa đánh giá hết được các vấn đề về quốc phòng, an ninh, giá, vướng mắc pháp luật.
Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW.
Quy hoạch điện VIII nêu rõ công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII chưa nêu rõ số lượng, công suất và vị trí dự án điện gió ngoài khơi cũng như phương án đấu nối nguồn điện này.
BÌNH LUẬN