Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỉ đồng mỗi phiên. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội.
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết tại tọa đàm "Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử" do cơ quan này phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty Cổ phần MISA (MISA) tổ chức ngày 2-8.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Theo bà Cúc, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai. Bà Cúc nhấn mạnh, nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ.
"Các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi người dùng"- bà Cúc cho hay.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế nêu rõ, trong những năm gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã quyết liệt chỉ đạo cục thuế các tỉnh thành phố tăng cường quản lý thuế, thanh tra kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro, trong đó có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Số tiền từ truy thu thuế, tiền phạt của các tố chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cũng cho biết với mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết hiện đang rất phổ biến hiện nay, các vấn đề về thuế được nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đặc biệt quan tâm.
"Có thể kể đến những khoản thuế phải nộp của nhà bán hàng và người sáng tạo khi có doanh thu, thu nhập từ TikTok Shop; nghĩa vụ nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đối với thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động tiếp thị liên kết"- ông Thanh cho hay.
Đánh giá về thực trạng bán hàng trên thương mại điện tử, bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối Nền tảng Kế toán dịch vụ, Công ty Cổ phần MISA cho biết, thực tế kinh doanh thương mại điện tử hiện nay dẫn tới khó quản lý hàng hoá, doanh thu của hàng hóa vì bán hàng trên nhiều sàn, nhiều nền tảng khác nhau.
Với thực tế này, việc thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ tốn nhiều nhân sự để xuất hóa đơn và khi xuất hóa đơn phải thủ công khi thông tin trên sàn và thông tin trên phần mềm quản lý khác nhau; số lượng về hóa đơn phải xuất hàng ngày rất lớn, dễ rủi ro xuất hóa đơn sai thời điểm vì thực trạng bán hàng không cố định thời gian.
Với các hộ kinh doanh kê khai và doanh nghiệp, bà Bùi Thị Trang cho biết, việc thông tin rời rạc ở nhiều giải pháp quản lý khác nhau tới kế toán dễ dẫn tới việc sai sót số liệu; việc lập tờ khai thủ công và đối chiếu các tờ khai báo cáo thuế dẫn tới rủi ro về thuế; thiếu thông tin cập nhật về thuế, dẫn tới việc xử lý sai sót và rủi ro về thuế. Theo bà Trang, hiện MISA đã phát triển bộ giải pháp khắc phục các bất cập này.
Mới đây, Tổng cục Thuế vừa có thư ngỏ gửi đến người nộp thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Để đảm bảo sự tôn nghiêm, bình đẳng, minh bạch trong chấp hành pháp luật về thuế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa các loại hình kinh doanh, Tổng cục Thuế đề nghị và khuyến cáo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chủ động tiếp cận, tìm hiểu về quy định pháp luật thuế và chấp hành việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo đúng quy định.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã, đang kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế cần khẩn trương đăng ký, kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế. Ngành Thuế cho biết sẽ lập kế hoạch kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
BÌNH LUẬN