A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Shopee vẫn bỏ xa các đối thủ trong cuộc đua thị phần thương mại điện tử

16:36 | 16/08/2024

Trong quý II/2024, gần 3/4 doanh thu các sàn thương mại điện tử đổ vào Shopee (71,4%); TikTok Shop đứng thứ hai với tỷ lệ 22%. Còn Lazada và Tiki thì ngày càng hụt hơi...

Công ty phân tích và tư vấn YouNet ECI vừa công bố báo cáo doanh thu các sàn thương mại điện tử quý II/2024 với nhiều số liệu đáng chú ý về cuộc cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.

Theo đó, trong quý II/2024, 4 nền tảng thương mại điện tử lớn và phổ biến nhất tại Việt Nam là: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki mang về tổng cộng 87,37 nghìn tỷ đồng tổng giao dịch (GMV), tăng trưởng 10,4% so với quý trước đó.

Đáng chú ý, Shopee tiếp tục là nền tảng dẫn đầu với doanh thu 62,38 nghìn tỷ đồng, đạt 71,4% thị phần GMV. Shopee cũng đồng thời chiếm trên 50% thị phần cho tất cả các nhóm ngành hàng thương mại điện tử.

Kế đến, TikTok Shop tiếp tục giữ vị trí thứ 2 với 19,24 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,0% thị phần GMV. Như vậy kể từ tháng 11/2024, TikTok Shop đã vượt qua Lazada và liên tục duy trì được vị trí thứ hai thị trường về thị phần GMV.

Xếp thứ 3 và 4 lần lượt là Lazada (5,16 nghìn tỷ đồng) và Tiki (584,77 tỷ đồng) - ngày càng hụt hơi trong cuộc đua về thị phần với hai ông lớn kể trên.

Cũng theo YouNet ECI, so sánh giữa hai nền tảng, tốc độ tăng trưởng của Shopee trong quý II so với quý I vượt trội so với TikTok Shop. Nếu như tổng GMV TikTok Shop tăng trưởng 4,8% so với quý trước thì tổng GMV Shopee tăng trưởng đến 16,1% – giúp nền tảng này chiếm thêm 3,5 điểm thị phần.

Shopee bỏ xa các đối thủ trong cuộc đua thị phần mua sắm qua sàn thương mại điện tử.

Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân chính cho sự chênh lệch này nằm ở mức độ phụ thuộc vào nhóm ngành hàng Thời trang và Phụ kiện của Shopee và TikTok Shop.

Cụ thể, nếu như nhóm ngành hàng Thời trang và Phụ kiện chỉ chiếm 24% trên tổng GMV của Shopee trong quý thì nhóm ngành hàng này lại chiếm đến 37,5% trên tổng GMV của TikTok Shop trên cùng thời gian. Và khi nhu cầu cho sản phẩm Thời trang và Phụ kiện giảm trong quý II so với quý I (do quý I có Tết Nguyên Đán là cao điểm của ngành hàng) thì TikTok Shop đã chịu ảnh hưởng nhiều hơn Shopee.

Điểm lại các hoạt động của Shopee và TikTok Shop trong quý II/2024, báo cáo chỉ ra trọng tâm của hai nền tảng tiếp tục đặt vào các hoạt động Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí).

Đặc biệt trong tháng 6, nếu như TikTok Shop tạo dấu ấn với các phiên livestream trăm tỷ thì Shopee cũng không kém cạnh với Chuỗi sự kiện Shopee Live – Siêu Nhạc Hội. Nhờ lực đẩy này mà GMV toàn thị trường tháng 6 đã chạm mức 33,8 nghìn tỷ đồng/tháng – cao nhất từ đầu năm tới nay.

Trong khi tổng giá trị giao dịch của nhóm ngành hàng Thời trang và Phụ kiện giảm 3% so với quý trước thì báo cáo của YouNet ECI chỉ ra tất cả các nhóm ngành hàng khác đều tăng trưởng về GMV. Trong đó, có những nhóm như Thực phẩm và Đồ uống hay Mẹ và Bé đều tăng trưởng đến hai chữ số.

Tuy vậy, tính tổng thể, cũng như quý trước, Thời trang và Phụ kiện vẫn là nhóm ngành hàng được người tiêu dùng mua nhiều nhất trên 4 nền tảng thương mại điện tử, đạt 22,679 nghìn tỷ đồng GMV. Xếp sau lần lượt là nhóm Sắc đẹp (13,4 nghìn tỷ đồng), Nhà cửa và Đời sống (10,6 nghìn tỷ đồng), Công nghệ (8 nghìn tỷ đồng) và Điện gia dụng (6 nghìn tỷ đồng).

Theo YouNet ECI

Thị trường ngày càng phát triển theo hướng chắt lọc

Theo báo cáo của YouNet ECI, trong quý II, tổng số lượng nhà bán có doanh thu giảm đến 26 nghìn nhà bán so với quý trước. Tuy vậy, doanh thu trung bình của mỗi nhà bán lại tăng 9% so với quy trước. Đồng thời, giá trị trung bình mỗi sản phẩm tiêu thụ trên thương mại điện tử cũng tăng 7% so với quý trước.

Có thể thấy, thị trường thương mại điện tử đang thay đổi rất nhanh theo hướng chắt lọc, tập trung, khiến số lượng nhà bán không chuyên, uy tín thấp ngày càng giảm.

Theo ông Nguyễn Phương Lâm – Giám đốc Phân tích Thị trường của YouNet ECI, ba xu hướng chủ đạo sẽ là nguồn động lực tăng trưởng chính cho thương mại điện tử Việt Nam trong 3 đến 5 năm tới là: Thói quen mua sắm trực tuyến mỗi ngày, các mặt hàng giá trị cao và sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ của xu hướng shoppertainment.

Chuyên gia của YouNet ECI cho rằng: “Chìa khóa tăng trưởng trên thương mại điện tử giờ đây nằm ở độ thấu hiểu thị trường, thấu hiểu khách hàng và khả năng tối ưu thông minh, chuyên nghiệp hóa trên từng điểm chạm. Đã qua rồi thời điểm nhãn hàng chỉ cần mở gian hàng trên sàn là có doanh thu mà việc nắm trong tay dữ liệu thị trường, biết cách phân tích để từ đó tìm ra hướng đi mới là yêu cầu bắt buộc”.

Theo nghiên cứu của ngân hàng HSBC, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đang hỗ trợ tích cực và củng cố tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam.

HSBC cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đã có dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa; với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Họ tin rằng việc ứng dụng và nâng cao dịch vụ số sẽ đáp ứng được kỳ vọng khách hàng về sự tiện lợi và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Tuấn Việt

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/shopee-van-bo-xa-cac-doi-thu-trong-cuoc-dua-thi-phan-thuong-mai-dien-tu-d396136.html

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ