A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sức chuyển của kinh tế số

16:50 | 23/08/2024

Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã và đang tìm cách lên sàn thương mại điện tử.

Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng số diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Với những chuyển động này, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến chạm mốc 45 tỷ USD vào năm 2025...

Người tiêu dùng ngày càng hướng đến hình thức mua hàng trực tuyến. Ảnh: Quang Vinh.

Xu thế “buôn chợ mạng” bùng nổ

Từ chỗ kinh doanh truyền thống, mỗi tháng phải bỏ ra từ 30 - 40 triệu đồng để thuê mặt hàng kinh doanh bánh kẹo và hoa quả nhập khẩu chị Kim Thu Hương (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã quyết định đầu tư mở gian hàng trên các nền tảng trực tuyến như TikTok Shop, Facebook, shopee… Chỉ mất 3 tháng đầu làm quen, bước sang tháng thứ 4, doanh số thu về từ các gian hàng số đã gấp đôi so với kinh doanh truyền thống.

Chia sẻ về sự chuyển hướng kinh doanh của mình, chị Hương cho biết, lúc quyết định dừng kinh doanh truyền thống chuyển sang “buôn chợ mạng” cũng hoang mang vì bản thân không rành về công nghệ. Hơn nữa, mặt hàng bánh kẹo, trái cây liệu có phù hợp bán online không? Băn khoăn lắm nhưng nếu không tự mình đổi mới thì có nguy cơ phá sản bởi chi phí mặt bằng cao mà doanh thu ngày càng giảm.

“Tôi đã đi học lớp ngắn hạn về làm clip giới thiệu về sản phẩm, cách khai thác đơn hàng, thị hiếu của khách hàng… Số tiền bỏ ra để đầu tư mua thiết bị, chạy quảng cáo, mua gian hàng số cũng bằng với chi phí thuê mặt bằng và thuê nhân viên” – chị Hương chia sẻ và cho biết, thật không ngờ doanh số thu về tăng gấp đôi so với bán truyền thống. Trung bình mỗi phiên Livestream thu về từ 20 - 30 triệu đồng. Cá biệt, có nhiều phiên livestream bán các loại hạt điều, macca… đã tiêu thụ từ 100 - 250kg các loại hạt. Doanh số thu về bằng cả tháng bán trực tiếp.

Các hợp tác xã nông sản cũng không nằm ngoài cuộc. Tận dụng xu hướng TMĐT nhiều hợp tác xã (HTX) đã đưa sản phẩm lên sàn và thu về trái ngọt khi được thị trường đón nhận. Thành lập năm 2023 nhưng thương hiệu các sản phẩm từ chè Shan Tuyết của HTX Trà Shan Tuyết Phình Hồ, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái đến nay đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Có được kết quả này, theo ông Đỗ Tuấn Lương - Giám đốc HTX, bên cạnh việc quan tâm tới chất lượng sản phẩm, HTX đã chú trọng đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Tiktok shop, facebook... Đồng thời, “bắt tay” với những tài khoản có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.

Với cách làm bài bản, chỉ sau 1 năm ra mắt, sản lượng chè thành phẩm xuất bán ra thị trường đã đạt 3 tấn; thương hiệu Trà Shan Tuyết Phình Hồ đã cán mốc 15 triệu lượt xem trên các nền tảng xã hội. HTX cũng mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 45 hộ dân Phình Hồ với giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg chè búp tươi.

Đến nay, người tiêu dùng cả nước đã rất quen thuộc với việc mua hàng online. Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam của NielsenIQ Việt Nam cho hay, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cụ thể, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.

Nắm bắt xu thế này, không chỉ cá nhân, HTX mà nhiều doanh nghiệp (DN) lớn cũng bắt đầu vào cuộc chơi “chợ mạng”. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (sở hữu thương hiệu V-Sixtyfour) chia sẻ, Việt Thắng Jean đang bán hàng trên nhiều kênh trực tiếp kết hợp trực tuyến, như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hoặc website của công ty. Năm 2023, doanh thu bán hàng tại các cửa hàng truyền thống và một số thị trường xuất khẩu của Việt Thắng Jean giảm nhẹ, nhưng doanh thu bán hàng trực tuyến lại tăng 25 - 30% so với năm 2022.

Nông dân livestream bán vải tại Bắc Giang. Ảnh: Tỉnh đoàn Bắc Giang.

Dư địa khai thác còn lớn

Thực tế cho thấy, mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng TMĐT Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển TMĐT dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2024 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành đánh giá, chưa bao giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay. Dẫn chứng, ông Thành cho biết, chưa tính đến đội ngũ shipper, riêng TPHCM hiện có hơn 90 nghìn người kinh doanh online (khoảng 0,8% dân số thành phố). Cả nước dù chưa có con số cụ thể nhưng có thể thấy đây là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm.

Đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số cũng ngày càng cao, nhất là khi giám sát tốt hơn đối với hoạt động TMĐT. Riêng năm 2023, doanh thu của TMĐT là 3,5 triệu tỷ đồng, thu ngân sách từ lĩnh vực này khoảng 100.000 tỷ đồng và có thể còn cao hơn.

Báo cáo mới công bố của Công ty phân tích và Tư vấn phát triển kênh TMĐT YouNet ECI cũng cho thấy, người tiêu dùng chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn TMĐT đa ngành lớn nhất Việt Nam trong quý II/2024 gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, tăng 10,4% so với quý I. Trong đó, Shopee chiếm gần ba phần tư tổng chi tiêu mua sắm của khách hàng, với tổng giao dịch đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%.

Đội ngũ giao hàng phát triển mạnh nhờ kinh doanh online.

Theo các chuyên gia, TMĐT là lĩnh vực có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với DN nhỏ và vừa, thậm chí họ có thể phát triển bình đẳng với DN lớn. Tuy nhiên để tối ưu hoá tiềm năng TMĐT của Việt Nam là bài toán đường dài.

Theo đó, định hướng và giải pháp lớn nhất là gắn TMĐT với chuỗi sản xuất để tăng giá trị, thúc đẩy hiệu quả của những mắt xích trong chuỗi cung ứng. Quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm. Cụ thể, cần xác định được địa phương có ưu thế mặt hàng, địa phương có ưu thế trong lĩnh vực logictic hoặc trong tổ chức kho hàng để có thể tối ưu hoá hiệu quả của chuỗi cung ứng trong bối cảnh của khu vực.

Vấn đề thứ hai là, phối hợp với các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt các mặt hàng nông sản, nhất là trong cao điểm mùa vụ. Lâu dài hơn, ngoài việc tiêu thụ theo mùa vụ những sản phẩm đặc trưng của vùng miền, địa phương, ngành chức năng cần phối hợp với các sàn TMĐT để xây dựng những thương hiệu trực tuyến cho hàng hoá, hướng đến đưa sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài. Sau cùng là, quy hoạch và phát triển mạng lưới logictics, đây là lời giải cho bài toán tỷ trọng logictics hiện đang tương đối cao trong giá thành sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử.

Ở góc độ quản lý sàn TMĐT, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết, TMĐT muốn phát triển, tăng trưởng, thì khâu sản xuất phải giải quyết được 3 vấn đề là quy mô, xu thế và thương hiệu. Về quy mô, phải sản xuất đến ngưỡng mà chất lượng đồng bộ đủ mạnh thì mới tiếp cận được thị trường thế giới.

Về xu thế, hiện nay thị trường ưa dùng các sản phẩm bền vững. Ngoài đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, bảo vệ môi trường, thì còn cả vấn đề sử dụng lao động đúng pháp luật…Về thương hiệu, Việt Nam có những thương hiệu rất tốt để xây dựng và phát huy để vươn ra thế giới, giúp các DN nâng cao khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong TMĐT có vai trò quan trọng. Khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo sản phẩm không vi phạm về chặt phá rừng hoặc các yêu cầu bảo vệ môi trường… Phải giải quyết tất cả những vấn đề đó bằng cách số hóa, áp dụng đến từng khâu của quy trình sản xuất. Đó là những yếu tố mà TMĐT phải áp dụng để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện Bộ Công thương đang tham mưu trình Chính phủ kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT cho giai đoạn 5 năm tới. Trong đó, TMĐT hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm “made in Vietnam” ra thị trường quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ DN vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra toàn cầu. Phát triển bền vững sẽ là định hướng lớn khi xây dựng những giải pháp thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung.

Khanh Lê

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/suc-chuyen-cua-kinh-te-so-10288611.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ