A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những người “buôn nắng, bán mưa”

07:47 | 26/08/2024

Tôi gọi họ là thế, bởi nếu có một cái nghề thường xuyên lấy nắng – mưa làm vốn liếng, lấy nhật - nguyệt làm nhà, thì ắt hẳn phải kể đến nghề lái buôn, lái sọt nông sản. Đắk Lắk là một vùng đất sôi động của những người theo nghề này...

Những người “gõ sầu” liên tỉnh

Anh Phạm Dương (SN 1987, ở xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) được xem là một trong những thợ “gõ sầu” (thử sầu riêng), vừa là lái buôn “di động” có tiếng trong nghề ở Đắk Lắk. Cả nhà anh Dương, bạn bè anh em cũng hơn 15 người theo nghề, vừa “gõ sầu”, vừa lái xe sọt, vừa lái buôn thu mua nông sản suốt cả bốn mùa ở Tây Nguyên.

Hằng năm, trước khi vào vụ chính sầu riêng của Đắk Lắk, khoảng tháng 4, "đội quân" của anh Dương kéo xuống Bình Phước, sau đó lên Đắk Nông, rồi mới quay về quê nhà Đắk Lắk vào khoảng tháng 7 dương lịch. Hầu như nơi đâu có vườn sầu riêng lớn là nơi ấy có dấu chân của đội quân này. Đến nơi đâu họ cũng thường chọn nhà trọ ở khu vực thuận lợi nhất, giản đơn và giá cả hợp lý nhất có thể để thuê ở. Bởi phần lớn cuộc sống, bầu không khí của họ hít thở hằng ngày là trong các khu vườn, trên từng cây số chở hàng, còn nhà trọ chỉ là nơi họ trở về ngả lưng và chợp mắt một thoáng trong đêm.

Mùa sầu riêng kéo dài từ tháng 4 - 9, cũng là mùa tất bật của những người thợ “gõ sầu”

Anh Dương quê gốc ở Quảng Nam, bố mẹ đi kinh tế mới ở Đắk Lắk từ hàng chục năm trước, rồi anh trở thành công dân của xứ sở này. Gắn bó với nghề nông từ nhỏ nên anh Dương có chút kinh nghiệm về nhiều loại nông sản, nhưng “chẩn đoán” và theo nghề “gõ sầu” thì mãi vài năm gần đây anh mới được thầy của mình truyền thụ cho.

“Mỗi quả sầu phải đạt độ “tuổi” của nó. Những quả có thể thu hoạch là từ bảy tuổi rưỡi trở lên. Gõ sầu yếu, dẫn đến hái những quả chưa đủ độ chín, sượng, dở thì giá bán thấp, thậm chí phải vứt bỏ. Vậy là lỗ. Xem như tay nghề non!”, anh Dương nói và giải thích thêm đơn vị “tuổi” là khái niệm ước lượng về độ chín, đạt của sản phẩm mà dân trong nghề tự đặt ra, không theo quy chuẩn thông thường nào.

Những người thợ hái sầu như anh Dương thường chỉ với chiếc dao nhỏ, sắc bén; họ leo lên cây, chọn quả, dùng cán dao gõ vào quả sầu riêng, thông qua âm thanh vọng ra từ quả sầu riêng mà họ đoán biết quả ấy đạt độ chín chất lượng thế nào. Quả nào đạt thì cắt, thả xuống đất, bên dưới có người giăng sọt sẵn để hứng sầu. Tuy là với chiếc dao nhỏ, nhưng những bàn tay thoăn thắt ấy hái cả vài tấn sầu mỗi ngày là điều bình thường. Anh Dương nói, có những ngày hái sung nhất, với 2 thợ trên cây, 5 người dưới đất, nhóm của anh từng hái 10 tấn/ngày.

Nghề của anh Dương là một nghề tổng hợp, rất đặc thù và đầy thú vị. Anh vừa là thợ “gõ sầu”, vừa là lái buôn, vào tận vườn cáp giá – mua nguyên vườn, cũng vừa là người vận chuyển, bằng xe sọt hoặc ô tô tải mang sầu riêng nhập cho các chủ vựa... Cả ba nghề này đều cần độ tinh tế, kinh nghiệm, kỹ năng thuần thục và sự nhạy cảm của các giác quan cộng lại.

Điều mà những người như anh Dương lo lắng nhất trong nghề của mình là nắng mưa thất thường. Thời tiết như con dao hai lưỡi, thuận đấy mà nghịch cũng đấy. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, quả chín tới đạt cả trọng lượng lẫn độ ngon thì khỏi bàn, nhưng gặp “mưa trái vụ, nắng thất thường” khiến quả sầu riêng bị sượng, bị thối bên trong thì “lỗ toạc mặt”. Chính vì thế, việc chọn thời điểm để thu hoạch, thu mua là những kinh nghiệm sống còn. Nếu thuận lợi, mỗi tháng nhóm của anh Dương chia nhau thu nhập khoảng 20 -30 triệu đồng tùy người. Đây chính là động lực để họ bám nghề và tiếp tục những cuộc rong ruổi mưu sinh.

Bạn của nhà nông và lao động nghèo

Theo tôi, nếu lái xe máy thồ là một nghề, thì lái xe sọt là "siêu" nghề, bởi có khi mỗi chiếc xe sọt chở khoảng 5 – 7 tạ nông sản, lại còn đi qua bao con đường gập ghềnh khúc khuỷu của núi đồi Tây Nguyên. Nhưng nào phải chỉ có đấng mày râu mới lái xe sọt, phụ nữ cũng tham gia vào chuỗi cung cầu và cái nghề đặc biệt này.

Chị Nguyễn Thị Loan, vợ anh Dương cũng là dân "thiện chiến" trong nghề lái xe sọt. Khi mà anh Dương và đồng đội kéo quân sang “đánh” các vườn sầu riêng ở Bình Phước, Đắk Nông, thì ở nhà chị Loan cũng rong ruổi dặm dài với chiếc xe sọt đi thu hái mãng cầu xiêm Thái tận vườn. Từ tờ mờ sáng là chị Loan ra khỏi nhà và trở về nhà vào cuối chiều, nhiều lúc trời đã về đêm nếu lượng hàng lớn.

Đội lái buôn xe sọt hầu như đi suốt giữa bốn mùa Tây Nguyên, hết tỉnh này sang tỉnh khác

Một lần, tôi xin theo chân chị Trương Thị Toàn, một thương lái trẻ ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar để tìm hiểu công việc của đội ngũ lao động đặc biệt này. Quốc lộ 26 hay nhiều tuyến đường nhánh vào các buôn làng đều hiện diện những lái buôn, xe sọt là bạn hàng của chị Toàn. Họ gọi nhau, hẹn nhau để nhận hàng rôm rả. Sức nóng của việc tiêu thụ nông sản, tôi nghe được qua từng cuộc điện thoại ấy. Nụ cười của người nông dân tôi cũng hình dung được qua những cuộc điện thoại ấy. Anh Vũ Đức An, 42 tuổi, ở thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) làm nghề lái sọt được 10 năm nhưng đã có chừng 6 năm làm ăn với chị Toàn. Anh kể, mỗi ngày anh đi ít thì 100 km, nhiều hơn thì 150 km. “Như hôm nay mình đi từ nhà qua cây số 52, rồi qua huyện M’Drắk, về Cư Yang sang Cư Bông, quay về lại 52 mới được mấy chục ký lô mãng cầu đó. Chiều nay tranh thủ đi tiếp”, anh An nói.

Đắk Lắk - thủ phủ Tây Nguyên - cũng là tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn nhất, nhì cả nước với khoảng 627.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tây Nguyên trù phú và là nơi cung ứng cho thị trường rất nhiều nguồn nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mắc ca, cà phê, cao su, điều, tiêu... cùng rất nhiều loại nông sản “bình dân” khác như dứa, chuối, mít, nhãn, chôm chôm, mãng cầu, thanh long... Nông sản Đắk Lắk hiện diện cả bốn mùa, tùy mùa mà có những loại cây trái, củ quả khác nhau để cung ứng cho thị trường. Và đội ngũ xe sọt, những thương lái, chủ vựa nông sản như chị Trương Thị Toàn là những mắt xích quan trọng trong chuỗi tiêu thụ nguồn nông sản lớn ấy.

Chị Toàn từng cùng chồng lái xe sọt đi mua nông sản tận vườn khắp các tỉnh Tây Nguyên, gần đây thì thành lập Công ty TNHH Bốn mùa trái cây Tây Nguyên. Để bảo đảm cho các đơn hàng mỗi tuần, cùng với đội ngũ xe sọt khoảng 150 người, hiện công ty chị Toàn có khoảng 50 công nhân làm việc thường xuyên, phần lớn là lao động nữ và là người đồng bào Êđê. Vào mùa cao điểm, cơ sở thu mua nông sản của chị Toàn thu hút thêm nhiều lao động khác, có khi lên đến 100 người. Công nhân đều là tay ngang, được chị Toàn đào tạo lại công việc sơ chế, đóng gói cho các đơn hàng với đối tác ở miền Nam và miền Tây. Với thu nhập trung bình khoảng 6 – 8 triệu đồng/tháng, công ty chị Toàn đã giải quyết công việc ổn định cho lượng lao động đáng kể ở địa phương.

“Nhu cầu và đơn hàng có khi rất gấp. Bên em huy động anh em nhân viên, công nhân làm việc rất khẩn trương. Anh em lái sọt cũng kết nối rất nhiệt tình, rôm rả. Từ nông dân đến anh em lái sọt, tới công nhân, rồi tới các đối tác lớn, tất cả liên kết với nhau, hợp tác, tin cậy. Có như vậy mới giúp nhau thành công được”, chị Toàn nói.

Đình Toàn

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202408/nhung-nguoi-buon-nang-ban-mua-6e915e6/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ