A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Trồng Mắc-Ca: Hiệu quả cao song rủi ro cũng lắm

09:49 | 12/04/2015

Hiện nay, nhiều bà con nông dân và cả một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đua nhau trồng mắc-ca. Đây là loại cây trồng có giá trị cao, hạt mắc-ca có thể được sử dụng để chế biến thực phẩm và là nguyên liệu trong sản xuất mỹ phẩm.

Tuy nhiên, tình trạng đổ xô trồng mắc-ca trong khi chưa được khuyến cáo đầy đủ về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, đầu ra chưa ổn định… đang đặt ra những nguy cơ rủi ro.

Năm 2011, anh Đoàn Trọng Nghiêm ở xã Krông Buk (huyện Krông Pak) đã trồng mắc-ca xen trong vườn cà phê với diện tích 1,8 ha bằng các giống mắc-ca QN1 (Trung Quốc) và giống 816 (Úc) được mua từ Công ty Vinamacca. Hiện nay, vườn mắc-ca 3 năm tuổi của anh đang ra hoa kín tán, một số cây đã cho quả. Với đà phát triển của vườn mắc-ca hiện nay, vụ này gia đình anh ước thu hoạch từ 1,2 - 1,3 tấn hạt/ha, với giá bán từ 90.000 – 100.000 đồng/kg sẽ mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha (hiện tại giá bán thị trường 150.000-160.000 đồng/kg hạt cho nhân giống). Anh Nghiêm dự tính, khi cây mắc-ca phát triển mạnh, ổn định thì sẽ giảm dần mật độ cây cà phê, vì năng suất mắc-ca có thể ổn định thu hoạch khoảng 60 năm (thời gian gấp 3 lần so với cà phê). Chi phí đầu tư trồng mắc-ca chỉ khó khăn ở giai đoạn giống, nhưng mật độ giống không nhiều như cà phê (mật độ trồng thuần từ 250 - 300 cây/ha, tùy chân đất) và dễ chăm sóc…

Anh Nghiêm và vườn mắc-ca 3 năm tuổi trồng xen với cà phê.

 

Theo ông Hoàng Tùng, Giám đốc Công ty Vinamacca (đơn vị nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các loại giống mắc-ca), nhu cầu mua giống mắc-ca của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh hiện đang rất “nóng”. Tuy nhiên, hiện tại giống mắc-ca đã “cháy hàng”, chậm nhất đến tháng 7, tháng 8-2015 mới có lại, vì nhà nông, trang trại và cả một số doanh nghiệp đang đua nhau trồng mắc-ca. Ông Tùng cho biết, nếu vườn mắc-ca trồng xen cà phê của anh Nghiêm chăm sóc đúng kỹ thuật hơn thì năng suất sẽ rất cao, năm thứ 7-8 có thể lên đến 4 tấn hạt/ha, sau năm thứ 10 có thể ổn định tối thiểu 5 tấn hạt trở lên.

Cây mắc-ca có giá trị cao; quả mắc-ca hình trái đào, hoặc tròn như hòn bi, khi chín vỏ quả chuyển từ xanh sang nâu, vỏ khô tự nứt, bên trong chứa một hạt tròn như hạt nhãn. Nhân hạt mầu sữa trắng ngả vàng, chiếm gần 1/3 trọng lượng hạt. Theo kết quả phân tích của các nhà khoa học, nhân hạt mắc-ca chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có hàm lượng cao như: chất béo; kali; phốt-pho; ma-giê; can-xi, lưu huỳnh, sắt dễ tiêu, kẽm, đồng và một số loại Vitamin PP, B1, B2, E… Điều đặc biệt là hàm lượng acid béo không no trong dầu mắc-ca lên tới 84%, đây là thứ chất béo mà thế giới hiện đại rất coi trọng vì ít dẫn tới nguy cơ tích tụ cholesterol trong cơ thể người và rất phù hợp với nhu cầu làm dung môi trong mỹ phẩm. Nhân mắc-ca còn được chế biến và sử dụng rất đa dạng như trộn trong sa lát, xào, nấu, làm nhân bánh, kem, mứt và ăn sống… Nhu cầu về nhân mắc-ca trên thị trường thế giới rất lớn nên đây là mặt hàng nông sản đắt giá nhất trên thị trường thế giới hiện nay. Với ưu thế như vậy, cây mắc-ca được nhiều nông dân coi là loại cây hữu hiệu thay thế cà phê trong khi giá cà phê chưa ổn định.

Tuy nhiên, mắc-ca không phải là loại cây trồng “dễ tính”. Mặc dù Việt Nam có nhiều tiểu vùng khí hậu với diện tích lớn đáp ứng được yêu cầu trồng mắc-ca, song sau hơn 20 năm, mắc-ca mới được khoanh vùng quy hoạch phù hợp trồng tại một số địa phương ở Tây Bắc và Tây Nguyên, nơi nhiệt độ bình quân dao động trong khoảng từ 13-280C. Qua đó cho thấy mắc-ca khá kén thổ nhưỡng và khí hậu. Theo các nhà khoa học, cây mắc-ca có thể trồng ở nhiều nơi nhưng để cây có quả hạt thì lại rất ít nơi trồng được, không phải vùng nào ở Tây Nguyên cũng phù hợp với loại cây này, chưa kể đến vấn đề biến đổi khí hậu nên khó ổn định năng suất qua các năm trồng đối với những cây đã cho quả. Vì thế, người trồng cần rất thận trọng trong khâu chọn địa điểm đầu tư, phát triển.

Vì cây mắc-ca có vòng đời dài (có thể đến 100 năm) nên thời gian cây được trưởng thành và cho năng suất ổn định tương đối dài (7-8 năm), khó khăn cho thu nhập tái sản xuất trong những năm đầu đối với nông dân phát triển manh mún, không đủ điều kiện kinh tế. Thời gian quá dài ở thời kỳ kiến thiết cơ bản khiến nhiều nông dân nếu không tìm hiểu kỹ dễ lâm vào tình trạng khi nhận thấy cây không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, cây không ra hoa đậu quả thì đã tốn quá nhiều tiền của và công sức đầu tư. Phương thức thu hoạch mắc-ca chủ yếu là thu lượm quả chín rụng trên mặt đất nên dễ bị thất thoát do bị sóc hay chuột ăn, chưa kể khi trồng xen trong vườn cà phê, quả mắc-ca rơi xuống dễ bị lớp thực bì che phủ, khó thu hoạch. Nếu diện tích phát triển nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng không nhiều, chất lượng không đạt (do mua giống trôi nổi trên thị trường) thì việc tìm đầu ra sẽ rất khó. Công ty Vinamacca hiện chỉ tập trung mua những sản phẩm mà công ty đã phân phối giống chất lượng với sản lượng tương đối lớn (3-4 nghìn cây trở lên), đối với sản lượng nhỏ lẻ người bán phải mang tận nơi thì công ty mới thu mua. Bên cạnh đó, việc phân phối giống mắc-ca trên thị trường Tây Nguyên vẫn còn tùy tiện, chất lượng giống chưa được quản lý hiệu quả nên giống “trôi nổi” vẫn nhan nhản nhiều nơi, người mua giống dễ bị “nhầm”.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần có những khuyến cáo cụ thể đến tận người dân để hạn chế việc “chạy đua” trồng mắc-ca như hiện nay. Để việc phát triển sản xuất mắc-ca có hiệu quả, người sản xuất cần chủ động nắm bắt chủ trương quy hoạch sản xuất mắc-ca của Nhà nước; liên kết với các nhà khoa học để được tư vấn về các điều kiện khí hậu, sinh thái đất đai trước khi có kế hoạch trồng. Việc chọn giống mắc-ca là hết sức quan trọng, quyết định đến kết quả của cả một quá trình sản xuất, nên cần chọn nhà cung cấp giống hoặc nhà đầu tư và bao tiêu sản phẩm có tư cách pháp nhân, có uy tín và trách nhiệm trong việc liên kết sản xuất; phối hợp với nhà chuyên môn để được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây mắc-ca thì mới mang lại kết quả. Không nên trồng mắc-ca khi chưa phân tích điều kiện khí hậu, đất đai và khảo nghiệm giống. Khi trồng mắc-ca phải trồng từ 2-3 loại giống để tạo điều kiện cho quá trình giao phấn chéo, đem lại năng suất và chất lượng quả cao.

Cẩm Lai

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ