A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Có bao nhiêu ha rừng bị tàn phá ở Ðắc Lắc trong năm 2012

08:49 | 27/03/2013

192 ha là số liệu báo cáo diện tích rừng ở tỉnh Ðác Lắc bị tàn phá trong năm 2012. Trong khi đó, từ năm 2008 đến 2011, trung bình mỗi năm ở tỉnh này có hơn 3.000 ha rừng biến mất. Vậy con số 192 ha có thật sự đúng?

Trong báo cáo năm 2012, UBND tỉnh Ðắc Lắc cho biết, các ngành chức năng đã phát hiện tổng số 2.060 vụ vi phạm lâm luật, trong đó khởi tố hình sự 27 vụ, tịch thu hơn 4.000 m3 gỗ các loại, tịch thu 682 phương tiện; thu nộp ngân sách 26,6 tỷ đồng. Diện tích rừng bị chặt phá trái phép trong năm 2012 là 192 ha, giảm nhiều so các năm trước (trước đó, từ năm 2008 đến 2011, trung bình mỗi năm có hơn 3.000 ha rừng bị phá). Vì sao lại thấp như vậy? Khi đề cập đến con số đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðác Lắc Ðinh Văn Khiết đã không tin vào các con số báo cáo này, bởi trước đây bình quân mỗi năm  trên địa bàn tỉnh bị phá hơn 3.500 ha, vậy mà năm nay chỉ bị phá hơn 192 ha thôi. Vậy thì vì sao mà chúng ta làm được kết quả này, vì sao bốn năm trước bình quân mỗi năm bị phá là 3.500 ha mà nay chỉ có 192 ha?

  Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Ðôn Nguyễn Văn Xuân cho biết: Chỉ riêng con số này là đã thấy không đúng. Về số gỗ quý hiếm bị tịch thu, như trong báo cáo là 165 m3, nhưng thực tế thì riêng Vườn Quốc gia của chúng tôi đã là hơn 200 m3 rồi. Về tổng số vụ vi phạm năm 2012, chỉ riêng tại Vườn Quốc gia đã là 592 vụ (năm 2011 chỉ 510 vụ) và toàn bộ số gỗ tịch thu là 500 m3.

  Từ huyện Ea Súp chạy về TP Buôn Ma Thuột, phải vượt qua 100 km, Phó  Chủ tịch UBND huyện cùng Phó  trưởng Công an huyện đã khởi hành sớm để kịp dự cuộc họp, ông kể: Xe đang chạy giữa đường rừng tỉnh lộ 1 thì phát hiện một xe tải chở gỗ lậu, tôi giục tài xế vượt lên chặn lại, lập tức có hai xe con xuất hiện cản đường cho xe tải bỏ chạy. Giữa rừng, điện thoại không có sóng, bên kia đông người cho nên đành chạy thẳng ra Buôn Ðôn báo số xe chở gỗ cho công an chốt chặn, nhưng  những chiếc xe này đã biến mất. Ea Súp là địa bàn nóng nhất về phá rừng trong 15 huyện, thành phố thuộc tỉnh Ðác Lắc. Với gần 5.000 hộ dân di cư tự do chưa có hộ khẩu, trong năm qua tại các xã thường xuyên xảy ra nạn khai thác trụ tiêu, lấn chiếm đất rừng, sang nhượng trái phép, các băng nhóm lâm tặc, địa tặc đâm chém ẩu đả. Có những vạt rừng bị họ dùng cưa xăng, máy xúc mỗi đêm ủi lấn  từ  2 đến 3 ha. Bị phá nhiều nhất là rừng giao cho các nhóm hộ, cho xã, cho các công ty lâm nghiệp. Chỉ riêng năm 2012, huyện đã xử lý hơn 300 vụ phá rừng, phạt hành chính gần năm tỷ đồng, một lâm tặc lãnh án tám năm tù giam... Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết thêm: Thủ đoạn của các đối tượng phá rừng rất tinh vi và liều lĩnh, hoạt động có tổ chức và đông người, khai phá vào ban đêm, trời mưa, dùng cơ giới, cưa xăng, máy xúc rất nhanh, cho nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Hiện, chúng tôi cũng đã tập trung quản lý, nhưng không xuể.

  Theo số liệu thống kê, sau gần bốn năm thực hiện giao đất trồng các dự án nông, lâm nghiệp, đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc chỉ mới trồng hơn 7.235 ha cao-su và gần 8.000 ha rừng. Tiến độ trồng cao-su, trồng rừng thì diễn ra theo kiểu "rùa bò" so với kế hoạch, còn việc tận thu gỗ trên diện tích rừng được phép chuyển đổi lại được các doanh nghiệp triển khai rất nhanh chóng. Với ngần ấy thời gian, hơn 44.000 m3 gỗ trên diện tích 7.343 ha rừng đã bị khai thác. 

  Dự án đầu tư quản lý bảo vệ rừng và trồng cây mít do Công ty cổ phần Vinamit làm chủ đầu tư. Ngày 8-12-2010, UBND tỉnh Ðác Lắc có quyết định thu hồi 925,83 ha đất tại tiểu khu 294, 295 thuộc địa bàn xã Cư Mlan, huyện Ea Súp của Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh để giao cho công ty này thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát hiện trạng về rừng và đất lâm nghiệp của dự án vào cuối tháng 6-2012 cho thấy, công ty này đã để mất 741,6 ha rừng. Trong khi đó chỉ trồng vỏn vẹn được 58 ha cao-su, 5,5 ha điều và 133,4 ha hoa màu khác. Trước thực trạng  nêu trên, ngày 23-7-2012, UBND tỉnh Ðác Lắc có quyết định thu hồi số diện tích nêu trên giao lại cho Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh để sử dụng vào mục đích đất rừng sản xuất. Ðây cũng là kết cục buồn của một dự án sau hai năm giao đất, giao rừng nhưng rừng nghèo đã được khai thác xong, còn việc trồng thì chẳng được là bao.

  Rừng thông ven quốc lộ 14 bị phá như vậy mà cán bộ huyện Krông Buk đề nghị lãnh đạo tỉnh "thông cảm" đồng ý chia hàng trăm ha đất rừng thông bị phá dọc quốc lộ 14 cho những người xin tách hộ. Cán bộ huyện Ea H’leo cố thuyết phục tỉnh chấp nhận "sự đã rồi" trong việc sang bán dự án, lén trồng cà-phê thay vì trồng rừng của chủ dự án Lộc Phát... Liên quan đến việc quản lý và bảo vệ rừng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðắc Lắc,Trang Quang Thành cho biết: Thời gian qua, thực hiện việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng, riêng  sở đã có hai phó giám đốc xin từ chức vì quản lý bảo vệ rừng kém hiệu quả, trước đó một phó giám đốc  sở đã bị kỷ luật. Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ luân chuyển khoảng 50 cán bộ kiểm lâm có vấn đề. Việc phá rừng thông ở huyện Ea H’leo, Krông Buk phải xử nghiêm những kẻ cầm đầu, không có chuyện rừng phá xong đề nghị tỉnh cho chia chác, tạo tiền lệ nguy hiểm để nhiều nơi khác làm  theo.

  Thực tế là vậy, cho nên khi nghe con số 192 ha rừng bị phá trong năm 2012 đã làm dư luận bức xúc   về con số đã nêu. Do vậy cần làm rõ số diện tích rừng bị phá và hành vi phá rừng hiện nay, nếu không nhìn nhận đúng, thì việc triển khai công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng trong năm 2013 sẽ không đạt như mong muốn.

 

    Theo Nhân Dân

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ