A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kết quả kiểm tra chính sách về người có công: Sai phạm tràn lan

15:26 | 02/12/2013

Theo Thanh tra Bộ LĐTB & XH, trong 2 năm 2012- 2013, qua thanh tra tại 13 tỉnh, thành trong cả nước đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Điều đáng nói, Thanh tra Bộ đã kiến nghị thu hồi hơn 10 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước, trong đó có 9,5 tỷ đồng chi trợ cấp hàng tháng không đúng đối tượng. Song theo báo cáo của các địa phương, đến nay mới thu hồi được hơn 500 triệu đồng.

Chết 16 năm vẫn được trợ cấp

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ LĐTB & XH, trong quá trình kiểm tra, thanh tra hai năm qua đã phát hiện ra nhiều sai phạm của các địa phương trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Cụ thể trong công tác tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ phát hiện có 609/7.460 hồ sơ có sai sót, chiếm tỷ lệ 8,16%, qua đó đã đình chỉ trợ cấp đối với 160 hồ sơ thương binh, 103 hồ sơ nhiễm chất độc hóa học; tạm dừng trợ cấp 188 hồ sơ thương binh và 158 hồ sơ chất độc hóa học.

Những dạng sai sót chủ yếu được phát hiện là giả mạo, khai man hồ sơ thương binh để được hưởng chế độ ưu đãi như: giả mạo, khai man giấy tờ chứng minh bị thương, giả mạo giấy tờ y tế chứng minh điều trị vết thương tái phát - một trong những điều kiện để được giám định lại thương tật; hồ sơ không đủ giấy tờ theo quy định, người làm chứng không hợp pháp, mâu thuẫn về thời gian ghi trong hồ sơ, trình tự xác lập hồ sơ... Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra hồ sơ hưởng trợ cấp mặc dù người được hưởng trợ cấp đã chết 16 năm nhưng vẫn được nhận trợ cấp.

"Việc làm giả giấy tờ, hồ sơ ngày càng diễn ra phổ biến và tinh vi. Đối tượng đã dùng hóa chất tẩy toàn bộ nội dung cũ, viết đè lên nội dung mới tại Giấy chứng nhận bị thương gốc. Qua kiểm tra trong năm 2012 tại Phú Thọ đã phát hiện 35/78 giấy tờ là giả. Tại Hải Phòng năm 2013 trưng cầu giám định 45 giấy tờ gốc phát hiện 27 giấy tờ là giả”- Đại diện Thanh tra Bộ LĐTB & XH cho biết.

Đáng lo ngại, trong quá trình kiểm tra còn phát hiện nhiều trường hợp giả mạo hồ sơ di chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam để hưởng chế độ với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Những địa phương có nhiều hồ sơ giả là: Đắk Lắk 57 hồ sơ, Đắk Nông 52 hồ sơ, Hà Nội 50 hồ sơ…

Theo báo cáo của các địa phương, phần lớn các đối tượng giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đều khai nhờ người khác làm giả giấy tờ với mức tiền từ 20 triệu đồng đến 65 triệu đồng/hồ sơ.

Chồng chéo…

Hầu hết các cán bộ làm công tác chính sách ở địa phương cho rằng: Sở dĩ có thực trạng trên là do chính sách ưu đãi người có công còn nhiều vướng mắc. Trong đó, do sự chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như sự chồng chéo về thẩm quyền xử lý.

Cũng theo phản ánh của nhiều địa phương, việc giải quyết đối với những người mất hồ sơ gốc cũng rất lúng túng vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, ngày 22-10-2013, liên Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 28 hướng dẫn giải quyết những trường hợp mất hồ sơ gốc. Đối với những hồ sơ của đối tượng là nạn nhân chất độc da cam hiện đang còn tồn đọng chưa được giải quyết đã có hướng dẫn theo Thông tư liên tịch của Bộ Y tế- Bộ Lao động- TBXH về quy trình xác lập, đánh giá tỷ lệ thương tật để đối tượng được hưởng chế độ. Đối với những hồ sơ làm giả, tùy từng mức độ sai phạm cần có hình thức xử lý phù hợp, thậm chí có một số vụ đã bị đưa ra truy tố trước pháp luật. Hiện Bộ đang triển khai thực hiện các kết luận thanh tra và xem xét trách nhiệm của những người sai phạm. 

L.H

    Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ