A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì... bán tài sản của bố mẹ

08:29 | 26/07/2019

Trong những năm qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn biến phức tạp.

 Loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, công dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh và trật tự xã hội.

Vào tháng 4/2018, Dương Văn Phúc (SN 2001), ở xã Nam Xuân (Krông Nô) nảy sinh ý định lấy trộm xe máy của gia đình đi bán để lấy tiền tiêu xài. Sau đó, Phúc nhờ bạn là Hoàng Quốc Vương giúp tìm chỗ cầm cố tài sản trước để thăm dò tình hình và được Vương đồng ý.

Ngày 13/4/2018, Nguyễn Minh Vương chở Phúc về nhà lấy xe máy của gia đình. Phúc, Minh Vương, Quốc Vương chạy về hướng về huyện Đắk Mil để tìm chỗ cầm cố tài sản. Ngày hôm sau, Quốc Vương đã liên lạc với M.T.Đ, trú ở xã Đức Minh (Đắk Mil) và bán xe với giá 12 triệu đồng.

Sau khi bán được xe, Hoàng Quốc Vương nói với Phúc là bán được xe 10 triệu đồng. Từ số tiền này, Quốc Vương và Phúc đi mua sắm đồ cá nhân cho cả hai hết 3 triệu đồng. Số tiền còn lại Quốc Vương đưa cho Phúc 2,2 triệu đồng, đưa cho Minh Vương 1 triệu đồng... còn lại bao nhiêu đều do Hoàng Quốc Vương cất giữ. Sau đó không lâu, các đối tượng này đều tiêu xài hết số tiền trên.

Về phía gia đình Phúc, ông Dương Văn Bẹ và bà Thi Thị Đèng (mẹ Phúc) đã phát hiện và trình báo sự việc đến cơ quan chức năng. Sau đó, Phúc đã bị Công an huyện Krông Nô bắt giữ theo lệnh truy nã. Về hậu quả vụ việc, Hội đồng định giá nhận định xe Air Blade mang BKS 48C1 - 124.93 mua từ năm 2015, trị giá gần 33 triệu đồng. Phúc và hội bạn của mình đã bị xử lý theo tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vụ án đã qua xét xử sơ thẩm, nhưng do một số bị cáo kháng án, nên mới đây TAND tỉnh đã đưa ra xử phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 2 bị cáo chủ mưu vụ án là Dương Văn Phúc 9 tháng tù giam, Hoàng Quốc Vương 1 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Những đối tượng còn lại chịu hình thức xử lý nhẹ hơn nhờ không có hành vi tòng phạm.

Tại phiên tòa, một số luật sư cho biết, do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ô tô, đồng hồ đắt tiền hoặc tài sản khác có giá trị hàng chục triệu đồng trở lên, thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, là phạm tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

 

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Phan Tuấn

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ